Tại Việt Nam, văn học mạng hiện nay được hình thành từ 2 bộ phận tác giả chính. Thứ nhất là những cây viết thời đại 4.0 tự sáng tác và công bố tác phẩm trên môi trường số, tương tác trực tiếp với độc giả. Thứ hai là một số tác giả đã thành danh, có nhiều sản phẩm được công chúng đón nhận và theo dòng chảy của thời đại, họ sử dụng Internet để đa dạng hóa hình thức truyền tải, giúp đông đảo người đọc tiếp nhận tác phẩm của mình theo lựa chọn cá nhân.
Tuy nhiên, những điểm hạn chế của văn học mạng đến từ đội ngũ tác giả thứ nhất, khi thành công của mỗi tác phẩm được đánh giá bằng số view, like, lượt tương tác, bình luận, chia sẻ, viết theo đặt hàng và chiều thị hiếu của độc giả.
Chỉ một cú nhấp chuột, người đọc đã có thể tiếp cận với thế giới của những truyện ngắn, tiểu thuyết được sáng tác hàng tuần, thậm chí là hàng ngày... |
Phóng sự phát trong Chuyên mục Vấn đề hôm nay trên sóng VTV1 ngày 7/7 đã nêu thực trạng khá nóng về văn học mạng.
Xuất hiện được khoảng hơn 2 thập kỷ, văn học mạng tại Việt Nam vẫn phát triển mang tính cá nhân và tự phát. Đã có những cây viết trẻ thành công, song đây cũng là nơi dung dưỡng cho không ít tác phẩm dễ dãi, kém chất lượng, thậm chí độc hại, nhưng lại chưa có một cơ chế quản lý cụ thể.
Cùng sự phát triển của Internet, văn học giờ đây cũng có một đời sống khác: đời sống trên mạng xã hội. Chỉ một cú nhấp chuột, độc giả đã có thể tiếp cận với thế giới của những truyện ngắn, tiểu thuyết được sáng tác hàng tuần, thậm chí là hàng ngày, tác giả viết đến đâu ra mắt đến đó. Khoảng cách giữa người sáng tác và người đọc chưa bao giờ gần đến thế. Nhưng có một thực tế đang nổi cộm là rất nhiều trong số đó có nội dung dễ dãi, nhảm nhí, thậm chí là kích động lối sống buông thả, trụy lạc, trong khi độc giả phần lớn là người trẻ tuổi.
“Vàng - thau” lẫn lộn trong văn học mạng
Trong phóng sự của VTV, có độc giả phản ánh: “80% nội dung câu chuyện vẫn là sex thôi, hầu hết nhân vật nữ luôn luôn trong tình cảnh bị cưỡng hiếp nhưng họ vẫn chấp nhận và độc giả cũng chấp nhận chuyện đấy”.
Nhà thơ Hữu Việt - Trưởng ban Văn học trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết: “Hiện nay chưa có bất cứ quy định quản lý nào đối với tác phẩm văn học nghệ thuật ở trên mạng và chúng ta vẫn phải tuân thủ theo những quy định của Bộ TT&TT về xuất bản, đưa tác phẩm lên mạng và ứng xử với tác phẩm trên mạng”.
PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nhận định rằng tình trạng “vàng - thau” lẫn lộn trong văn học mạng là chuyện thường gặp vì đây là tác phẩm không qua kiểm duyệt. Không ít tác phẩm mang nội dung không lành mạnh, mang tính giải trí nhiều hơn.
Phóng sự của VTV nhấn mạnh, trong khi các tác phẩm văn học được in ấn, phát hành phải qua quy trình biên tập, kiểm duyệt của các nhà xuất bản và được hậu kiểm bởi các cơ quan chức năng thì những tác phẩm viết mạng đến với độc giả chỉ sau cú click chuột, thông qua trang cá nhân trên mạng xã hội của tác giả, các hội nhóm, diễn đàn, các trang web, nền tảng đọc truyện.
Theo ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc Công ty cổ phần sách điện tử Waka - đa số các trang văn học mạng chỉ cần lượt traffic (lượt truy cập) nên họ bất chấp đăng tải các nội dung nhạy cảm. Khi càng có nhiều người truy cập, chủ trang web càng có thu nhập từ quảng cáo.
Làm gì để quản lý văn học mạng?
VTV đặt vấn đề, việc quản lý các tác phẩm viết mạng trên nền tảng xuyên biên giới là điều không dễ nhưng một bài toán khó hơn là làm sao vừa kiểm soát, định hướng được tư tưởng, nội dung tác phẩm vừa bảo vệ quyền tự do cho những người sáng tạo chân chính và bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa lành mạnh của cộng đồng.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành, Bộ TT&TT nêu thực trạng các nền tảng đó đặt máy chủ ở nước ngoài, là các nền tảng xuyên biên giới, đó cũng là thách thức của quản lý nhà nước.
“Chúng tôi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vừa phát triển và có thể nói là vừa xây vừa chống. Đối với phát triển, chúng tôi tập trung cao độ vào thực hiện chuyển đổi số, đẩy nhanh xuất bản điện tử cũng như mở ra một số thị trường sách mới: sách nói, sách tinh gọn… Thứ hai là tập trung vào những giải pháp kỹ thuật, ở đây có những vấn đề thuộc về các nền tảng xuyên biên giới. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo để các bộ phận chức năng phối hợp với nhau để xử lý các vấn đề kỹ thuật”, ông Nguyễn Nguyên nói.
Thực tế, văn học mạng không phải là sản phẩm thứ cấp của văn học, nó có những đặc thù riêng mà văn học truyền thống không thể có được. Nhiều cây bút trẻ bước ra từ văn học mạng đã khẳng định được vị trí của mình nhờ nền tảng ban đầu này.
Cuối phóng sự, VTV giới thiệu một số tác giả bước ra từ văn học mạng và đã có thành công nhất định khi dung hòa được hai yếu tố: vừa sống được trên mạng vừa có thể xuất hiện trên kệ sách của độc giả. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng tác phẩm.
Mặt khác, có một yêu cầu cấp bách là hình thành cộng đồng văn học mạng lành mạnh chúng ta sẽ có thị trường đích thực và khi đó sẽ định hướng được bạn đọc.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.