Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc bộ phận thị trường vốn của JLL Việt Nam, cho biết bất động sản công nghiệp được dự đoán là một trong những phân khúc nóng nhất trong năm nay, được thúc đẩy bởi sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc và tác động tích cực từ các hiệp định thương mại với châu Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Trong dòng chảy đó, Việt Nam được nhận định có khả năng lớn trở thành trung tâm công nghiệp mới của thế giới.
Là những khu vực phát triển về công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, Bình Dương và Đồng Nai là điểm đến được các nhà sản xuất thành lập mới săn đón nhờ nền tảng vững chắc để phát triển sản xuất, bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và thủ tục hành chính được thiết lập tốt, hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp.
Trong đó ,cái tên thường được nhắc đến nhiều nhất là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore VSIP, hình thành dựa trên nền tảng tình hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa 2 nước. Sự hình thành và phát triển của các VSIP giúp các địa phương giải quyết lượng lớn lao động phổ thông, đào tạo thêm lao động có tay nghề. Công việc ổn định, người lao động có thu nhập, từ đó đời sống người dân trong vùng ngày càng được cải thiện, giúp ổn định an ninh trật tự xã hội.
Ông Huỳnh Quang Hải - Phó chủ tịch thường trực Tổng công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, cho biết: "Tốc độ lấp đầy khu công nghiệp trong vài năm gần đây cao hơn trước, số đông là doanh nghiệp nước ngoài, chứng tỏ Việt Nam đang thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp mạnh mẽ".
Huyện Bắc Tân Uyên là một trong những khu vực phát triển của tỉnh Bình Dương. |
VSIP đầu tiên là VSIP I, được xây dựng tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương vào năm 1996, với tổng diện tích 500 ha, hiện phủ kín 100%. VSIP I được đánh giá là khu công nghiệp kiểu mẫu của Việt Nam, thu hút 231 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD..., góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tỉnh Bình Dương.
10 năm sau, VSIP II ra đời cũng ở Bình Dương với tổng diện tích 2.045 ha. Nhằm đáp ứng nhu cầu thuê đất ngày càng tăng của các nhà đầu tư, năm 2008, dự án VSIP II mở rộng thêm 1.700 ha, gồm 1.000 ha phát triển khu công nghiệp và 700 ha phát triển khu đô thị và dịch vụ. Đến nay, VSIP II hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, lấp đầy khoảng 99% diện tích, thu hút gần 340 dự án công nghiệp, tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD.
Nhu cầu vẫn chưa dừng lại, Bình Dương quyết định triển khai dự án VSIP III với tổng diện tích dự kiến 1.000 ha tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm, tổng mức đầu tư 6.407 tỷ đồng.
Nằm trên đường vành đai số 4, thuận tiện kết nối với đường Mỹ Phước - Tân Vân, VSIP III có vị trí chiến lược thuận lợi kết nối các nhà đầu tư tương lai với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Cùng với lợi thế cận kề VSIP I và VSIP II, cũng như nhiều khu công nghiệp khác xung quanh thành phố mới Bình Dương, VSIP III được kỳ vọng trở thành khu công nghiệp xanh, công nghệ cao.
VSIP III có vị trí chiến lược thuận lợi kết nối các nhà đầu tư tương lai với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Tuy nhiên, cùng với dự án Khu công nghiệp Đất Cuốc (136,48 ha), tiến độ thực hiện dự án Khu công nghiệp VSIP III (804 ha) còn chậm so với kế hoạch đề ra. Dự án hiện được địa phương (huyện Bắc Tân Uyên) triển khai chuyển tiếp sang năm kế hoạch sử dụng đất 2019. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương được giao nhiệm vụ chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án VSIP III theo ý kiến của các bộ, ngành.
Đồng thời, các bên liên quan phải thực hiện việc ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định; đạo các đơn vị liên quan phối hợp với chủ đầu tư xác định và lựa chọn phương án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) theo quy định.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, tỉnh có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, với tỷ lệ lấp đầy diện tích thuê cao như tại VSIP I và VSIP II, việc hình thành VSIP III cần nhanh chóng thực hiện để kinh tế Bình Dương phát triển mạnh mẽ hơn.
Một điều đáng chú ý là các VSIP dần có sự chuyển dịch theo hướng phát triển các khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ nhắm kiến tạo môi trường sống, làm việc, học tập và vui chơi bền vững. Điều này kéo theo sự phát triển của bất động sản khu vực xung quanh phù hợp và ổn định hơn.
Theo báo cáo diễn biến thị trường căn hộ tại Bình Dương do JLL Việt Nam công bố tháng 8, 6 tháng đầu năm đã có gần 7.000 sản phẩm căn hộ tại Bình Dương bung hành. Số dự án được công bố liên tục khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn lựa chọn dự án để đầu tư. Có 6.224 căn hộ ra mắt và sẽ mở bán ở Bình Dương theo các giai đoạn trong 2019-2020. Tuy nhiên, các dự án mở bán mới tại đây có khả năng leo thang so với kế hoạch trong nửa cuối năm nay và năm 2020 do các chủ đầu tư còn tiếp tục cập nhật thêm rổ hàng.