Chiều 1/4, nguồn tin tại VPBank nói với Zing, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2022 của ngân hàng này ước đạt hơn 11.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng rất cao so với quý liền trước và cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, trong quý I năm trước, VPBank đã ghi nhận mức lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt hơn 4.006 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này vẫn thấp hơn 2,75 lần so với mức lãi hợp nhất ngân hàng ghi nhận được trong quý I năm nay.
Thậm chí, nếu so với quý IV/2021, mức lãi trước thuế VPBank ghi nhận được trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng gần 4 lần.
Theo vị này, lý do giúp lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh trong quý I năm nay ngoài tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là tín dụng, dịch vụ, ngân hàng còn ghi nhận các khoản thu nhập bất thường.
Trước đó, tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết ngân hàng đang tìm kiếm, phân tích và đánh giá lại toàn diện hoạt động kinh doanh để xác định thêm các động lực tăng trưởng mới trong 5 năm tới. Mục tiêu là duy trì sức cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng cao như trong 10 năm qua.
LÃI TRƯỚC THUẾ NHỮNG QUÝ GẦN ĐÂY CỦA VPBANK | ||||||||||||||
Nguồn: BCTC; Tổng hợp | ||||||||||||||
Nhãn | I/2019 | II | III | IV | I/2020 | II | III | IV | I/2021 | II | III | IV | I/2022 | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 1783 | 2560 | 2856 | 3135 | 2911 | 3673 | 2813 | 3622 | 4006 | 5031 | 2698 | 2845 | 11000 |
Theo vị CEO ngân hàng, kế hoạch kinh doanh trong những năm tới của VPBank dự kiến rất thách thức và tham vọng, xác định trở thành ngân hàng trong nhóm dẫn đầu thị trường. Vì vậy, VPBank xác định việc chuẩn bị cơ sở vốn là rất quan trọng.
Trong năm 2021, nhà băng này đã hoàn tất việc bán 50% vốn tại FE Credit, nâng vốn chủ sở hữu ngân hàng lên gần 90.000 tỷ đồng, thuộc nhóm cao nhất hệ thống.
Năm nay, ông Vinh cho biết VPBank sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vốn thông qua việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
“Việc chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược sẽ được thực hiện trong những tháng tới đây", ông Vinh khẳng định.
Theo vị lãnh đạo ngân hàng này, VPBank đã chuẩn bị các kịch bản trong giai đoạn 2022-2026 với tăng trưởng 30-35%/năm. Ngân hàng cũng có kế hoạch mở rộng hệ sinh thái thông qua tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, trong đó có mua bán và sáp nhập (M&A) với mục tiêu là đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ở mức cao.
"2022 là năm VPBank đột phá trở lại ở cả ngân hàng mẹ và FE Credit", tổng giám đốc ngân hàng khẳng định.
Theo lãnh đạo VPBank, ngân hàng dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm nay sẽ đạt khoảng 18-20% riêng tại ngân hàng mẹ. Ngân hàng cũng kỳ vọng hoạt động kinh doanh tăng trưởng nhờ sự phục hồi của khách hàng, đặc biệt là tại công ty FE Credit.
Trước đó, báo cáo về ngành ngân hàng của SSI Research cũng dự báo VPBank sẽ nằm trong nhóm ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận quý I/2022 cao nhất cùng với các nhà băng như SHB, Sacombank, MSB và LienVietPostBank.
Các chuyên gia tại đây cho rằng yếu tố chính giúp các nhà băng này đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao là nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh, đạt 15-16% so với cùng kỳ.
Dựa trên đợt phát hành riêng lẻ sắp tới và quá trình phục hồi của toàn bộ nền kinh tế, SSI Research dự báo các yếu tố cơ bản của VPBank sẽ có những thay đổi lớn trong nay.
Trong đó, lợi nhuận trước thuế cả năm ước đạt 18.900 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước. Riêng lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 16.700 tỷ, tăng gần 19%, phần còn lại đến từ FeCredit.
Các chuyên gia cho rằng dù tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của FE Credit có thể tăng 300% trong năm 2022, lợi nhuận của công ty này vẫn sẽ thấp hơn mức trước dịch Covid-19 (hơn 4.000 tỷ đồng).