Đây là thông tin được lãnh đạo VPBank chia sẻ tại buổi gặp gỡ các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán diễn ra chiều 12/8.
Cụ thể, lãnh đạo nhà băng này cho biết ngoài kế hoạch phát hành cổ phiếu với tổng tỷ lệ 80% (62,15% trả cổ tức và 17,85% phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu) gần đây, VPBank dự kiến còn thực hiện tăng thêm vốn điều lệ thông qua các nguồn như tiền thu từ thương vụ bán 49% vốn FE Credit gần 1,4 tỷ USD và phát hành riêng lẻ 15% vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Ước tính, thông qua các giao dịch kể trên, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên mức 75.000 tỷ đồng vào năm 2022 và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất thị trường.
Với kế hoạch tăng vốn đã được các ngân hàng công bố trong năm nay và năm 2022, mức vốn lên tới 75.000 tỷ của VPBank còn cao hơn cả nhóm ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV và VietinBank.
Liên quan tới kế hoạch tăng vốn này, VPBank đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành thêm từ nguồn quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của VPBank dự kiến tăng gấp 3 lần từ nay đến đầu năm 2022. Ảnh: Nam Khánh. |
Cụ thể, ngân hàng này dự kiến phát hành tối đa hơn 1,975 tỷ cổ phiếu mới, tương đương tổng giá trị phát hành theo mệnh giá 19.757 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ. Cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu VPB sẽ nhận thêm tổng cộng 8.000 cổ phiếu mới, bao gồm 6.215 cổ phiếu từ cổ tức và 1.785 cổ phiếu từ vốn chủ sở hữu.
Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên trên 45.057 tỷ đồng. Đây là một trong 3 nguồn tăng vốn được lãnh đạo ngân hàng chia sẻ ở trên.
Về kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay, lãnh đạo VPBank cho biết tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm đã tăng 22,5%. Trong đó, thu nhập lãi thuần mang về hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 17%. Riêng số thu từ ngân hàng mẹ là 9.700 tỷ và thu từ FE Credit là 8.500 tỷ đồng.
Thu nhập dịch vụ của ngân hàng cũng tăng 50% giai đoạn này, đóng góp hơn 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm nay, VPBank còn thu hơn 1.600 tỷ đồng từ đầu tư tài sản tài chính, tăng 112% so với cùng kỳ.
LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ 6T ĐẦU HÀNG NĂM CỦA VPBANK | |||||||||
Nguồn: BCTC NH | |||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
LNTT | tỷ đồng | 734 | 1112 | 1576 | 3264 | 4376 | 4343 | 6585 | 9037 |
Chính kết quả tăng thu tại hầu hết chỉ tiêu này đã giúp ngân hàng ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 37% và hoàn thành 54% kế hoạch cả cả năm. Trong đó, lợi nhuận riêng ngân hàng mẹ đóng góp 88%.
Đến cuối tháng 6, VPBank có tổng dư nợ tín dụng đạt 337.000 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2020. Ngân hàng hiện có trên 19,2 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ, trong đó riêng khách hàng của FE Credit là hơn 14 triệu người.
Dù cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng VPBank đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giai đoạn này với hơn 8.600 tỷ đồng nửa đầu năm. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ hợp nhất và riêng lẻ đều giảm, đạt lần lượt 2,9% và 1,7% tại thời điểm 30/6 năm nay.
Tương tự nhiều nhà băng giai đoạn này, nhờ chi phí vốn giá rẻ (do lãi suất huy động thấp) biên lãi thuần (NIM) của VPBank cũng ghi nhận tăng trong 6 tháng qua, đạt 9,2% hợp nhất và 5,8% riêng ngân hàng mẹ, cao hơn so với mức 8,8% và 4,6% cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, NIM của VPBank tăng còn đến một phần từ việc tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng đã tăng từ mức 15,5% đầu năm lên 19% vào cuối tháng 6.