Hôm nay, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã họp ĐHĐCĐ thường niên 2017. Vấn đề được rất nhiều cổ đông quan tâm đó là hơn 2.200 tỷ đồng dư nợ có liên quan tới VPBank tại Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đến hạn đã được xử lý ra sao.
Đã chấp nhận giãn nợ cho HAGL
Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của HAGL cho biết công ty này có hơn 2.200 tỷ đồng nợ vay đến hạn đã được giãn nợ liên quan tới VPBank. Cụ thể, 1.614 tỷ đồng vay trái phiếu của Công ty chứng khoán ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, và 600 tỷ đồng trái phiếu tại CTCP chứng khoán FPT và VPBank.
Ông Nguyễn Đức Vinh - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc - cho biết khoản nợ tại HAGL đã được tái cấu trúc dưới dạng kéo giãn thời gian đáo hạn bao gồm cả gốc và lãi.
Khoản dư nợ hơn 2.200 tỷ đồng liên quan tới VPBank tại HAGL đã được tái cơ cấu giãn nợ trong năm 2016 (đơn vị: tỷ đồng). Đồ họa: Quang Thắng. |
Theo lãnh đạo VPBank, khoản nợ vay của HAGL đang được ngân hàng xếp vào nợ nhóm 1 và một phần ở nhóm 2. Tuy nhiên, thời gian đáo hạn của khoản nợ hơn 2.200 tỷ đồng có liên quan tới ngân hàng đã được kéo giãn thêm 2-5 năm. Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết thêm HAGL đã có thể bắt đầu trả nợ một phần ngay trong năm 2017.
Lãnh đạo ngân hàng đánh giá đây là những khoản vay trong mảng nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên, trong năm 2016, do biến động giá cao su và diễn biến bất lợi của thị trường nông nghiệp khiến cho hoạt động kinh doanh của HAGL gặp khó khăn. Tuy nhiên, cuối năm 2016, hơn 12.000 tỷ đồng nợ vay đến hạn của HAGL đã được tái cơ cấu, hầu hết theo hướng giãn tời gian đáo hạn gồm cả gốc và lãi trong 3-5 năm.
Với việc xếp khoản vay của HAGL hầu hết tại nhóm 1, ngân hàng đánh giá rủi ro cho khoản vay này là không có và tin tưởng có thể thu hồi được khoản nợ tại đây. Hiện tại, VPBank là 1 trong 8 ngân hàng cho HAGL vay trong nhiều lĩnh vực đầu tư.
Sẽ lên sàn trong năm 2017
Một vấn đề được các cổ đông ngân hàng quan tâm nữa chính là việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán để đảm bảo tính minh bạch.
Cuối năm 2016, VPBank cũng đã lấy ý kiến cổ đông về việc đăng ký lưu ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD). Lãnh đạo ngân hàng cho biết việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE sẽ được thực hiện trong năm 2017, sớm nhất theo dự kiến là trong quý III/2017.
Từ năm 2015 đến nay, lợi nhuận của VPBank bắt đầu tăng mạnh. Đồ họa: Quang Thắng. |
Là ngân hàng thương mại cổ phần có mức lợi nhuận năm 2016 cao nhất trong khối, lên tới 3.935 tỷ đồng lãi ròng, các cổ đông ngân hàng đã đề xuất phương án chia cổ tức bằng tiền mặt trong những năm tới.
Tuy nhiên, trước kế hoạch sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong năm nay, lãnh đạo VPBank cho biết việc chia cổ tức bằng tiền mặt có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị giá cổ phiếu ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông.
Trong năm 2017, ngân hàng cũng sẽ tăng vốn điều lệ lên hơn 14.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hiện tại đang là 10.765 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2016, ngân hàng đang có khoản lợi nhuận chưa phân phối lên tới 3.190 tỷ đồng, dự tính, đơn vị này sẽ cần bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng vào vốn điều lệ để đảm bảo các quy định an toàn trong cơ cấu.
Đợt tăng vốn của VPBank sẽ được thực hiện thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu, đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành hơn 329 triệu cổ phiếu trích từ quỹ dự trữ vốn điều lệ và lợi nhuận chưa phân phối năm 2016, dự kiến vốn điều lệ sẽ tăng lên hơn 14.000 tỷ đồng. Đợt thứ 2, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ thêm 133,2 triệu cổ phiếu.
Năm 2017, nhà băng này đặt mục tiêu lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2016.