Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) vừa ra thông báo về việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP) năm 2022 từ nguồn cổ phiếu quỹ.
Nhà băng này dự kiến dùng 30 triệu cổ phiếu quỹ (tương ứng 0,675% lượng cổ phiếu đang lưu hành) để chào bán cho người lao động. Hiện đơn vị có hơn 60,2 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 4,5 triệu cổ phiếu trước đợt phát hành.
Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền thu về khoảng 300 tỷ đồng. Con số này khá rẻ so với thị giá trên sàn đang gần 29.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên cổ phiếu sẽ có những hạn chế.
Cụ thể, cổ phiếu ESOP đợt này bị hạn chế chuyển nhượng tối đa trong vòng 3 năm từ ngày kết thúc đợt chào bán. Sau năm đầu tiên, 30% số cổ phần sẽ được giải toả, năm thứ hai giải tỏa tiếp 35% và năm thứ ba sẽ cho giao dịch tự do toàn bộ phần còn lại.
VPBank cho biết mục đích đợt phát hành nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ nhân viên, gắn kết lợi ích và tạo động lực cho người lao động, thu hút nhân tài và giữ chân những cán bộ nhân viên có năng lực.
Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu/ngày phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động dự kiến trong tháng 7.
Thị giá VPB dù giảm mạnh so với đầu năm nhưng vẫn gấp 3 lần mức chào bán ESOP. Đồ thị: TradingView. |
Ngân hàng này có truyền thống thưởng cổ phiếu cho người lao động từ nguồn cổ phiếu quỹ. Trước đó, ngân hàng cũng từng lấy 15 triệu cổ phiếu quỹ để thưởng ESOP vào tháng 8/2021, 17 triệu đơn vị vào cuối năm 2020 hay 31 triệu đơn vị vào cuối 2019.
Trong danh sách cán bộ cấp cao được mua ESOP đáng chú ý có Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh được mua nhiều nhất với khối lượng 1 triệu cổ phiếu VPB. Vị CEO ngân hàng có thể tiếp tục nâng sở hữu lên gần 70 triệu đơn vị (tỷ lệ 1,55%) sau khi nộp tiền.
Trong khi đó, 8 phó tổng giám đốc được mua khoảng 25.000-50.000 cổ phiếu ESOP, với tổng khối lượng chỉ là 295.000 cổ phiếu. Hay Giám đốc tài chính Lê Hoàng Khánh An được mua 30.000 cổ phiếu.
HĐQT VPBank thống nhất số lượng phát hành ESOP cho nhân viên người nước ngoài dự kiến tối đa 10 triệu cổ phiếu, chiếm 33,33% tổng số lượng chào bán. Về phương án đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, ngân hàng dự kiến điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 17,38% lên 17,602%.
Phương án ESOP chỉ là khởi đầu cho chuỗi tăng vốn khủng của ngân hàng thương mại này, từ mức 45.056 tỷ đồng lên tối đa khoảng 79.334 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn lớn nhất toàn hệ thống tài chính.
Cụ thể, trong đợt tiếp theo, VPBank có kế hoạch thưởng cổ phiếu tỷ lệ 50% từ nguồn lợi nhuận chưa chia và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, để tăng vốn lên mức 67.434 tỷ đồng.
Sau đó ngân hàng phát hành riêng lẻ tối đa 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài để nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn, qua đó tăng quy mô vốn điều lệ lên mức cao nhất ngành tại 79.334 tỷ đồng (con số chính xác còn phụ thuộc vào đợt chào bán ESOP trên).