Tại diễn đàn toàn cảnh thị trường bất động sản và tài chính 2019 được tổ chức sáng 4/5, vấn đề Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết tín dụng trong bối cảnh vốn FDI đổ vào thị trường nhà đất Việt Nam từ đầu năm được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết thị trường đang chứng kiến xu hướng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Riêng trong quý I, Việt Nam đã thu hút 1,1 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản.
Số vốn này tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn tiền đang đổ vào 2 lĩnh vực chính là bất động sản công nghiệp và dùng để mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án.
Vốn FDI đổ vào bất động sản trong quý I đạt 1,1 tỷ USD. Ảnh: Huy Nguyễn. |
Ông Khởi nhấn mạnh nguồn vốn ngoại đang rót nhiều vào Việt Nam trong bối cảnh NHNN đang siết tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Theo đó, NHNN mới đưa ra lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định các khoản cho vay của ngân hàng thương mại với khách vay mua nhà, mua đất có số tiền từ trên 3 tỷ đồng theo hệ số rủi ro lên đến 150% (siết tín dụng vay mua nhà trên 3 tỷ đồng).
Mặt khác, NHNN cũng hạn chế nguồn vốn huy động ngắn hạn của các ngân hàng thương mại đem cho vay vào lĩnh vực bất động sản trong trung và dài hạn. Ông Khởi cho rằng động thái hạn chế này của NHNN khiến các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về vốn.
Việc thiếu vốn trong nước có thể khiến các doanh nghiệp bất động sản trong nước đẩy mạnh M&A với dòng vốn ngoại. Thời gian qua vốn FDI đổ vào Việt Nam, qua hợp tác với doanh nghiệp trong nước, đã được đầu tư cho các dự án bất động sản công nghiệp, xây dựng văn phòng cho thuê…
Tuy nhiên, ông Khởi tiết lộ thông tin để khắc phục tình trạng thiếu vốn trong nước, Thủ tướng đã chỉ đạo hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác, quỹ đầu tư bất động sản.
“Thủ tướng đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp”, ông Khởi nói.
Phó cục trưởng Cục Nhà và thị trường bất động sản cũng cho rằng việc siết tín dụng của NHNN sẽ giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại nguồn vốn bất động sản, tránh “bong bóng”, hạn chế đầu tư theo trào lưu… làm cho thị trường lành mạnh hơn.
Bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), lo ngại nguồn tín dụng đổ vào bất động sản sẽ ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ, gây tác động không nhỏ đến thị trường.
Ông Hà cũng cho rằng vốn ngoại đổ vào Việt Nam thực chất là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Khi đó, có một làn sóng chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam, khiến thị trường bất động sản công nghiệp gia tăng. Làn sóng này cũng tạo nhu cầu xây dựng nhà ở cho công nhân, chuyên gia, do đó thị trường còn nhiều dư địa để phát triển.
Chuyên gia cho rằng vốn ngoại đổ vào bất động sản theo sự dịch chuyển của các cơ sở sản xuất vào Việt Nam. Ảnh: Lê Quân. |
Ông Hà cũng đồng tình việc kiểm soát tín dụng sẽ giúp chất lượng khoản vay tốt hơn, giảm nợ xấu, kích thích các dòng vốn khác nhau như chứng khoán, kiều hối…
Tại diễn đàn do VNREA tổ chức, các yếu tố tác động đến thị trường bất động sản 8 tháng cuối năm cũng được bàn luận sôi nổi. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng một số chính sách mới của chính phủ có thể ảnh hưởng đến thị trường, điển hình như việc sắp sửa các luật Đầu tư, Đấu thầu, Doanh nghiệp, Nhà ở…
Còn ông Nguyễn Mạnh Khởi đề cập đến việc chính phủ mới sửa nghị định về dự án đối tác công - tư (PPP) khiến nhiều dự án bị ảnh hưởng. “Xu hướng là sẽ hạn chế các dự án bất động sản PPP so với bây giờ”, ông Khởi nói.
Ngoài ra, đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết năm nay Chính phủ sẽ xác định cơ sở pháp lý một số loại hình kinh doanh bất động sản mới phát sinh như condotel, officetel… Điều này cũng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.