Trong một ngày chỉ số VN-Index giằng co quanh ngưỡng 1.170 điểm, trong khi cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đóng vai trò là một trong hai đầu tàu kéo thị trường đi lên cùng với GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), thì cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lại là nguyên nhân chính kìm hãm VN-Index tăng trưởng.
Soán ngôi Vinamilk, trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất
Với đà tăng 1,9% trong phiên hôm nay (30/3), VIC của Vingroup tiếp tục nối dài chuỗi ngày phá đỉnh thị giá cổ phiếu, chính thức đạt đỉnh mới 117.200 đồng/cổ phiếu. Mức tăng này giúp VIC đóng góp 0,183% vào tổng mức tăng 0,64% của chỉ số VN-Index, chỉ xếp sau GAS về mức đóng góp tăng là 0,295%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VNM trong ngày hôm nay lại giảm 1,9%, tương ứng với mức giảm 4.000 đồng, hiện được giao dịch với giá 203.000 đồng/cổ phiếu, tác động giảm vào VN-Index 0,183%.
Đặc biệt, đỉnh giá mới của cổ phiếu VIC đã giúp vốn hóa của doanh nghiệp này tăng thêm gần 6.000 tỷ hiện đạt mức 309.139 tỷ đồng, tương đương 13,6 tỷ USD.
Với mức vốn hóa khổng lồ này, lần đầu tiên Vingroup đã soán ngôi Vinamilk và trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến hết quý I/2018. Với mức giảm 1,9% hôm nay, hiện vốn hóa của Vinamilk đạt khoảng 294.645 tỷ đồng, tương đương 12,98 tỷ USD và xếp thứ 2.
Các doanh nghiệp có vốn hóa xếp sau lần lượt là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với 253.643 tỷ đồng (11,17 tỷ USD); PV Gas (GAS) 251.493 tỷ USD (11,08 tỷ USD).
Trong khi đó, đà giảm liên tiếp của SAB, cổ phiếu Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) từ khi doanh nghiệp này về tay người Thái đã khiến vốn hóa doanh nghiệp này "bốc hơi" hàng chục nghìn tỷ đồng, hiện còn 154.292 tỷ đồng (6,8 tỷ USD) và xếp thứ 5.
Trong nhiều phiên liên tiếp, VIC luôn là cổ phiếu đứng đầu khối ngoại mua ròng. Đà tăng của VIC khởi nguồn từ giữa năm 2017 khi doanh nghiệp này tuyên bố tham gia sản xuất ôtô và xe điện. Từ mức giá trên dưới 42.000 đồng/cổ phiếu, VIC tăng một mạch lên mức 117.200 đồng như hiện nay. Nếu so với đầu năm 2018, thị giá VIC cũng đã tăng gần 50% từ mức giá 78.200 đồng vào đầu năm.
Ông chủ kiếm thêm 200 triệu USD sau 3 ngày
Đà tăng của cổ phiếu này cũng giúp khối tài sản của ông chủ doanh nghiệp, ông Phạm Nhật Vượng liên tục tăng nhanh.
Với hơn 723,96 triệu cổ phiếu, tương đương 27,45% vốn nắm giữ tại doanh nghiệp, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng thêm 1.593 tỷ đồng chỉ trong ngày hôm nay. Tính từ đầu tuần này (26/3) đến nay, ông Vượng đã kiếm thêm 5.575 tỷ từ đà tăng của VIC.
Hiện lượng cổ phiếu VIC vị tỷ phú này nắm giữ có giá trị lên tới 84.849 tỷ đồng, tương đương 3,74 tỷ USD, hơn người xếp thứ 2 là ông chủ Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết 40.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, cập nhật mới nhất từ Tạp chí Forbes, chỉ trong 3 ngày từ 27/3 đến 30/3, khối tài sản ròng của ông Vượng đã tăng thêm 200 triệu USD, hiện đạt mức 6,3 tỷ USD. Tài sản ròng tăng gần trăm triệu USD mỗi ngày giúp vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam hiện đã vươn lên vị trí thứ 282 trong danh sách người giàu thế giới, tăng 16 bậc so với 3 ngày trước.
Ông Phạm Nhật Vượng đã vươn lên vị trí thứ 282 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Nguồn: Forbes. |
Trong khi đó, tài sản của nữ vị tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, cũng đã tăng thêm 300 triệu USD trong tuần vừa qua, hiện đạt mức 3,8 tỷ USD. Điều này cũng giúp bà chủ hãng hàng không giá rẻ vươn lên vị trí thứ 615 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Đà tăng tài sản ròng của bà Thảo cũng đến từ đà tăng giá mạnh của VJC, cổ phiếu Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet - Vietjet Air trong thời gian qua (hiện VJC có giá 223.900 đồng/cổ phiếu).
Trong khi đó, khối tài sản ròng của hai vị tỷ phú còn lại là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Trường Hải và ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát vẫn giữ nguyên lần lượt ở mức 1,8 tỷ USD và 1,3 tỷ USD.