Nói đến triết học, không ít người cảm thấy ngại ngần bởi đây là môn khoa học được cho là trừu tượng và khó nhớ. Nhưng Jostein Gaarder đã chứng minh rằng triết học hoàn toàn dễ dàng tiếp cận với tác phẩm văn học nổi tiếng của ông, Thế giới của Sophie.
Jostein Gaarder tốt nghiệp Đại học Oslo chuyên ngành ngôn ngữ, thần học và lịch sử tư tưởng, ông từng dạy triết học ở trường phổ thông nhiều năm. Trong sự nghiệp viết lách của mình, Jostein Gaarder cho ra đời gần 20 cuốn sách, tất cả đều đậm tính kỳ ảo, triết luận và Thế giới của Sophie cũng không ngoại lệ.
Tiểu thuyết Thế giới của Sophie
của tác giả Jostein Gaarder.
|
Thế giới của Sophie vừa là một tiểu thuyết vừa là một hướng dẫn căn bản về triết học phương Tây. Cuốn sách chứa đựng những thông tin về lịch sử văn hóa và lịch sử triết học thông qua các câu chuyện của 2 nhân vật Sophie và Hilde. Nhưng phần lớn nội dung tác phẩm là những đoạn đối thoại giữa nhân vật chính Sophie và một người đàn ông bí ẩn có tên Alberto Knox.
Trong đó, Jostein Gaarder xây dựng hình ảnh Sophie chỉ là một cô bé vừa bước qua tuổi 14. Như bao bè bạn cùng lứa khác, cô bé luôn mang trong mình rất nhiều câu hỏi: Thế giới bắt nguồn từ đâu? Hay tới một lúc nào đó, phải có cái gì đó nảy sinh từ hư vô?…
Một ngày nọ, Sophie nhận được bức thư của vị giáo sư triết học lạ mặt. Và cứ thế, những lá thư, băng video hay các bài giảng về 3.000 năm lịch sử phát triển của "khoa học của các khoa học"… từ người lạ mặt ấy luôn xuất hiện đều đặn trong hòm thư gia đình cô và những địa điểm quy ước.
Với cách tư duy trong sáng và hồn nhiên, những tư tưởng triết học của nhân loại từ triết gia cổ xưa Socrates, Plato, Democrites... đến Hegel, Marx, đến những đại diện của triết học hiện sinh, triết học sinh thái… đều được tái hiện lại một cách sống động.
Ngoài ra, những phát minh có ảnh hưởng lớn tới việc giải quyết các vấn đề cơ bản của triết học và có tính cách mạng trong nhận thức của nhân loại cũng được tác giả đưa vào như của Sigmund Freud, Charles Darwin...
Cầm trên tay cuốn sách Thế giới của Sophie, chắc chắn các phụ huynh cũng phải hoa mắt khi lướt qua mục lục: Socrates, Platon, Descartes, Kant, Chủ nghĩa lãng mạn, Thế kỷ khai sáng, Vụ nổ lớn, thời Trung cổ… đều có chung suy nghĩ liệu trẻ có thể tiếp thu được một lượng kiến thức khổng lồ, khô khan như vậy?
Câu trả lời là có. Bởi mỗi chương, tác giả luôn bắt đầu bằng những lá thư với hàng loạt câu hỏi (câu hỏi mà ông luôn nhận thấy trong mỗi đứa trẻ). Khi giải thích những thắc mắc ấy, Gaarder nói với độc một cách thân tình, khéo léo để họ có thể tiếp thu hết những kiến thức ông muốn truyền tải, giúp em khám phá những nguồn cội lịch sử.
Bên cạnh những dẫn dắt về tư tưởng, Gaarder cũng dành không ít trang viết mang đến nhiều thông tin thú vị về sự vật, hiện tượng có nguồn gốc ngàn năm nhưng vẫn đang hiện diện trong thế giới hiện đại ngày nay.