Giáo sư Howard Machtinger và vợ vẫn nhớ rất rõ mùi thơm mỗi lần đi qua Brightleaf Square ở ngay trung tâm của Durham, North Carolina trong những năm 1980.
“Đó là mùi thuốc lá tươi vừa được đưa về chế biến ở đây,” ông Machtinger, giáo sư tại đại học North Carolina, một người không hút thuốc nhưng vẫn nhớ mùi thuốc cách đây vài chục năm nói với Zing.vn.
Ở Durham của North Carolina, chế biến thuốc là và dệt may từng là những ngành tạo phần lớn việc làm cho thành phố này. Nhưng cùng với toàn cầu hoá và các hiệp định thương mại tự do như NAFTA (giữa Mỹ, Canada và Mexico), những công việc kiểu này dần đã biến mất khỏi thành phố này.
Brightleaf Square ở Durham giờ vẫn còn những toà nhà chế biến thuốc lá rất lớn ngày nào nhưng bên trong là các nhà hàng, các trung tâm buôn bán thế chỗ.
Mặt trái toàn cầu hóa
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, thương mại toàn cầu tăng tốc đặc biệt nhanh kể từ đầu những năm 1990 bắt đầu với NAFTA rồi GATT trở thành WTO và giờ là một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) kiểu mới như TPP.
Với nhiều người, Donald Trump là niềm hy vọng thay đổi. Ảnh: Getty. |
Sự dịch chuyển kiểu như ở Durham diễn ra ở rất nhiều những thị trấn nhỏ, đặc biệt là nơi có nhiều lao động chân tay không có bằng đại học như làm mỏ, dệt may. Các công nhân sản xuất ở vùng công nghiệp Rust Belt hay các thợ mỏ dọc dãy Appalachia là thành phần đã bỏ phiếu áp đảo giúp Donald Trump có chiến thắng không tưởng hôm 8/11.
George Packer, trong bài viết trên New Yorker, tuần 31/10 giải thích về chuyện “Phe Dân chủ đã mất tầng lớp lao động da trắng thế nào” phân tích rằng người thắng trong toàn cầu hoá trong hơn 20 năm qua thực tế chỉ là nhóm 1% (cực giàu) và các nước đang phát triển nơi có chi phí nhân công rẻ như Mexico, Trung Quốc hay Pakistan.
Khi nhìn bản đồ các hạt bầu cử thì có thể thấy tất cả những điểm bên ngoài thành phố thì phe Cộng hoà đều thắng áp đảo và thường đó là nơi có tỷ lệ bỏ phiếu tăng lên.
Có một khoảng trống rất lớn ở các khu vực này và giới chính trị gia, giới tinh hoa Mỹ đã không chạm đến được.
Thu nhập suy giảm
Theo Sentier Research, đàn ông da trắng trung niên chỉ với bằng trung học – nhóm cử tri chính của Trump – thấy thu nhập của mình đã giảm 9% kể từ 1996 tới 2014.
Đàn ông da trắng với bằng đại học cùng độ tuổi thì ngược lại, họ có thu nhập tăng 23% trong giai đoạn này.
Cuộc Đại suy thoái đã quét hàng triệu việc làm của các thu nhập trung bình trong lĩnh vực sản xuất, hành chính và xây dựng ra khỏi nước Mỹ - dù nước Mỹ giờ đã tạo ra thêm hơn 6,5 triệu việc làm hơn so với trước suy thoái.
Rất nhiều nơi ở nước Mỹ, họ phải làm những công việc với thu nhập thấp như làm nhà hàng, khách sạn hay chăm nom người già.
Tỷ phú New York chiếm được cảm tình của nhiều người lao động da trắng. Ảnh: Getty. |
Sự thay đổi kinh tế này khiến nhiều người Mỹ chỉ với bằng trung học cảm thấy mình bị loại ra khỏi tầng lớp trung lưu.
Hy vọng đổi thay
Vào đêm bầu cử, khi Donald Trump thắng ở bang Wisconsin, bà Shay Chamberlin đã reo lên sung sướng.
Bà Chamberlain tin rằng Trump là cứu tinh của bà, được Chúa gửi đến để cứu nước Mỹ từ đống tro tàn. Bà có cửa hàng quần áo phụ nữ ở thị trấn nhỏ ở Menomonie và người chồng làm xây dựng.
Họ có hai đứa con và có thu nhập chỉ khoảng 44.000 USD/năm (mức nghèo với hộ gia đình Mỹ). Trong thông điệp chiến thắng, Trump gọi những người như Chamberlain và gia đình bà là “những người đàn ông và phụ nữ bị lãng quên”.
Theo AP, những cử tri này cảm thấy bị “bỏ lại ngoài lề, bị giới tinh hoa cười nhạo” và quyết định đặt lòng tin vào vị tỷ phú với lối nói bạt mạng cùng lời hứa “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Khi Trump mới tranh cử, Chamberlain nghĩ ngay “Đó là người mà mọi người đã luôn cầu nguyện”. Và bà cảm thấy niềm tin càng được khẳng định hơn với chiến thắng của Trump.
“Đây là một phong trào,” bà nói. “Nó không còn phải là câu chuyện một ứng viên nữa”.
Không phải tất cả những ủng hộ Trump có đều là từ những nhóm lao động nghèo ở vùng nông thôn. Nhưng việc ông có được sự ủng hộ rất lớn của những cử tri da trắng không có bằng đại học cho thấy phần nào kinh tế Mỹ không thật sự hồi phục sau Đại Suy thoái 2007-09 mặc dù các con số nói tỷ lệ thất nghiệp đã xuống bằng mức trước khủng hoảng.
Trump giành sự ủng hộ lớn ở khu vực nông thôn nước Mỹ, trong khi khu vực đô thị bà Clinton có lợi thế hơn. Đồ họa: New York Time. |
Cơ hội việc làm của những lao động chân tay hay đơn giản đã ngày càng khó khăn hơn khi các nhà đầu tư chủ yếu muốn đầu tư vào các quốc gia đang phát triển. Thu nhập của họ cũng suy giảm.
Nhưng họ đồng thời lựa chọn Trump để chống lại làn sóng thay đổi ở xã hội Mỹ: hôn nhân đồng tính, quyền của những người chuyển giới, một xã hội ngày càng đa dạng hơn về sắc tộc so với xã hội người da trắng chiếm đa số trước kia.
Tầng lớp lao động da trắng, cảm thấy mình bị ngó lơ trong thời gian dài, cảm thấy như mình được đại diện bởi Trump – một người bất chấp mọi lề thói chính trị và rất giỏi với những phát biểu làm hài lòng đám đông giận dữ của ông.
Ông hứa xây dựng bức tường ở biên giới Mexico để ngăn chặn người nhập cư trái phép. Ông hứa sẽ xoá bỏ các hiệp định thương mại để đưa việc làm trở lại nước Mỹ. Ông hứa sẽ đưa công nhân Mỹ trở lại làm việc và phục hồi lại đất nước, nơi mà các công nhân da trắng cảm thấy mình được tôn trọng.
“Tôi cảm thấy hầu hết những người ủng hộ Trump đều là người yêu nước thật sự”, Ginger Austin, người sở hữu một công ty về đồ hoạ ở hạt Jones, một trong những hạt nghèo nhất ở North Carolina nói. “Họ yêu đất nước này. Đất nước này đang bị mất đi và họ thay đổi mọi thứ. Các quyền của chúng tôi cứ dần dần bị giảm đi”, Austin nói.
Bà thấy giận dữ với đảng Cộng hoà, đảng mà bà đã ủng hộ cả đời. Bà giận dữ với Barack Obama và chương trình bảo hiểm y tế Obamacare của ông. Bà giận dữ là nước Mỹ thay đổi và lo lắng rằng con cháu bà lớn lên trong đất nước quá tự do và quá tuân thủ theo những nguyên tắc chính trị cũ.
Sáng 9/11, khi những người thợ than bước vào cửa hàng tiện lợi trên một đường cao tốc ở West Virginia. Từ phía sau quầy thu tiền, bà quản lý Mary Jones nhận thấy một điều mà bà đã không nghe thấy từ lâu: hy vọng.
Họ nói về việc việc làm sẽ trở lại với đất nước đang tan vỡ này. Họ nói về cơ hội của một tương lai tương sáng hơn. Họ nói về Donald Trump.
“Tôi nghĩ chúng tôi đã gửi thông điệp đến Washington là chúng tôi chán cảnh họ ngồi đó mà chẳng làm gì để giúp người lao động,” bà Jones nói với AP. Bà đến từ hạt Wyoming, nơi ngành than sụp đổ đã để lại hàng loạt nhà cửa xập xệ cũng như vô số gia đình trong cảnh nghèo đói.
Những xe tải than vốn thường chạy suốt ngày đêm nhưng giờ thì không còn xe tải nào nữa. Bà Jones muốn bán cửa hàng của mình đi vì không chắc là có thể giữ được chỗ này bao lâu nữa. Gia đình bà hiện sống rất chật vật với thu nhập có được.
Với bà thì lá phiếu bỏ cho Trump là sự phản đối đối với Clinton và các thành phần tinh hoa khác ở Washington. “Tầng lớp lao động xây dựng đất nước này và giờ người lao động đã bị lãng quên”, bà nói. “Đã đến lúc họ phải nhìn lại”.
Nhưng ở West Virginia, bà Jones lo rằng tầng lớp lao động đã bị lãng quên quá lâu.
“Có một số thứ anh có thể làm trong cương vị tổng thống và một số thứ thì anh không thể. Tất cả họ đều chỉ hứa hẹn, tôi không biết ông ta sẽ giữ các lời hứa đó thế nào”, bà Jones nói. “Hôm nay tôi có cảm thấy hy vọng hơn, nhưng tôi vẫn sợ hãi về tương lai”.