Sáng ngày 28/2, Hải quân Việt Nam chính thức tiến hành lễ thượng cờ trên tàu ngầm Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tàu ngầm HQ-187 Bà Rịa - Vũng Tàu là chiếc cuối cùng trong lô 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka 636.1 (hay Kilo) mà Việt Nam đặt mua của Nga. Năm tàu ngầm trước đó mà Việt Nam đã tiếp nhận lần lượt là HQ-182 Hà Nội (tháng 12/2013), HQ-183 TP.HCM (tháng 3/2014), HQ-184 Hải Phòng (28/1/2015), HQ-185 Khánh Hòa (tháng 6/2015) và HQ-186 Đà Nẵng (tháng 2/2016).
Zing.vn trao đổi với Giáo sư Carl Thayer và Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, hai chuyên gia quân sự - an ninh biển và là những nhà quan sát tình hình Việt Nam cùng khu vực, để đánh giá năng lực Hải quân Việt Nam đã tiến thêm những bước lớn như thế nào sau khi hoàn thành đội tàu ngầm.
Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội ở cảng Cam Ranh vào lễ thượng cờ năm 2014. Ảnh: Zing.vn. |
- Khi Việt Nam đã tiếp nhận đủ 6 tàu ngầm lớp Kilo, ông cho rằng năng lực hải quân Việt Nam sẽ được phát huy hiệu quả thêm như thế nào?
- Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam giờ đã có hạm đội tàu ngầm lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á. Hải quân các nước như Indonesia và Malaysia đều sở hữu 2 tàu. Singapore có 4 tàu nhưng 2 tàu dự kiến “về hưu”.
Trung Quốc sở hữu 61 tàu ngầm gồm nhiều loại. Hạm đội Nam Hải của họ có 22 tàu ngầm, bao gồm 16 tàu tìm kiếm và tiêu diệt được thiết kế chuyên biệt cho những cuộc chiến chống ngầm. Trung Quốc đặt ưu tiên cho Hạm đội Nam Hải nên đang cung cấp nhiều tàu mặt nước và tàu ngầm hiện đại cho đơn vị này. Tất cả 4 tàu ngầm hạt nhân chở tên lửa đạn đạo (SSBN) đều được biên chế về đây.
Các tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam đều có năng lực tàng hình cao hơn các tàu của Trung Quốc và những nước Đông Nam Á khác. Những tàu của Việt Nam cũng được trang bị hệ thống cảm biến và radar hiện đại, nhạy hơn nên có thể phát hiện đối tượng tấn công ở khoảng cách xa hơn.
Sau khi tiếp nhận tàu ngầm, tôi nghĩ Hải quân Việt Nam có thể tính chuyện trang bị thêm để cho các mục đích chiến đấu dưới mặt nước. Đây là chặng đường dài vì nhiều yếu tố.
Giáo sư Carl Thayer là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng. Ông được biết đến trên phạm vi quốc tế qua các nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông hiện là chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia. Ảnh: Lê Quân. |
Đầu tiên là khoản chi phí khổng lồ cho những công đoạn như bảo trì, sửa chữa… cũng như chi phí huấn luyện đoàn thủy thủ và nhân viên hỗ trợ. Mỗi tàu ngầm Việt Nam cần thủy thủ đoàn 52 người vận hành, trong khi tàu Singapore chỉ cần 28 người, tàu Malaysia cần 31 người và tàu Indonesia cần 36 người.
Thứ hai, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm tác chiến dưới mặt nước so với những nước trong khu vực.
Năm 1981, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sắm tàu ngầm nên nước này đã có khoảng 35 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, Singapore mới là nước có nhiều kinh nghiệm về vận hành tàu ngầm nhất.
Singapore đã mua các tàu lớp Challenger vào giai đoạn từ giữa đến cuối thập niên 1990. Từ đó đến nay, Họ thường tổ chức huấn luyện thủy thủ và phát triển chuyên môn trong tác chiến dưới nước. Sau đó, Singapore tiếp tục mua tàu ngầm lớp Archer hiện đại hơn và triển khai ở các vùng biển Đông Nam Á.
Thứ ba, Việt Nam đến nay vẫn chưa tích hợp các tàu ngầm với lực lượng hải quân vì quân đội vẫn đang phát triển học thuyết để tối ưu hóa năng lực quân sự của hạm đội này. Trong khi đó, Trung Quốc đã đưa nhiều tàu ngầm tham gia các diễn tập hải quân ở Biển Đông từ nhiều năm qua.
Việt Nam cũng chưa tiến hành những buổi diễn tập chống ngầm (ASW) nào với các tàu chiến Gepard ASW và tàu ngầm lớp Kilo. Những cuộc tập trận này sẽ mang lại kinh nghiệm quý báu về định vị và khoanh vùng mục tiêu tàu ngầm đối phương, cũng như những kinh nghiệm đáng giá về vận hành tàng hình của các tàu lớp kilo.
Phát triển chiến lược ‘hạm đội cân bằng’
- Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean: Sau khi xây dựng đủ hạm đội tàu ngầm, Việt Nam đã đạt được năng lực hoạt động dưới nước hiệu quả trong cả thời bình lẫn thời chiến và hướng đến mục tiêu xây dựng “hạm đội cân bằng”. Về tổng thể, tôi cho rằng Hải quân Việt Nam vẫn còn nhiều nhiệm vụ để hoàn thành nhằm đạt được sự “cân bằng”.
Chẳng hạn, trước khi mua các tàu ngầm, Hải quân Việt Nam thường chỉ chú trọng tăng cường năng lực chiến đấu và tuần tra mặt nước. Tàu chiến Gepard chắc chắn là những vũ khí hiệu quả, với 2 chiếc đang hoạt động, 2 chiếc khác dự kiến sắp được bàn giao, và thậm chí thêm 2 tàu có thể được đặt mua.
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean là chuyên gia về an ninh hàng hải tại Đại học Nanyang, Singapore. Ngôi trường được Times Higher Education xếp hạng 54/100 năm 2016. Ông là cây bút bình luận trên nhiều tờ báo phổ thông như Straits Times, The Diplomat, National Interest... Ảnh: Nuclearforum. |
Bên cạnh đó, so với phạm vi hoạt động của Hải quân Việt Nam ở Biển Đông thì số lượng 6 tàu chiến vẫn còn khiêm tốn. Các tàu hộ tống tên lửa lớp Molniya và tàu tuần tra lớp Svetlyak của Việt Nam cũng là những vũ khí hiệu quả. Nhưng nhiều tàu tuần tra bờ biển và máy bay tấn công từ thời Liên Xô có lẽ cần phải thay thế.
Nhìn chung, quân đội đã nỗ lực đầu tư nâng cấp lực lượng mặt nước song song xây dựng đội tàu ngầm có năng lực đáng tin cậy.
Tôi nghĩ Hải quân Việt Nam cũng cần chú trọng phát triển những lĩnh vực như tác chiến chống vũ khí trên không. Ngoài những hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn, hải quân cần thêm những lá chắn tên lửa tầm trung để đối phó với những mối đe dọa từ các tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh.
Rà phá thủy lôi cũng là một lĩnh vực cần được hiện đại hóa. Việc mua những thiết bị lặn (ROV) của Italy để trang bị cho các tàu rà phá mìn thời Liên Xô cũng chỉ là giải pháp tạm thời trước khi đi đến thay thế toàn bộ những tàu đã cũ.
Nếu hải quân đặt kế hoạch phát huy mạnh mẽ vai trò chống can thiệp trên Biển Đông bằng lực lượng lính thủy đánh bộ thì họ cũng cần nâng cấp đội tàu tấn công đổ bộ.
Phi đội máy bay tuần tra hàng hải (MPA) hiện cũng được chú trọng đầu tư trong nhiều năm qua, như việc mua thêm nhiều máy bay mới từ Canada. Tuy nhiên, dựa trên phạm vi rộng lớn của Biển Đông thì phải cần đến những MPA có phạm vi hoạt động tầm trung.
Cuối cùng, một hạm đội tàu ngầm cũng cần được hỗ trợ bởi một đội tàu ngầm có năng lực đối phó với tình huống khẩn cấp như tàu giải cứu.
Tôi tin rằng những nhà hoạch định chiến lược của Hải quân Việt Nam đều nhận thấy những khoản cần đầu tư này. Nó dĩ nhiên cần thời gian để tiến hành. Một sự quyết tâm chính trị và ngân sách quốc phòng bền vững sẽ là các yếu tố cần thiết để hải quân phát triển một năng lực đáng gờm.
Những lợi thế từ tàu ngầm Kilo của Việt Nam
- Xin ông phân tích cụ thể thêm về tương quan năng lực của các tàu ngầm Việt Nam so với tàu ngầm những nước khác trong khu vực.
- Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam đang bắt đầu phát triển đội tàu ngầm của mình. Các tàu ngầm lớp Kilo cải tiến của Việt Nam hiện đại hơn những tàu ngầm lớp Kilo mà Nga từng bán cho Trung Quốc. Tính năng tàng hình trên tàu ngầm Việt Nam cũng hiện đại hơn rất nhiều. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, Việt Nam cần tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế về vận hành đội tàu ngầm. Hải quân Việt Nam đã cử người đến Ấn Độ để tập huấn, các thủy thủ Việt cũng đã được đào tạo ở Nga.
Hiện tại, phần lớn tàu ngầm Trung Quốc đã cũ hơn nhiều so với các tàu ngầm Việt Nam, nhưng điều này sẽ sớm thay đổi khi Trung Quốc đang phát triển hạm đội tàu ngầm tấn công vận hành bằng năng lượng hạt nhân. Indonesia và Singapore cũng đặt kế hoạch hiện đại hóa đội tàu ngầm trong những năm tới. Như Indonesia sẽ mua các tàu ngầm Chang Bogo Type 209 của Hàn Quốc còn Singapore mua tàu Type 218.
Tàu ngầm Hồ Chí Minh ở cảng Cam Ranh. Ảnh: Zing.vn. |
Nhìn chung, các tàu ngầm của Việt Nam đang lớn hơn và chạy nhanh hơn tàu của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Singapore. Bên cạnh đó là những khác biệt về thuộc tính, như tàu Việt Nam có thể hoạt động khoảng 45 ngày dưới biển. Trong khi thời gian trung bình đối với các tàu của những nước trong khu vực là khoảng 50 ngày.
Tất cả những tàu ngầm trong khu vực đều có khả năng phóng tên lửa chống hạm khi đang ở dưới nước. Tàu của Việt Nam có 6 ống phóng ngư lôi hoặc tên lửa, so với 9 ống phóng của tàu Singapore, 8 ống phóng của tàu Indonesia và 6 ống phóng của tàu Malaysia.
Các tàu ngầm cũng phát huy tác dụng trong việc thu thập tình báo. Đặc tính tàng hình khiến chúng trở thành vũ khí hiệu quả trong những trận chiến hải quân. Hiện tại chưa thể khẳng định tàu của Việt Nam khi hoạt động ngầm sẽ phân biệt được tàu chiến Trung Quốc hoặc Nhật Bản, hay phân biệt những tàu thương mại mang các cờ khác nhau của nhiều nước. Nói cách khác, Việt Nam cần nhiều thời gian đầu tư phát triển “bộ thư viện tiếng động các tàu” để có thể xác định những tàu nào đang ở trên mặt nước.
Năng lực khoanh vùng cũng trở nên quan trọng nếu các tàu ngầm được sử dụng trong những mục đích tấn công mặt đất, chống hạm và chống tên lửa tàu ngầm. Việt Nam cần phát triển sự kết nối hiệu quả giữa các vệ tinh quân sự và đội tàu ngầm.
- Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean: So với tàu ngầm của những nước ASEAN khác thì tàu của Việt Nam có kích thước lớn hơn, đồng nghĩa với những cơ hội phát triển trong tương lai. Các tàu Việt Nam cũng có tính năng đi biển và thời gian hoạt động dưới biển tốt hơn. Không gian lớn hơn nghĩa là có nhiều diện tích cho vũ khí và các cảm biến, phòng sinh hoạt cho thủy thủ.
Về mặt hiện đại, sự khác biệt giữa tàu ngầm các nước không quá lớn. Tuy nhiên, tàu Kilo của Việt Nam có lợi thế cụ thể với những tên lửa hành trình Klub-S có năng lực tấn công mặt đất.
Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên tàu ngầm lớp Kilo. Ảnh: Zing.vn. |
Tuy nhiên, điều cần chú ý ở đội tàu ngầm của Hải quân Việt Nam không phải về mặt định tính mà là về định lượng.
Với đội gồm 6 tàu, Hải quân Việt Nam có thể làm nhiều điều hơn so với các nước khác có đội tàu khiêm tốn. Về mặt lý thuyết, Việt Nam có thể triển khai khoảng 2 tàu tuần tra ở Biển Đông cùng lúc, trong khi những tàu khác sẽ "nghỉ ngơi" và những tàu còn lại tham gia tập huấn.
Theo thời gian, các tàu ngầm của Hải quân Việt Nam sẽ tích lũy những kinh nghiệm đi biển quan trọng để theo hướng phát huy năng lực răn đe hiệu quả. Từ đó nó có thể tiến hành nhiều cuộc tập huấn bền vững hơn, cũng như những hành trình đi biển trong thời bình để tăng cường năng lực cho thủy thủ.
Cán cân mạnh hơn cho tàu ngầm Việt Nam
- Theo ông, với năng lực mới bổ sung của Hải quân Việt Nam thì cán cân sức mạnh trên Biển Đông thời gian tới có thể thay đổi như thế nào?
- Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam có thể chứng tỏ năng lực răn đe qua việc sử dụng tính năng tàng hình và những vũ khí được trang bị trên tàu Kilo để tạo ra những thiệt hại đáng kể cho đối phương nếu buộc phải làm như vậy. Một khi các thủy thủ đã thành thạo kỹ năng khoanh vùng và nhắm bắn cho các tên lửa hành trình tấn công mặt đất trên tàu ngầm thì họ có thể tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào.
- Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean: Bởi vì đội tàu ngầm còn tương đối mới nên Hải quân Việt Nam cần thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng. Nhưng có thể nói rằng đội tàu ngầm của Việt Nam sẽ tạo nên sự hiện diện đáng dè chừng trên Biển Đông. Các nước sẽ buộc phải chú ý và tính toán những kế hoạch mới trong việc hoạch định quân sự thời bình (và kể cả thời chiến). Hải quân Trung Quốc đặc biệt chú ý đến tên lửa hành trình Klub-S trên tàu ngầm Kilo của Việt Nam do căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam của nước này nằm trong phạm vi của tên lửa.
Dĩ nhiên cũng cần lưu ý rằng Trung Quốc có rất nhiều tàu ngầm so với Việt Nam, cũng như có những đặc điểm khác lợi thế hơn, nhưng không có nghĩa nước này sẽ ngồi yên. Họ chắc chắn sẽ ghi nhận diễn biến của những nước xung quanh và có kế hoạch đối phó.
Gần đây chúng ta đã thấy Trung Quốc đang tăng cường năng lực đội tàu mặt đất và máy bay tuần tra hàng hải. Tuy nhiên, chắc chắn rằng việc Hải quân Việt Nam xây dựng đội tàu ngầm sẽ hạn chế những quyết định chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông. Đó có thể là điều Hà Nội tính đến dù sở hữu số lượng tàu khiêm tốn hơn.