Với anh U Kyi Hlaing, người dân làng chài Zee Phyu Thaung (Myanmar), chuyện sử dụng điện thoại di động từ trước tới nay rất khó khăn và đắt đỏ. Ngoài chuyện có sóng di động ở làng chài hẻo lánh này hay không, việc sử dụng di động cũng khiến anh phải chi khoảng 40.000 MYK mỗi tháng, tương đương khoảng 700.000 đồng.
Tuy nhiên, câu chuyện quanh chiếc điện thoại di động của anh U Kyi Hlaing, của làng chài Zee Phyu Thaung hay của 277.000 người đang sinh sống tại huyện Ye, bang Mon đã có nhiều đổi khác với sự xuất hiện của Mytel, mạng viễn thông của Viettel tại Myanmar.
Mang 4G tiếp sức mạnh cho người Myanmar
Giờ người ngư dân của làng Zee Phyu Thaung đã có thể dễ dàng thực hiện những cuộc gọi có hình (video call) qua mạng 4G cho người thân và thậm chí là cuộc thoại trên biển, nơi mà những nhà mạng khác như MPT hay Telenor không có sóng.
Mytel cũng là nhà mạng phủ 4G tốt nhất ở huyện Ye và đặc biệt tại làng chài nhỏ bé này, Mytel là mạng duy nhất có sóng 4G.
Tỷ lệ sử dụng smartphone tại Myanmar rất cao. Tuy nhiên, do tốc độ kết nối Internet không dây còn chậm và giá cước cao nên người Myanmar chủ yếu sử dụng điện thoại để truy cập Facebook. Những dịch vụ như video call, Youtube … vẫn còn được dùng ở mức rất hạn chế.
Anh Kyaw Thu Ya, một dân chài vừa trải nghiệm dịch vụ 4G của Mytel chia sẻ: “Kết nối của Mytel rất tốt, hình ảnh mượt, tôi không cảm thấy bị giật hình hay tiếng. Trước đây, chúng tôi không sử dụng chức năng này của điện thoại vì rất tốn kém mà đường truyền yếu, không thể dùng được vì hình ảnh nhòe”.
Anh Kyaw Thu Ya, một dân chài tại làng Zee Phyu Thaung đánh giá cao chất lượng dịch vụ 4G của Mytel. |
Zee Phyu Thaung là một trong những điểm mà Mytel đã có sóng 4G ngay từ ngày khai trương 9/6. Theo chia sẻ của Mytel, hiện tại huyện Ye có 30 trạm BTS đã phát sóng, phủ khắp 90% diện tích huyện. Nhà mạng đặt mục tiêu có 37 trạm tại địa bàn này, 7 trạm còn lại đã hoàn thành việc làm thủ tục thuê địa điểm và chỉ chờ thi công.
Cũng theo đại diện Mytel, người dân ở Ye đón nhận các sản phẩm từ nhà mạng rất tích cực. Dù thời tiết mưa gió nhưng trong ngày đầu mở bán, 10 nhân viên bán hàng tận nhà của Mytel đã bán được 200 SIM. Tại nhiều địa bàn khác ở bang Mon, lượng SIM còn phân phối không kịp vì sức mua lớn vượt kỳ vọng.
Ngay ngày đầu mở bán, một lượng SIM lớn đã được bán ra, vượt kỳ vọng của Mytel. |
Nhiều giám đốc kinh doanh của Mytel tại các địa bàn đều nhận định Viettel đã nhìn ra tiềm năng thị trường khi đa phần người dân Myanmar đều sử dụng smartphone 2 SIM 2 sóng, bên cạnh đó là việc người tiêu dùng ở đây không có tính trung thành với bất kỳ nhà mạng nào mà ưu tiên yếu tố về giá cước cũng như chất lượng dịch vụ.
Giá cước và 4G là mũi nhọn
Cũng giống như ở Mon, tại bang Sagaing, người tiêu dùng đã đón nhận các sản phẩm của Mytel rất tích cực. Cậu sinh viên Sanay Mg Mg của trường Đại học Công nghệ Monywa hào hứng khi được nhân viên nhà mạng tư vấn về gói cước và không ngần ngại mua ngay một bộ hòa mạng.
“Ở trường, việc kết nối Internet không thực sự thuận lợi, dù trước đó đã có nhiều nhà mạng tới hợp tác với trường nhưng tốc độ và chất lượng vẫn không tốt”, Sanay Mg Mg chia sẻ.
“Mình thấy giá cước của Mytel rất hợp lý với sinh viên như mình. Không những vậy, tốc độ kết nối 4G của Mytel cũng rất tốt so với các mạng khác”, cậu sinh viên nói thêm.
Mytel được đánh giá có mức cước phù hợp với đại đa số sinh viên tại Myanmar. |
Theo chia sẻ của TS. Sein Sein Aung, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Monywa, sinh viên ở đây mất khoảng 10 USD mỗi tháng để truy cập Internet phục vụ học tập và giải trí. “Trước khi có Mytel, sinh viên hay dùng dịch vụ của Ooredoo vì giá cước khá rẻ và nhiều khuyến mại. Tuy nhiên, tôi thấy giá cước của Mytel còn tốt hơn mà kết nối Internet lại nhanh hơn”, TS. Sein Sein Aung cho hay.
Chia sẻ với Zing.vn, ông Mai Văn Lợi, giám đốc kỹ thuật Mytel chi nhánh Sagaing cho hay, Mytel có lợi thế rất lớn về công nghệ so với các đối thủ. “Trong khi các nhà mạng khác chủ yếu dùng sóng vi ba, một công nghệ có tính ổn định và tốc độ truyền dẫn không cao, thì Mytel đã sử dụng cáp quang ngay từ đầu. Đây là lợi thế có được từ kinh nghiệm triển khai hạ tầng tại 9 thị trường nước ngoài trước đó của Viettel”, ông Lợi nhận định.
Dù gia nhập thị trường Myanmar sau, nhưng Mytel đã xây dựng hạ tầng 4G và cáp quang vượt các đối thủ. |
Ngay tại thời điểm khai trương, Mytel đã có 7.000 trạm thu phát sóng BTS 4G và hơn 30.000 km cáp quang, phủ khắp đất nước Myanmar. Toàn bộ hạ tầng trên đã vượt mặt các đối thủ tại thị trường dù Mytel là đơn vị gia nhập sau.
Bên cạnh một hạ tầng băng rộng di động rộng khắp, Mytel cung cấp thêm nhiều giải pháp góp phần xây dựng xã hội thông minh như: giải pháp nông nghiệp thông minh (Nextfarm), hệ thống quản lý tín hiệu đèn giao thông (Smart Light), ví điện tử, thiết bị giám sát hành trình. Những công nghệ trên được Mytel áp dụng rộng rãi để biến mục tiêu “Tiếp sức mạnh cho người Myanmar” trở thành hiện thực.