Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ Việt giúp chồng Tây về TP.HCM giữa Covid-19

Chị Linh kể đã phải trải qua nhiều khó khăn để giúp chồng từ Myanmar về Việt Nam. Chị vỡ òa hạnh phúc khi gặp lại anh sau 8 tháng xa nhau.

Đêm 18/9, khi đang nằm trong phòng cùng con, chị Linh (TP.HCM) nghe tiếng gọi cửa bên ngoài. Chị vui mừng khi biết đó là chồng vừa trở về từ nơi cách ly chống dịch.

Trước đó, chồng chị là anh Benjamin Burns (Canada) làm hiệu trưởng một trường quốc tế ở Yangon (Myanmar). Vì mới sinh con nhỏ, lại đang điều hành công ty tại TP.HCM nên chị không thể theo chồng đi xa.

Lần gần nhất hai vợ chồng bên nhau là khi anh về Việt Nam đưa chị đi sinh hôm mùng 1 Tết. 15 ngày sau, anh phải trở lại trường. Đến lúc dịch bệnh bùng phát, cảm thấy ở Việt Nam an toàn hơn nên đầu tháng 9, gia đình chị quyết định để anh về nước.

"Mình vỡ òa, không thể tin anh thực sự về nhà. Đã 8 tháng rồi vợ chồng mới gặp nhau, ngày anh đi con còn bé xíu. Những tuần trước đó, cả gia đình đều sốt sắng vì lo tìm cách giúp anh về Việt Nam tránh dịch, phải trải qua không ít khó khăn", chị Linh kể với Zing.

doan tu mua dich anh 1

Vợ chồng chị Linh hạnh phúc ngày đoàn tụ.

Hành trình gian nan

Để chuẩn bị cho ngày về, anh Benjamin phỏng vấn vị trí phó hiệu trưởng một trường quốc tế ở Hà Nội và được nhận.

Ban đầu, các thủ tục để đưa anh về nước do nhà trường nơi anh làm phụ trách. Những vấn đề như nhập cảnh, cấp visa, chỉ thị nơi cách ly... được trường lo xong trong một tháng.

"Cứ nghĩ như vậy là anh sẽ được về luôn. Nhưng không ngờ mọi chuyện lại gian nan đến thế. Mình không tự mua vé được, mọi việc phải qua dịch vụ trung gian. Nhưng rồi mua 2 lần thì chuyến bay đều bị hủy", chị Linh bày tỏ.

Cuối cùng, chị liên lạc với phía nhà trường, xin phép để mình đứng ra lo liệu giấy tờ, mua vé cho chồng.

"Mình không thể chờ nhà trường vì biết họ còn bận nhiều việc khác. Mình là vợ, chỉ lo chồng bên đó càng lâu, nhỡ nhiễm bệnh sẽ càng khó về được với gia đình. Những tuần đó lại đúng thời điểm dịch bùng phát trở lại ở Đà Nẵng khiến mình càng nóng ruột".

Chị Linh nhanh chóng tìm kiếm thông tin về các chuyến bay giải cứu nhưng thất vọng khi chồng chị không thuộc diện được hỗ trợ.

"Sau khi tìm hiểu, mình biết từ Myanmar không có chuyến bay thẳng nào về Hà Nội, nhưng thỉnh thoảng sẽ có chuyến về TP.HCM. Để tăng cơ hội, mình lại lo hồ sơ giúp anh đủ điều kiện được bay về TP.HCM".

Chị lo liệu thủ tục, xin được giấy cho phép từ Sở Y tế TP.HCM, đặt khách sạn cho anh cách ly và khai báo y tế (do nhà trường hỗ trợ).

doan tu mua dich anh 2

Chị Linh đã trải qua nhiều khó khăn để lo thủ tục giúp chồng về Việt Nam tránh dịch.

Đến khi tìm được một chuyến bay vào ngày 27/8, chị thông báo để anh đi xét nghiệm Covid-19 bên Myanmar trước giờ khởi hành 72 tiếng. Theo lịch trình, từ Myanmar anh phải bay qua Incheon (Hàn Quốc), sau đó về Hà Nội.

"Anh thu dọn hành lý, mọi thứ sẵn sàng, chỉ chờ lấy được kết quả, nếu âm tính sẽ đi thẳng ra sân bay".

Thế nhưng cuối cùng, chuyến bay từ Myanmar đi Hàn Quốc thông báo hoãn 6 tiếng do bão. Dù có chờ hết bão để bay, chuyến từ Incheon về Việt Nam cũng đã khởi hành nên anh đành chờ lần sau.

"Mọi công sức sụp đổ, phải thực hiện lại từng bước, từ khai báo y tế quốc tế đến test Covid-19. Tinh thần anh đi xuống, rồi vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng. Nhưng chúng mình đều không dám đặt quá nhiều kỳ vọng như trước".

May mắn, lần thứ 2 đặt vé, thời gian cách nhau giữa 2 chuyến bay lên tới 13 tiếng. Lần này anh sẽ bay qua Hàn Quốc rồi về TP.HCM.

Chuyến bay đi Incheon khởi hành tối 2/9, nhưng phải đến chiều cùng ngày anh Benjamin mới được nhận kết quả xét nghiệm. Lần này, gần tới giờ bay, anh tiếp tục nhận tin báo hoãn bay 4 tiếng. “Ngồi ở sân bay chờ đợi, anh cầu khẩn, chỉ mong sao có thể về".

2h30 ngày 3/9, máy bay khởi hành. Chị Linh lo lắng đến mức không dám xem điện thoại, sợ chồng lại nhắn chuyến bay bị hủy hay gặp trục trặc.

"Sáng sớm, mình thở phào khi không thấy tin nhắn gì. 9h sáng, mình vỡ òa sung sướng khi biết chồng đã hạ cánh an toàn tại sân bay Incheon. Tuy nhiên, chặng đường từ Hàn về Việt Nam vẫn còn gian nan".

"Việc đặt vé thời gian này không phải dễ, bởi đặt xong còn phải được Cục hàng không xử lý, đồng ý mới được xuất vé. Tối bay chuyến Myanmar đi Hàn Quốc mà sáng vẫn chưa biết có mua được vé từ Hàn về TP.HCM không", chị kể.

Đến 19h, anh được về Việt Nam. Gần nửa đêm, đọc tin nhắn “anh đã về tới Sài Gòn nha”, nước mắt chị Linh tự nhiên chảy xuống vì quá xúc động.

"Không thể tin anh đã về nước. Hơn 48 tiếng đồng hồ, cả 2 vợ chồng vô cùng căng thẳng".

Những giọt nước mắt hạnh phúc

Về đến Việt Nam, anh Benjamin thực hiện cách ly 14 ngày ở khách sạn Ibis Airport, gần sân bay Tân Sơn Nhất. Chị Linh mừng khi nghe chồng kể ăn uống tốt, giường đệm ấm áp, phòng thoải mái.

Tối 18/9, sau 4 lần làm xét nghiệm Covid-19 đều có kết quả âm tính, được khách sạn cho phép check-out, anh về nhà ngay giữa đêm khuya.

"Không có từ gì diễn tả được niềm hạnh phúc khi thấy anh. Cả nhà đều bật dậy. Anh đi vào phòng, nhìn thấy con nhưng xúc động quá. Hôm anh đi con còn bé xíu, mà giờ đã hơn 8 tháng rồi".

Sáng hôm sau, vợ chồng chị mới có thời gian tâm sự. Anh nói lúc ngồi trong taxi về nhà, anh mới cảm nhận được sự tự do, hạnh phúc khi được thực sự hít thở không khí Sài Gòn.

Chị Linh nói rằng trước đây chồng là người cứng rắn, thích độc lập, nhưng sau những chuyện vừa qua, anh đã có nhiều suy nghĩ khác và mong gần gũi gia đình nhiều hơn.

Sắp tới, khi chồng nhận công tác tại ngôi trường mới, cả nhà chị Linh cũng sẽ chuyển ra Hà Nội, dù điều này ảnh hưởng khá nhiều đến công việc hiện tại của chị.

"Với vợ chồng mình, điều quan trọng nhất bây giờ là được gần bên nhau. Mình cũng mong những ai đang trong hoàn cảnh xa cách cũng sẽ sớm được đoàn tụ".

VĐV gốc Nga là bông hồng làng quần vợt

Amanda Anisimova là ngôi sao sáng của làng banh nỉ thế giới, nhiều lần vô địch các giải đấu. Cô nàng 18 tuổi gây chú ý bởi tài năng nổi trội cùng ngoại hình xinh đẹp.

Đào Phương

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm