Theo đánh giá của BS Hồ Mạnh Tường - Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM - và cộng sự thì: Đây là tỷ lệ rất cao, trong đó vô sinh nam ngày đang có xu hướng tăng mạnh.
Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), vào các buổi sáng trong tuần, số lượng người đến khám và điều trị hiếm muộn ở khoa Hỗ trợ sinh sản luôn đông kín người. Trong đó, số lượng nam dưới 40 tuổi đến khám và nhờ hỗ trợ các kỹ thuật chiếm khoảng 70%.
Khám hiếm muộn tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). |
Vợ chồng anh Trần Hoàng V. (trú tại Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM) đều chưa đến 30 tuổi. Cưới nhau được gần 4 năm nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có con mặc dù cả hai đều có tầm vóc “cao to, khoẻ mạnh”.
Sau khi kiểm tra tinh dịch đồ, các BS khẳng định, nguyên nhân vô sinh do người chồng vì tinh trùng yếu khi mật độ 5 triệu, di chuyển nhanh 2%, di chuyển chậm 3%, không di chuyển 67%. Thậm chí, BS còn kết luận, nếu thực hiện kỹ thuật IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) cũng không thể thành công được ngay cả thụ tinh trong ống nghiệm cũng ít hy vọng…
TS - BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM - cho biết: “Thống kê gần đây cho thấy, 30% số trường hợp vô sinh do nam, 30% do nữ, 30% do cả hai và 10% vô sinh chưa rõ nguyên nhân. Tình trạng vô sinh đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng khi mỗi ngày, BV Từ Dũ tiếp nhận khoảng 100 lượt đến khám và tư vấn về hiếm muộn, trong đó, hơn 70% số người chồng đến khám có tinh dịch đồ dưới mức bình thường”.
Còn theo ThS-BS Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học BV Bình Dân, việc điều trị vô sinh phải xem xét từ phía người vợ và chồng, tuy nhiên, nếu có nguyên nhân từ người chồng thì cần điều trị cho người chồng trước vì chi phí điều trị thấp và hiệu quả cao.
Tỷ lệ vô sinh đang có hiện tượng cao bất thường và đang trẻ hoá tại Việt Nam là vấn đề được nhiều người quan tâm và kiến nghị cần nghiên cứu để tìm nguyên nhân. THS- BS Hồ Mạnh Tường giải thích, qua khảo sát 4.060 mẫu thử tinh dịch đồ tại các phòng khám nam khoa của hai bệnh viện đã cho thấy, có 14,56% mẫu có các chỉ số về mật độ, di động và hình dạng lớn hơn giới hạn tối thiểu, 85,44% mẫu có bất thường về di động, mật độ và hình dạng bình thường của tinh trùng.
Trong các loại bất thường tinh trùng, bất thường về hình dạng chiếm tỷ lệ cao nhất. Tỷ lệ mẫu chỉ có bất thường về hình dạng tinh trùng chiếm tỷ lệ (44,76%).
Cũng theo khảo sát trên, độ tuổi trung bình của bệnh nhân làm xét nghiệm tinh dịch đồ là 35,08. Trong đó, chỉ có 875 trường hợp (chiếm 21,55%) bệnh nhân trên 40 tuổi. Gần 80% còn lại dưới 40 tuổi và nhiều trường hợp có kết quả tinh đồ bất thường tuổi còn rất trẻ. Điều này cho thấy tỷ lệ vô sinh nam ở những người trẻ tuổi ngày càng gia tăng mạnh.
Cũng theo BS Tường, đây là báo cáo đầu tiên ở Việt Nam về đánh giá kết quả tinh dịch đồ trên bệnh nhân theo tiêu chuẩn WHO 2010, trên số lượng lớn. Các kết quả này có thể là số liệu tham khảo hữu ích cho các đồng nghiệp và các trung tâm trong cả nước khi áp dụng tiêu chuẩn đánh giá tinh dịch đồ WHO 2010 trong thực hành.