Võ sĩ đẳng cấp thế giới Huỳnh Châu sống ở ngôi nhà 10m2
Đoạt HCĐ Thế giới 2011 và suất dự Olympic London 2012, nhưng thật ngỡ ngàng khi biết rằng võ sĩ Taekwondo Lê Huỳnh Châu vẫn phải sống ở một ngôi nhà chỉ vỏn vẹn 10 mét vuông cùng mẹ già bị bệnh thoái hóa cột sống và lao phổi.
>> 10 ngôi sao 9x của thể thao Việt Nam
>> Taekwondo Việt Nam giành hai vé dự Olympic London 2012
>> Taekwondo Việt Nam làm Indonesia bẽ bàng
>> ‘Kình ngư’ Hữu Việt được cấp 200m2 đất
>> Các ngôi sao SEA Games vui đón Tết nhờ 'mưa tiền thưởng'
>> Nhìn lại khoảnh khắc vàng của thể thao VN tại SEA Games 26
>> Liên khúc hát chế về ĐT Việt Nam gây sốt
Cột sống của mẹ... nuôi đôi chân của con
Mặc dù có địa chỉ trên tay nhưng phải vất vả lắm chúng tôi mới có thể đến được nhà của Huỳnh Châu. Căn nhà nhỏ nằm trong cùng của một con hẻm ngoằn ngoèo ở bến Vân Đồn (Quận 4, Tp.Hồ Chí Minh). Nói là căn nhà cho sang, chứ thực ra với diện tích hẹp đến không tưởng chỉ 10m2 (2,5 x 4m) thì còn không bằng một căn phòng trọ của công nhân hay sinh viên... chỉ vừa đủ để xếp một cái bàn thờ, một chiếc giường ngay cạnh góc bếp nhỏ... nơi khi chúng tôi đến mẹ của Huỳnh Châu vẫn còn phải nằm trên giường để dưỡng bệnh. Còn gác gỗ nhỏ là vùng lãnh thổ của Châu cùng đứa cháu nhỏ.
Lê Huỳnh Châu và mẹ |
Ngậm ngùi rời quê hương Đức Hòa, Long An với cái bụng bầu mà đứa bé trong đó chính là Huỳnh Châu cùng một người con nhỏ (chị gái Châu) để lên Sài Gòn mưu sinh, bà đã phải vật lộn với rất nhiều ngành nghề khác nhau để sinh ra một Huỳnh Châu mà sau này vang danh thế giới. Thời gian đầu, bà đi bán thuốc lá dạo ở đường Calmette, nhưng sau khi bán thuốc lá vẫn không “ăn thua” bà may mắn xin được vào làm nhân viên tạp vụ tại Ban quản lý đô thị Q.1 kiếm từng đồng để nuôi chị em Châu ăn học. Nhà nghèo, nuôi con ăn học cũng đã khó khăn, nhưng thấy Châu mê võ bà vẫn chiều lòng con để Châu đi học Taekwondo từ năm 10 tuổi, kể từ đó Châu hàng ngày ngoài giờ học văn hóa là hăng say, chú tâm vào tập luyện môn võ thuật mà vốn lúc đó đơn giản chỉ là đam mê.
May mắn là với sự quyết tâm, Châu cũng được chọn vào đội tuyển của Thành Phố, rồi sớm đạt những thành tích cấp Quốc gia. Thế nhưng, mãi cho đến khi Châu được đi tập huấn ở Đài Loan anh mới mang về được đồng tiền đầu tiên phụ giúp mẹ.
Vì “còng lưng’’ để nuôi hai người con ăn, học cho bằng bạn, bằng bè mà đến bây giờ khi con vừa mới gặt được trái ngọt đầu mùa thì cột sống của mẹ đã bị “thoái hóa”, lại còn mắc thêm bệnh lao phổi. Trong khi đó, dù đã giành được những danh hiệu quý giá trên trường quốc tế như tấm HCĐ Thế giới 2011 hay SEA Games, nhưng số tiền mà Huỳnh Châu có để giúp mẹ là quá ít ỏi, bởi chưa một lần Châu giành được tấm HCV ở đấu trường quốc tế, mà đối với những môn thể thao như Taekwondo chỉ có vàng mới có thể tạm gọi là “sống được”. Đó cũng chính là lý do cho đến giờ, Châu và mẹ vẫn phải ở căn nhà chật hẹp và hàng ngày vẫn phải lo toan với cuộc sống mưu sinh.
Gia đình Châu sống chen chúc trong ngôi nhà 10m2 |
Lận đận chuyện học hành
Năm nay đã 24 tuổi, nhưng ngày 30/11 vừa qua mới là ngày đầu tiên Huỳnh Châu đặt bước chân vào trường Đại học (Sư phạm TDTT TP.HCM theo dạng VĐV đặc cách), trước đó, phải đến 22 tuổi Châu mới nhận được bằng THPT.
Tất nhiên, một cậu bé lo tập luyện, học võ hàng ngày từ năm 10 tuổi như Châu thì thật khó có thể chuyên tâm vào việc học, đấy là chưa kể điều kiện vật chất cũng là một yếu tố nếu muốn bồi dưỡng học tập thêm giống như nhiều VĐV khác vẫn làm.
Đã vậy, khi đang tập luyện Huỳnh Châu còn phải đi nghĩa vụ quân sự mất một năm, nhưng với Châu đó là quãng thời gian rất hữu ích giúp anh chín chắn và bản lĩnh hơn để rồi khi xuất ngũ Huỳnh Châu đánh dấu bằng tấm HCB SEA Games tại Lào, đồng thời cũng là lúc Châu lấy được tấm bằng PTTH.
Châu đã 24 tuổi, không còn được xếp vào lớp VĐV triển vọng để đầu tư |
Bây giờ, hỏi chuyện học hành với những người đã từng nghỉ ngắt quãng như Châu quả thực là khó khăn, nhưng bên cạnh người mẹ chúng tôi không khó để nhận ra đôi mắt Huỳnh Châu vẫn sáng lên và khẳng định chắc chắn: “Nếu như cách đây vài năm thì tôi sẽ bỏ học để theo võ, nhưng bây giờ tôi thấy thương mẹ lắm, mẹ đã hy sinh quá nhiều cho hai chị em chúng tôi. Tôi muốn cố gắng hết sức để học sau đó lấy cái bằng HLV như vậy mới có thể chăm sóc cho mẹ được”.
Ở cái tuổi của Huỳnh Châu bây giờ không còn phải đối tượng để người ta gọi là “triển vọng” để đầu tư, đó chính là cái khó của Châu. Anh phải theo học nâng cao để sau này có nghề nghiệp ổn định, chăm sóc cho mẹ.
THIÊN VŨ
Theo Bưu điện Việt Nam