Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ rủ chồng nghỉ việc, rời TP.HCM về quê sống

Sau 2 năm bỏ phố về quê, thu nhập của vợ chồng chị Trang giảm khá nhiều so với trước đây nhưng cuộc sống vui vẻ, bình yên.

Sáng sớm, vợ chồng chị Đào Thị Trang (29 tuổi) lại lên rẫy lấy dược liệu về nấu dầu gội đầu thảo mộc. Đây là công việc chính của họ từ khi rời TP.HCM về quê ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước sinh sống.

Trước đây, chị Trang từng kinh doanh quần áo, còn chồng là giáo viên dạy Toán kiêm lập trình và viết code. Sau khi sinh con đầu lòng, chị rủ ông xã về quê để được sống gần bố mẹ hai bên.

“Lúc đó vừa chớm dịch, công việc của chồng mình là bán hàng trên các trang thương mại điện tử nước ngoài bị ảnh hưởng nên anh cũng muốn dừng. Tuy nhiên, hai vợ chồng phải trải qua nhiều khúc mắc vì không cùng chí hướng”, chị Trang kể với Zing.

Khó khăn

Với số vốn tích cóp được từ trước, vợ chồng chị Trang trích một phần mua đất và nhà ở quê. Hai người đầu tư thêm vài khoản nhỏ để duy trì thu nhập trong thời gian đầu.

Chị Trang cũng bắt tay vào nghiên cứu cách làm các sản phẩm thuần tự nhiên như dự định từ trước. Chị mong muốn tận dụng nguồn cây cỏ, dược liệu sạch từ địa phương.

Tuy nhiên, trong khi chị Trang xuất thân là con nhà nông, chồng chị từ nhỏ đến lớn chưa từng tiếp xúc với vườn, rẫy. Bởi vậy, hai người có nhiều mâu thuẫn.

“Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tốn công sức nên ông xã mệt mỏi và áp lực. Mình đôi khi cũng thấy bế tắc vì tuổi trẻ đang được bay nhảy, làm việc ở thành phố nhàn hạ chuyển sang lao động tay, chân vất vả hơn nhiều. Có lúc, hai vợ chồng ‘đấu khẩu’, muốn bỏ ngang nhưng rồi dần thích nghi”, chị nói.

Trong hơn một năm, dù không đếm xuể số lần thất bại khi thử nấu dầu gội thảo mộc, chị Trang không bỏ cuộc. Cuối cùng, chị có thể tạo ra nguồn thu nhập từ đó. Thậm chí, có khách ở Mỹ sau khi dùng thử quyết định nhập hàng của chị qua bán.

Thay đổi

Hàng ngày, vợ chồng chị Trang đi mua mủ cao su kết hợp làm dầu gội. Cuộc sống không rủng rỉnh tiền bạc như trước nhưng đổi lại sự bình yên.

“Ngày xưa, mình thuộc tuýp người năng động, thích đi chơi. Về quê, mình sống tối giản hơn và không còn ham tụ tập. Bên cạnh dược liệu, mình nuôi gà, trồng rau, cây ăn trái trong vườn để có thể tự cung tự cấp. Vào mùa mưa, rau dền, rau đay ăn không hết. Gà rẫy ngon ngọt, trứng thoải mái, cá suối cũng nhiều”, chị nói.

So với thời điểm còn ở thành phố, nhịp sống của chị Trang cũng thay đổi khi giờ giấc sinh hoạt cố định hơn, sáng dậy sớm, tối 21h đã ngủ.

Dù mặt nám, da đen, gót chân nứt nẻ, bàn tay thô ráp và đôi khi gặp lại bạn bè ở TP.HCM bị trêu đùa là “người đồng bào xuống phố”, chị Trang không hối hận với quyết định về quê.

“Cuộc sống hiện tại vui vẻ, mình không có ý định quay lại thành phố nữa. Chồng giờ cũng đam mê làm vườn và đang nghiên cứu trồng sầu riêng. Mình nghĩ khi mở lòng đón nhận cả khó khăn và thử thách, mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Dù lựa chọn ở thành thị hay nông thôn, điều quan trọng là cân bằng giữa công việc của bố mẹ và cuộc sống cho con chất lượng, đầy đủ”, chị nói.

Hiện tại, con của chị Trang tròn 2 tuổi. Chị mong muốn phát triển thêm việc kinh doanh khi bé lớn hơn và cho con tuổi thơ đẹp nơi vùng quê yên bình.

Giới nhà giàu bỏ phố ra đảo hậu đại dịch

Không chỉ tìm nơi giải tỏa căng thẳng sau thời gian đại dịch, nhiều người mua nhà ở các quần đảo nổi tiếng để lưu trú lâu dài thay vì chỉ đi du lịch ngắn hạn.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm