Một ngày mới bắt đầu phía sau những dãy núi nằm ven con sông Lô (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Chiếc bè nhỏ của vợ chồng anh Phạm Xuân Dư và chị Phạm Thị Hậu (32 tuổi) lại nhẹ nhàng xuôi dòng.
Hai người vào rừng đốn gỗ để dựng căn nhà sàn nằm trên sườn đồi. Bố mẹ có đồi trồng xoan nên họ tận dụng vật liệu sẵn có. Những cây lâu năm dài 4-5 m, nặng 400-500 kg được chặt về làm cột.
Chia sẻ với Zing, anh Dư cho biết vợ chồng anh kết hôn được 6 năm và có 2 con nhỏ. Trước đây, họ làm trang điểm và chụp ảnh theo yêu cầu tại Hà Nội. Khi dịch Covid-19 căng thẳng khiến công việc bị ảnh hưởng, chị Hậu rủ chồng về quê ngoại sinh sống.
“Vợ tôi sống cùng bố mẹ ở Hà Giang từ nhỏ nên hiểu rất rõ những thuận lợi. Thấy rằng vùng đất này đang thay đổi, cô ấy thuyết phục tôi rời bỏ phố thị để về đây lập nghiệp, làm kinh tế với ông bà. Sau khi chuẩn bị xong, gia đình tôi lên đây vào mùng 5 Tết, chính thức bước sang trang mới”, người chồng nói.
Khi các con quyết định bỏ phố về rừng, bố mẹ anh Dư ủng hộ, chỉ cần họ ở đâu cũng sống được và chăm lo hạnh phúc gia đình. |
Dựng nhà trên đồi
Khi về quê, anh Dư, chị Hậu xác định giúp bố mẹ chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng nông sản như ba kích, cây sơn, chè. Hàng ngày, họ theo chân đi cắt mủ sơn, thời gian còn lại sẽ chăn nuôi và trồng trọt để có thêm kinh tế. Bên cạnh đó, hai người xây dựng kênh video về cuộc sống thường ngày ở vùng sơn cước.
“Quyết định của vợ chồng tôi không hề bộc phát, mà có nhiều yếu tố tác động. Đầu tiên là dịch bệnh, sau đó là sức khỏe của gia đình. Bé út nhà tôi sức khỏe không tốt, từng phải cắt đi một phần phổi. Về quê, chúng tôi muốn vẫn có thể làm việc và phát triển kinh tế, đồng thời cho các con môi trường sạch sẽ, rộng rãi”, anh nói.
Với anh Dư, điều đắn đo trước hết là tâm lý. Vốn sống ở thành phố từ nhỏ, chưa bao giờ phải làm lụng chân tay, anh không biết về rừng có thể thích nghi và đủ sức khỏe để làm nông nghiệp được hay không.
Tuy nhiên, chỉ mất khoảng một tuần, ông bố trẻ đã hợp với cuộc sống vùng sơn cước dù phải thay đổi hoàn toàn giờ giấc sinh hoạt.
1-2h sáng, anh Dư dậy theo bố mẹ vợ lên đồi thu hoạch mủ sơn. Điều này trái ngược với khi còn ở Hà Nội, anh thường thức đến nửa đêm để chỉnh sửa ảnh cho khách rồi mới đi ngủ.
Leo đồi cũng không dễ dàng vì đường tối, nhiều cây gai và trơn trượt. Sau hơn một tháng, anh dần quen việc, đi gần bằng tốc độ của bố mẹ vợ.
Khoảng 9h xong việc, anh Dư về nhà nghỉ ngơi, ăn cơm trưa vợ nấu và chơi với con. Đầu giờ chiều, anh phụ bà xã chăn nuôi, trồng trọt và ghi lại hình ảnh cho kênh video.
Từ anh thợ ảnh quen với cuộc sống ở thành phố, anh Dư học làm công việc tay chân, theo bố mẹ vợ lên đồi cạo mủ sơn để có thu nhập. |
Hơn một tháng nay, anh Dư và chị Hậu cũng chăm chút cho ngôi nhà sàn nhỏ, được dựng trên đất của gia đình. Nơi này cách nhà bố mẹ họ 15 phút đi bộ, phía trước nhìn ra sông Lô, xung quanh không có người ở.
“Nhà đã xong phần cứng, vợ chồng tôi đang gia cố chỉn chu rồi mới làm bếp, sân vườn và chuồng trại. Phần dựng cột và lợp mái là nhờ các anh trong làng giúp, còn lại chúng tôi tự làm, tận dụng đồ cũ ông bà cho. Khó khăn nhất là khâu vận chuyển gỗ”, anh kể.
Chợt nhìn thấy người quen chèo thuyền đi đánh cá dưới sông, anh Dư nói với ra: “Chào bác, chúng cháu đang san đất ạ! Bác hôm nay được nhiều cá không? Hôm nào cho cháu đi cùng nhé!”.
Anh bảo người dân ở đây chất phác, hiền hòa và chân thành. Các nhà không san sát nhau nhưng khi cần, ai cũng sẵn sàng giúp đỡ nhiệt tình.
Dự kiến khoảng 10 ngày nữa, vợ chồng anh Dư có thể dọn sang nhà mới sinh hoạt.
Ngôi nhà nhỏ của anh Dư và chị Hậu ở thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên. Theo họ, trong quá trình xây dựng, vất vả nhất là lúc đi chặt cây, chuyển vật liệu từ trên đồi xuống đây. |
Sống khỏe hơn
Từ khi bỏ phố về rừng, anh Dư và chị Hậu cảm thấy thay đổi lớn nhất là sức khỏe của cả nhà.
“Ở Hà Nội, gia đình tôi sống gò bó trong phòng trọ chật hẹp, môi trường ô nhiễm. Về đây, các con được vui chơi thoải mái hơn. Hàng ngày, 2 bạn bé dậy sớm xem ông bà, bố mẹ làm gì, rồi cũng đòi cho gà, thỏ, chó mèo ăn và theo ra vườn. Niềm vui hiện ra mặt như lúc đi chơi công viên”, chị Hậu kể.
Ngày trước, vì đặc thù công việc, anh Dư và chị Hậu ăn, ngủ không điều độ dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe, con cái. Môi trường bon chen, mệt mỏi cộng với áp lực kinh tế khiến tình cảm vợ chồng nhiều khi không được ngọt ngào.
Về quê không khí trong lành, nếp sinh hoạt điều độ, cả gia đình đều tăng cân, trắng hơn và khỏe ra.
“Gần 10 năm trụ lại Hà Nội, nhiều khi tôi chỉ mong được về nhà. Tôi hạnh phúc vì điều đó đã thành sự thật”, người mẹ trẻ nói.
Ngoài làm nông nghiệp, anh Dư và chị Hậu ghi lại hình ảnh về cuộc sống thường ngày để chia sẻ với mọi người qua kênh video. |
Nhờ thay đổi giờ giấc sinh hoạt, lao động chân tay nhiều và không khí trong lành, anh Dư cảm thấy cơ thể khỏe mạnh, rắn rỏi hơn. Điều vợ chồng anh cảm nhận được nữa là sự hòa thuận giữa người với người, tình cảm gần gũi giữa ông bà với con cháu.
Sau nhiều năm ra Bắc vào Nam, bôn ba nước ngoài để làm thuê, anh Dư không còn nghĩ kinh tế quá quan trọng. Với anh, tình cảm gia đình vẫn là trên hết. Bởi vậy, ở đâu có thể tìm niềm vui cho cả nhà chính là nơi anh muốn gắn bó.
“Ngày trước, vợ chồng tôi thu nhập 15-20 triệu/tháng. Bây giờ, chúng tôi từ bỏ tất cả để được sống với chính mình”, anh nói.
Nhờ bố mẹ vợ giúp đỡ, vợ chồng anh Dư không phải lo nơi ăn, chốn ở và kinh tế khi mới về rừng. Hiện tại, ngoài làm nông, thu hoạch chè khi đến mùa, anh Dư đi lấy mủ sơn 15-20 buổi/tháng nếu thời tiết tạnh ráo.
Rau, thịt nhà có sẵn, hai vợ chồng cũng ít phải mua bên ngoài. Họ đi chợ, chỉ họp thứ 3 và 6, khi cần mua vật dụng thiết yếu.
Sắp tới, khi dựng nhà và bếp xong, anh chị sẽ tiến hành trồng rau, củ, quả sạch, nuôi lợn, gà, thỏ để tự cung, tự cấp cho gia đình. Nếu thuận lợi, phần dư ra có thể bán hoặc trao đổi để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.
Hai con của vợ chồng anh Dư thích thú khi được sống ở môi trường rộng rãi, gần gũi thiên nhiên. |
Theo anh Dư và chị Hậu, trước khi bỏ phố về rừng, mỗi người cần chuẩn bị hành trang, kiến thức và xác định rõ mục tiêu làm gì để phát triển kinh tế. Với niềm đam mê, nhiệt huyết và kiên trì, theo họ, ở đâu cũng có thể tồn tại và phát triển, thậm chí làm giàu.
“Chúng ta chỉ sống một lần trên đời nên hãy sống và làm những việc mình yêu thích. Tuy có vất vả và khó khăn, vợ chồng tôi vẫn tin rằng bỏ phố về quê là quyết định chính xác”, anh Dư nói.