Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vỡ quy hoạch ngành bia

Năng lực sản xuất bia thực tế trên cả nước được bố trí theo 6 vùng kinh tế đã bị “vỡ”, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi công suất thực tế gần gấp đôi so với quy hoạch.

Nhiều tiêu chí không đạt

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi quy hoạch phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 được phê duyệt, ngành bia đã thực hiện nghiêm túc theo quy hoạch.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế, mức sống người dân cải thiện, ngành bia giai đoạn 2005-2010 phát triển rất nhanh, tăng 15-20%, tốc độ này đang giảm dần hiện tại chỉ khoảng 8-10%. Tuy nhiên, nguyên nhân của việc tăng nhanh không phải vì người Việt Nam uống nhiều, mà do gốc phát triển của ngành ở mức độ thấp. Vậy nên “thông tin Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về tiêu thụ bia là không đúng”, ông Dũng nói.

Cũng theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2010, sản lượng bia sản xuất mỗi năm đạt 2,5 tỷ lít, năm 2015 đạt 4 tỷ lít mỗi năm và đạt 6 tỷ lít vào năm 2025.

Thế nhưng đến nay, sản xuất và tiêu thụ bia mới đạt 3,2 tỷ lít là chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, công suất sản xuất bia mới chỉ đạt 81% quy hoạch đã phê duyệt.

Điều đáng chú ý được ông Dũng nêu ra là, năng lực sản xuất bia thực tế trên cả nước được bố trí theo 6 vùng kinh tế đã bị “vỡ”, bởi chúng ta đánh giá trên nền thu nhập các vùng để xây dựng nhu cầu.

Nhiều tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam tạo sức ép lớn cho doanh nghiệp sản xuất bia trong nước.

Theo đó, khu vực vỡ quy hoạch mạnh nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (quy hoạch là 313 triệu lít nhưng trên thực tế gần gấp đôi, là 550 triệu lít), trong khi ở phía Bắc lại không đạt mục tiêu (quy hoạch/công suất là 191/150).

Không chỉ vậy, công tác quản lý còn nhiều bất cập, đặc biệt hiện bia không được coi là ngành kinh doanh có điều kiện nên dẫn tới tình trạng sản xuất bia không tuân theo quy hoạch. Tính "vô kỷ luật" thị trường đã gây lãng phí cho xã hội và nhà đầu tư, dẫn tới tiêu thụ sản phẩm khó khăn và hiệu quả kinh doanh thấp.

Bia bị liệt vào "sổ đen"?

Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, với hơn 85% dưới 40 tuổi. Kinh tế, đời sống đang có nhiều dấu hiệu phục hồi, mặt khác, nước ta nằm trong đới khí hậu nhiệt đới nên nhu cầu cho đồ uống giải khát nói chung cao. Cùng với đó ngành du lịch phát triển, nên nhu cầu cho ngành hàng này vì thế cũng tăng mạnh. Đây là những yếu tốt thuận lợi giúp cho ngành công nghiệp bia phát triển.

Tuy nhiên, ngành bia đang phải chịu nhiều thách thức, không chỉ đến từ sự cạnh tranh của việc mở cửa các tập đoàn nước ngoài tràn vào mà còn chịu sức ép của một loạt chính sách.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, liệt kê một loạt chính sách đã và sẽ có tác động lớn đến ngành bia như: Luật 70/2014/QH13 sửa đổi bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Dự thảo Nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia..., đặc biệt là dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng bia rượu do Bộ Y tế xây dựng.

Cụ thể theo như ông Dũng, Hiệp hội, doanh nghiệp cần hết sức quan tâm đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng bia rượu. Bởi trong dự thảo đang có có một loạt các định nghĩa chung chung, nếu không cẩn thận lúc ban hành doanh nghiệp sẽ chịu thiệt.

“Ví dụ, khái niệm lạm dụng rượu bia, tác hại của bia rất mập mờ, lúc thì nói rằng tác dụng của rượu bia và tác hại của rượu bia lúc thì nói tác hại của lạm dụng rượu bia”, ông Dũng dẫn chứng và khuyến cáo: “Nếu là người trong ngành không có đóng góp với ngành y tế sau này lúc ban hành sẽ rất rắc rối”.

Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề về quản lý liên quan đến việc phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Trên thực tế, sản phẩm không mang lại tác hại, nhưng nếu lạm dụng nó thì không phải chỉ có rượu bia mà còn nhiều sản phẩm khác, như nếu ăn uống không đúng, ăn nhiều đường sẽ gây béo phì, hay uống thuốc không đúng cách gây chết người...

Vị đại diện của Bộ Công Thương "mách nước" cho hiệp hội rằng, cần nói cho những nhà làm luật thấy rõ không phải chỉ sản phẩm bia rượu mới gây tác hại. “Chúng ta ủng hộ chống lạm dụng nhưng không cực đoan dẫn tới việc gây tác hại cho ngành sản xuất. Nếu quản lý tốt sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước”, ông Dũng nói.

Tốn 7.000 tỷ để dán tem, giá bia sắp tới sẽ tăng mạnh?

Nhận định này được Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát đưa ra, nếu việc thực hiện dán tem bia thực hiện.

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Vo-quy-hoach-nganh-bia.aspx

Theo Phan Thu/Báo Hải Quan

Bạn có thể quan tâm