Sau nhiều ngày bị tạm giữ về hành vi Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, ngày 6/10, ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, quê Hà Nam) được tại ngoại. Từ đó đến nay, người lái xích lô chở tôn khiến cháu Hoàng (9 tuổi, đi xe đạp va vào, bị tôn cứa cổ tử vong) vẫn chưa hết sợ hãi, ân hận.
Hoang mang, mê sảng nhiều đêm
Từ lúc tai nạn thương tâm xảy ra, dù đã được tại ngoại, sống trong sự chăm sóc, động viên của đồng đội và gia đình nhưng ông Thạch vẫn chưa hết bàng hoàng, ân hận. Với ông, việc vô tình gây ra cái chết cho cháu bé còn khiến ông sợ hãi hơn khi ra chiến trường.
Bà Lê Thị Phương (vợ ông Thạch), kể rằng từ lúc được tại ngoại đến nay, cựu lính Vị Xuyên thường xuyên mất ngủ, ăn rất ít.
"Nhiều đêm đang ngủ, ông ấy bật dậy toát mồ hôi hay ú ớ nói mê sảng, hô xung phong", vợ người lái xích lô chia sẻ.
Còn bà Đinh Thị Kim Lan (chị gái ông Thạch) thì nói em trai vẫn chưa được bình thường, sức khỏe có chiều hướng đi xuống dù bà và em dâu thường xuyên động viên.
"Chú ấy vẫn sợ hãi, tâm lý bất ổn. Đi làm lại chứng minh nhưng chưa được, về nhà cũng mất ăn, mất ngủ hai ngày", bà Phương buồn bã nói.
Gần một tháng sau khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra, ông Thạch vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi. Ảnh: Vân Thanh. |
Theo bà Phương, đến ngày rằm nên từ sáng sớm vợ chồng ông Thạch đã mua hoa quả để đi thắp hương cho cháu Hoàng.
"Mong chữa bệnh cho chồng"
Căn nhà cấp 4 nằm sâu trong ngõ 66 phố Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) có gần 30 đồng đội cùng sư đoàn với ông Thạch ngồi bên nhau hàn huyên, tìm giải pháp giúp gia đình vượt qua hoạn nạn.
Nhận tiền của đồng đội và nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ, bản thân ông Thạch và gia đình tạm thời thay đổi cuộc sống cơ cực. Cựu lính Vị Xuyên chỉ nói được câu cảm ơn, bởi ông vốn kiệm lời, không biết trau chuốt cách ăn nói.
Thay mặt chồng, bà Phương cho biết sẽ sử dụng những đồng tiền được quyên góp đúng mục đích.
"Mong muốn lớn nhất của tôi là được đưa chồng đi chữa bệnh. Từ lúc xảy ra vụ tai nạn, ông ấy thường xuyên kêu tức ngực, khó thở, đau đầu… không ăn, không ngủ được khiến cơ thể bị suy nhược", vợ người lái xích lô nói trong lúc nước mắt lăn dài trên má.
Người phụ nữ quê Hà Nam cho biết sẽ về quê chăn nuôi lợn, gà với hi vọng ông Thạch có thể tìm được sự bình an, quên những chuyện đau buồn đã qua.
Bà Phương khóc, nói lời cảm ơn đồng đội của chồng và những người hảo tâm đã giúp đỡ gia đình mình. Ảnh: Ngọc Diệp. |
Nghe vợ đồng đội tâm sự, ông Kim Văn Thuyết (đại diện cựu chiến binh huyện Thanh Trì, Hà Nội) nhận khám, chữa bệnh cho cựu binh Vị Xuyên bằng thuốc đông y.
Tiếp lời đồng đội, ông Ngọc Thanh Cát nói rằng trước mắt phải giám định thương tật cho ông Thạch. Theo ông Cát, người lái xích lô có giấy chứng nhận bị thương ở cẳng chân trái, chấn thương sọ não khi chiến đấu nhưng đến nay chưa được công nhận thương binh.
Lý giải về chuyện này, ông Thạch bảo: "Tôi không nhớ, không biết gì vì chỉ biết ra quân, có giấy tờ gì là cầm về rồi mang đi cất giữ".
Chiều 23/9, ông Thạch dùng xe xích lô vận chuyển tôn đến đường Tân Mai, quận Hoàng Mai. Tấm tôn có chiều dài vượt hẳn ra ngoài thùng xe. Lúc đó, bé Nguyễn Văn Hoàng (9 tuổi) đi xe đạp đã vô tình va vào tấm tôn sắc nhọn, bị thương vùng cổ. Những người có mặt đã đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng bé trai không qua khỏi.