Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến giờ khi đã có trong tay trang trại nuôi cá tầm, cá hồi rộng khoảng 12.000 m2 với cả chục vạn cá trị giá ước tính 3 – 4 tỷ đồng, bà Vũ Thị Phương (55 tuổi) ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu vẫn đứng ngồi không yên.
Trao đổi với Zing.vn, bà Phượng thành thật kể về chuyện cố làm giàu, nhưng chưa thành của mình.
Bà Vũ Thị Phượng - Chủ trang trại cá tầm, cá hồi ở Lai Châu. Ảnh: Kiều Vui |
Bà Phượng nhớ lại, năm 2012, cả 2 vợ chồng bà đều đến tuổi nghỉ hưu. Vợ là dược sĩ bán thuốc, chồng là lái xe, đồng lương hưu chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng chẳng bõ bèn chi tiêu.
Nhận thấy các khoản thu “không đủ sống”, bà Phượng bàn với chồng mở trang trại nuôi cá hồi, cá tầm – loại cá bà vẫn thường gọi là cá công chúa với mong muốn vừa để tăng thêm thu nhập cho cả gia đình, vừa để tạo công ăn việc làm cho vợ chồng anh con trai lớn.
Với hai bàn tay trắng, bà Phượng cho hay gia đình bà đã phải thế chấp căn nhà ở thành phố Lai Châu để vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng đầu tư xây trang trại này.
“Số tiền ấy chủ yếu để ngăn suối. Chúng tôi phải lo từ việc khai phá suối đến chuyện đền bù cho người dân quanh đây rồi việc hoàn tất thủ tục xin cấp phép mở trang trại. Đất cát, sông suối hoang sơ như thế để san được mặt bằng như bây giờ không phải chuyện đơn giản. Chưa kể mỗi năm chúng tôi mất 1,5 triệu đồng thuế tài nguyên môi trường”, bà Phượng cho biết.
Dẫu vậy, để có được trang trại khang trang như hiện tại, trong nhiều năm qua, gia đình bà vẫn phải vay thêm anh em, họ hàng tiếp tục đầu tư theo năm tháng.
“Đáng buồn là đến giờ chúng tôi vẫn chưa có tiền để trả cho ngân hàng trong khi các khoản vay cứ đẻ lãi ngày một nhiều”, bà Phượng trải lòng.
Bà chủ của trang trại này cho hay, những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm, gia đình bà đã rất vất vả mới có thể gây dựng được trang trại với hơn chục vạn cá như hiện nay.
“Khó khăn lớn nhất của việc nuôi cá là khí hậu, nguồn nước. Người dân càng ngày càng lấn ra ở khu vực này nhiều, xả thải gây ô nhiễm môi trường, rất khó cho chúng tôi nuôi cá”, bà Phượng nói.
Thêm vào đó, loại cá này rất khó nuôi. Sở dĩ chúng được gọi là “cá công chúa” vì chúng rất đỏng đảnh, dễ chết.
“Chúng ẻo lả, hơi tí là chết, chỉ cần có gió lên hay nước suối thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa ngày và đêm cá cũng chết. Riêng với cá hồi, không phải lúc bé cá dễ chết mà ngay cả khi đã lớn hơn 1kg, nó vẫn khó sống”, bà Phượng chia sẻ.
Trang trại nuôi cá tầm, cá hồi hơn 12.000 m2 của gia đình bà Phượng. Ảnh: Kiều Vui |
Theo bà chủ trang trại này, cá đã chết có ăn cũng chỉ 1 – 2 con, còn lại phải vứt đi hết bởi loại cá này lượng đạm cao, chỉ trong vòng 1 – 2 tiếng sau khi cá chết, nhiều khi chưa kịp mang ra đến chợ cá đã ươn phềnh, không ai dám mua.
Hơn nữa, trong đầm chỉ có cá hồi với cá tầm sống được do nước rất lạnh, không thể nuôi xen kẽ các loại cá khác.
“Cho đến giờ chúng tôi vẫn phải tự nghiên cứu, tự đúc kết kinh nghiệm nuôi loại cá này chứ không được đào tạo, học qua trường lớp nào cả. Do vậy, nhiều khi cũng khó khăn chồng chất”, bà Phượng nói thêm.
Bà chủ này dẫn chứng, vào mùa mưa, gia đình bà phải thay nhau trực cả ngày lẫn đêm để xả nước lũ kẻo vỡ ao. Khi trực phải xem nhiệt độ nước, mực nước, cá có bị cuốn vào nước hay không, cá có đủ oxy hay không… Không có lũ vẫn phải trông ngày đêm vì “ở đây trộm cắp đủ trò”.
Vất vả là vậy, nhưng theo chia sẻ của bà Phượng, vào thời kỳ hoàng kim nhất, trang trại này cũng chỉ mang lại cho họ khoảng vài chục tới một hai trăm triệu đồng lợi nhuận coi như “lấy công làm lãi”.
Cá ở đây chủ yếu được bán đi Sapa, Than Uyên (Lào Cai), thành phố Lai Châu (Lai Châu), Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nội.
Giá 2 loại cá trên biến động theo từng thời điểm. Hiện tại ở trang trại này, mỗi kg cá tầm được bán với giá khoảng 160.000 – 170.000 đồng/kg, cá hồi có giá từ 270 – 300.000 đồng/kg. Lên bàn ăn, mỗi kg cá hồi có giá khoảng 500.000 đồng, cá tầm 350 – 400.000 đồng.
“Giá cá phụ thuộc vào khí hậu. Nếu trời nắng nóng, cá chết nhiều, lượng cá trở nên khan hiếm thì giá sẽ đắt lên và ngược lại, vào mùa đông, trời lạnh cá sẽ rẻ hơn. Chúng tôi chưa tìm được mối xuất khẩu cá ra nước ngoài nên giá còn bèo bọt”, bà Phượng cho biết.
Giấc mộng đổi đời bỗng chốc trở nên xa vời, thậm chí đứng trước nguy cơ tan biến khi vào năm ngoái, gia đình bà Phượng chịu lỗ nặng vì cá chết hàng loạt, thiệt hại ước tính gần tỷ đồng. Nguyên nhân do thiếu nước và khí hậu nóng.
Thua lỗ cả gần tỷ đồng, nhưng gia đình bà Phương vẫn chưa tìm được lối thoát từ trang trại này. Ảnh: Kiều Vui |
Dù vậy, bà Phượng cho hay: “Chính quyền địa phương không có hỗ trợ nhiều, chỉ không nhũng nhiễu, còn lại chúng tôi phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Chúng tôi cũng không nhận được bất kì ưu đãi nào như cho vay vốn ưu đãi…”.
Và hộ nhà bà Phượng không phải là trường hợp duy nhất gặp khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Trong vòng 1 – 2 km gần khu vực nhà bà có khoảng 3 hộ nuôi 2 loại cá này còn cách đó vài chục km thì số hộ theo đuổi mô hình này còn nhiều hơn. Tuy nhiên, hầu hết các hộ đó nuôi cá trong khe đồi, khe núi, rất khó tìm.
Tất cả đều đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình để những công sức, mồ hôi, nước mắt của họ được đền đáp xứng đáng.
“Từ bỏ thì lấy gì mà ăn? Thua keo này ta bày keo khác chứ giờ bỏ ra tiền tỷ mà bỏ dở giữa chừng thì…chết. Vì cuộc sống mưu sinh giờ chúng tôi phải cố đâm lao theo lao. Cả đại gia đình tôi – mấy thế hệ giờ trông chờ vào vựa cá này”, bà Phượng trăn trở trước khi dừng lời chia sẻ câu chuyện làm giàu chưa thành của mình.
Là tỉnh có địa hình chủ yếu núi cao, hệ thống sông suối phong phú, độ dốc lớn, có nguồn nước lạnh phù hợp cho phát triển cá hồi, cá tầm, tuy nhiên, việc nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu trong thời gian qua vẫn mang tính tự phát, mô hình nuôi nhỏ lẻ, manh mún, chưa áp dụng được công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh này có 4 huyện có tiềm năng lớn về nuôi cá nước lạnh đó là: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ và Tân Uyên. Trong đó, Tam Đường có 6 khu vực có thể phát triển và mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh.
Ông Bùi Quang Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường từng khẳng định: “Huyện đã và đang tạo mọi điều kiện tốt nhất như: hỗ trợ đất, mặt bằng để các tổ chức cá nhân có nhu cầu đầu tư nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện”.
Thế nhưng, có vẻ như mục tiêu thúc đẩy nghề nuôi cá nước lạnh trở thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu của tỉnh này vẫn chỉ nằm trên giấy.