Võ Hoài Nam: 'Vợ là món quà lớn nhất của cuộc đời'
Anh chia sẻ, với những người đàn ông khác, tình thương với con thường nhiều hơn vợ, nhưng với anh, vợ là món quà lớn nhất của cuộc đời dành tặng cho mình.
Đang dở câu chuyện giữa hai anh em thì cậu cả Hoài Vũ của anh đi học về, bật đèn lên để học, anh mới giật mình: "Ừ, học bài à con, mai kiểm tra rồi đấy. Mà dạo này đề cương hay cho đánh đố lắm, cho thế này mà lại ra đề thế khác". Anh cười khi tôi hỏi, con anh trông rất ngoan hiền, nhưng chỉ ngoan hiền khi có mặt anh thôi, còn ra ngoài cũng không để ai bắt nạt được, bắt nạt còn bị đánh cho ấy chứ.
“Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, với ai thì còn thế này thế nọ nhưng với anh thì kể ra không sai. Nói dạy vợ thì hơi ngoa, nhưng mà từ lúc lấy nhau, cô diễn viên múa xinh đẹp một thời thậm chí nấu cơm bằng nồi cơm điện cũng bị nát, đến giờ mười mấy năm làm bếp chính quán nhậu cũng là do học chồng mà ra cả. Đắng cay cùng chịu, thất bát cùng qua, suốt bao nhiêu năm, có chuyện gì mà vợ chồng không trải qua. Vì thế, họ lại càng trân trọng nhau hơn.
NSƯT Võ Hoài Nam trải lòng về cuộc sống hiện tại. |
Tôi hỏi anh, điều cảm nhận về vợ sau ngần ấy chuyện đã qua, anh chỉ trả lời một câu: "Anh không còn cảm được nữa. Một người đàn bà đã như là máu thịt, đã hòa làm một với anh rồi thì không còn có thể cảm nhận được nữa". Lại thêm sự so sánh, với những người đàn ông khác, tình thương với con thường nhiều hơn vợ nhưng khi tôi hỏi, anh bảo vợ mới chính là món quà lớn nhất mà cuộc đời dành cho anh.
Vợ là thứ nhất rồi mới đến con. Trong cuộc sống vợ chồng, phải đạt được sự đồng thuận thì mọi việc mới có thể qua được, cho dù là việc khó khăn nhất. Từ kiếm tiền, trang trải cuộc sống, đối nội đối ngoại rồi chăm sóc con cái, đưa đón con đi học, kiểm tra bài vở.
Đã là vợ chồng rồi thì không nên tính toán hay phân chia. Người này đều có thể đảm nhiệm việc của người kia, lúc vắng cha thì có mẹ lo toan, lúc vắng mẹ thì cha lại là người thay thế. Tiền nong cũng vậy, thậm chí khóa két trong nhà thế nào anh cũng không biết, hết tiền thì lại xòe tay ra xin vợ thôi. Công việc ở xưởng phim không bị giới hạn về thời gian, anh có nhiều thời gian để quan tâm đỡ đần vợ con.
Làm anh trông xe, trông vợ và cả trông con nữa. Anh tâm sự, "Môi trường quán xá là môi trường tốt nhất để dạy dỗ các con. Đủ hạng người, từ cán bộ biến chất, ma cô, đĩ điếm, xăm trổ, ăn tục nói phét, hút thuốc, đánh nhau chửi nhau đủ cả. Cho các con tiếp xúc, nhìn vào rồi từ đó mới định hướng cho các con xem cái nào tốt, cái nào cần phải tránh đi.
Nếu mình hút thuốc mà cứ phải chạy ra ngoài, đến khi con nó ngửi thấy mùi thuốc, nó tò mò, nó hút thử rồi nó lại hỏi vì sao bố hút nhiều thế, nó cứ hút theo rồi thành nghiện. Tốt nhất cứ để cho nó nhìn, nó thấy rồi cho nó biết rằng, cũng chẳng hay ho gì". Bất chợt, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh một cái "lò luyện đan" mà chính anh đang tôi luyện cho các con mình trước những cám dỗ của cuộc đời.
Nói như vậy thì hơi quá, tôi nhìn cách anh nói chuyện với con, cái cách hai bố con ngồi cạnh nhau như hai người bạn đầy yêu thương và cũng nhiều phần chiều chuộng. Có gần gũi, có hiểu được con thì có chuyện gì nó mới dám kể ra cho mình biết, còn biết đường mà điều chỉnh.
Trong nhà phải có cái nóc, mà cái nóc nhà anh là cái nóc đổ bê tông ba bốn lượt, chắc chắn lắm, mưa nắng không tới, bão bùng cũng chịu phải bỏ qua. Khi vui thì tếu hài, bỗ bã, nhưng khi cần, chỉ cần ba nói một tiếng là phải nghe theo. Không nghe theo là cứ thế nhè vào mông, mắc áo mà đánh.
Nói tới đánh con, anh cười rồi quay ra hỏi cậu cả đang ngồi ở bàn học: "Em thử hỏi xem, đời anh, anh đánh con được bao nhiêu lần rồi? Anh quan niệm đánh con không xấu, mà quan trọng đánh như thế nào, đánh bằng thứ gì, mục đích là để dạy dỗ chứ không phải đòn thù, đánh nó đau một thì mình cũng đau mười chứ sung sướng gì". Nói thế, nhưng tôi hiểu, có lẽ chẳng mấy khi anh dùng tới phương thức dạy dỗ cổ truyền này.
Gia đình đầm ấm hạnh phúc của NSƯT Võ Hoài Nam. |
"Bao bọc, cưng nựng con là… ngu xuẩn"
Tính anh hay lo, thực ra kiếm tiền để nuôi sống gia đình không phải là vấn đề quá khó. Muốn thì anh vẫn có thể nhàn nhã kiếm, nhưng thành cái tính rồi, không bỏ được. Sợ nhãng ra rồi thành thói quen, rồi lại thành cái tật, không lường trước được. Đến giờ thì vẫn còn vất vả lắm.
Một vợ, sắp tới là bốn con, đâu phải chỉ là chuyện kinh tế đâu. Anh nói rồi cứ thế cười ha ha. Không khí trò chuyện bỗng nhiên chùng xuống khi tôi hỏi: Anh có hận ba mẹ anh không? Anh chỉ im lặng, thay cho câu trả lời là: Dù vô tình hay cố ý, cũng phải nên có trách nhiệm với những gì mình đã làm ra, cho dù đó chỉ là sản phẩm lỗi. Anh dụi điếu thuốc và im lặng.
Có phải vì thế mà anh dành tất cả những gì mình có được cho vợ con và mái ấm nho nhỏ của mình?
Càng trải qua mất mát, con người ta lại càng trân quý những gì mà mình đang có trong tay. Tôi hiểu được, vì sao khi anh nói: Danh hiệu với anh không quan trọng, mà quan trọng là con đi học lúc nào, về lúc nào, tiền học hành thêm nếm, tiền sách vở cho con mới là quan trọng. Anh thà bị lãng quên trong lòng người chứ nhất định không xao lãng chuyện vợ con. Những điều anh nói là sự thực, là xuất phát từ trong đáy lòng mà ra.
Được lúc, câu chuyện hai anh em lại trở về. Hỏi tiếp về chuyện bao bọc con, anh bảo đó là điều ngu xuẩn nhất mà anh từng biết. Có tới 90% các gia đình ở Hà Nội bọc con trong trường lớp, cưng nựng và tránh tiếp xúc với thực tế, thành ra có thời gian bọn trẻ lại cắm mặt vào điện tử, có ngờ đâu đó mới là khởi nguồn của các thói hư tật xấu. Các con anh, anh tập cho lao động từ nhỏ. Phụ giúp ba mẹ trông coi quán xá, không phải vì thiếu người mà bởi muốn tập cho các con biết yêu lao động và trân trọng đồng tiền kiếm được.
Khi biết ba mẹ đã phải vất vả như thế nào, tự nhiên tình cảm trong gia đình cũng được thắt chặt hơn. Ngay như cô con gái út, giờ mới 5 tuổi cũng phải ra phụ, cho dù chỉ để bưng ra cho khách cái gạt tàn, ra lấy vào mấy cái khăn. Có thể với đứa trẻ 4 tuổi thì hơi nặng, nhưng 5 tuổi thì không. Có vất vả nhưng cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe gì của cháu cả. Tùy theo độ tuổi mà làm, mà học.
Anh hay hình dung cho tôi về những món ăn để nói về đời mình. Thiếu đi cái này, cái kia thì thà không nấu còn hơn, chứ nấu ra rồi, lợt lạt, hụt hẫng thì lại mang tiếng ra. Cuộc sống cũng đơn giản như một món ăn thôi, phải biết điều hòa. Dù là vợ chồng, dù là con cái, lúc phải thêm cái này, bớt cái kia, nước sôi thì nhỏ lửa, canh lạnh thì cần ủ nóng thêm,... để đạt được sự hài hòa đó thì mỗi người phải biết hãm cái tôi lại. Cái câu: Tôi muốn, tôi cần, tôi thích nên thay bằng: Bạn muốn, bạn mong điều gì đối với cả người bạn đời và con cái.
Dù chỉ là những việc nhỏ nhất thôi, nhưng cũng là sợi dây bền vững và keo kết cả gia đình lại trong một mối. Võ Hoài Nam giàu gì thì tôi không biết, tôi chỉ biết trước mắt mình là một người cha, người chồng thực thà giàu có. Cái giàu có mà không phải ai cũng có được: Giàu tình thương và tình yêu. Có vậy mới giữ được hạnh phúc qua muôn vàn bão giông, để làm được những điều mà người đời phải ngưỡng phục.
Võ Hoài Nam tâm sự: "Hai vợ chồng mở cửa hàng, quán cà phê rồi quán nhậu kinh doanh, nhờ cái lộc bạn bè quý mến, cũng được đồng ra đồng vào. Được một thời gian, lại bồng bế vợ con vào Sài Gòn sống. Đất Sài Gòn cởi mở, kiếm được nhiều nhưng cũng có nhiều cái mất mát, anh em bạn bè hiểu nhầm nhau, vợ chồng lại thêm lần nữa bồng bế nhau về Bắc. Mở quán nhậu, thu nhập ổn định, rồi cũng mua được đất cát đầy đủ, lên tới 2.000m2 đất ở ngoại thành, đất giờ có giá, bán đi không mua được biệt thự thì cũng có thể gọi là nhà cao cửa rộng". Nhưng cái tính anh nó vậy, vợ chồng cứ ở nhà thuê, mãi cho tới gần đây, mua được 1 căn nhà tập thể nho nhỏ ở Kim Liên, sửa sang lại cho tươm, thậm chí còn chưa kịp chuyển về ở hẳn, cứ đi đi lại lại giữa hai nhà.
Theo Eva