Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ của chiến sĩ chi viện TP.HCM: 'Việc nhà cứ để em lo'

Lo lắng xen lẫn tự hào là cảm xúc chung của người vợ ở hậu phương. Tất cả đều mong dịch bệnh nhanh kết thúc để những người chồng, người cha của gia đình họ sớm trở về.

Khoảng 16h ngày 20/8, vừa dỗ cô con gái Min (4 tuổi) đi ngủ vì bé mải chơi, quậy cả buổi trưa, Vũ Thảo Vy (sinh năm 1995, Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại của chồng.

“Em à, anh được điều động vào TP.HCM làm nhiệm vụ, 11h ngày mai sẽ bay”, chồng cô - Tào Anh Đức (sinh năm 1991, học viên cao học tại Học viện Quân y) - thông báo.

Vy ngỡ ngàng. Nghe giọng chồng, cô biết anh đang rất nghiêm túc. Không kịp nghĩ ngợi nhiều, Vy nhanh chóng bỏ ít đồ dùng cá nhân, thức ăn khô vào vali rồi phóng xe 20 km đưa tới cho chồng.

Đón cô ở cổng Học viện, anh cười tươi rói, trêu chọc vì biết chỉ cần tỏ ra bịn rịn một chút thôi là bà xã sẽ khóc. Hai vợ chồng có một tiếng ăn cơm, trò chuyện vì khoảng 19h, Đức phải tập trung.

Đến giờ chia tay, hai vợ chồng đứng trước cổng Học viện, chào nhau theo phong cách nhà lính, chẳng dám ôm vì sợ lưu luyến.

“Từ lúc yêu đến khi cưới, tôi đã quen với cảnh anh công tác xa nhà. Nhưng lần này, cảm xúc trong tôi thực sự khác, đi cùng nỗi nhớ nhung là quá nhiều sự lo lắng”, Thảo Vy nói với Zing.

Chuyến đi chưa biết ngày về

Tào Anh Đức là một trong số 1.400 cán bộ, chiến sĩ của Học viện Quân y được điều động vào TP.HCM để hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19. Khoảng một tháng qua, anh không được gặp vợ con vì phải sinh hoạt tập trung tại Học viện, trau dồi nghiệp vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine Covid-19.

Là giáo viên công tác tại một trường cấp 2 gần nhà, thời gian qua, một mình Thảo Vy vừa lo việc dạy học online cho học sinh, vừa phải quán xuyến việc nhà, chăm sóc con gái.

Tối trước ngày lên đường, Đức và đồng đội cạo đầu cho nhau để tiện làm nhiệm vụ. Nhìn ảnh chồng gửi, nước mắt Vy lặng lẽ trào ra. Tuy nhiên, dù bao cảm xúc đang ngổn ngang trong lòng, cô biết điều cần làm lúc này là động viên, cổ vũ để ông xã yên tâm. Cô cũng dặn mẹ chồng như vậy vì bà hay mau nước mắt.

Từ ngày Anh Đức đi, hai vợ chồng chẳng ai bảo ai, đều chủ động gọi video cho người kia để nắm được tình hình.

Nghe chồng kể có hôm lấy mẫu xét nghiệm ở một chung cư, 180 người thì có tới 30 người dương tính với SARS-CoV-2, Vy càng hiểu rõ tình hình phức tạp của dịch bệnh cũng như sự cần kíp của những lực lượng tuyến đầu như chồng mình.

“Tôi hiểu anh đang làm nhiệm vụ vì đất nước, vì nhân dân nên luôn động viên, nhắn anh cố gắng”.

Hau phuong cua luc luong quan y chi vien TP.HCM anh 5

Mỗi ngày, Anh Đức tận dụng thời gian gọi điện chia sẻ, hỏi thăm vợ từ nơi tuyến đầu.

Quen nửa kia từ thời đại học, Vy gọi chuyện tình của mình là “yêu từ cái nhìn đầu tiên”. Cùng tốt nghiệp, cùng đi làm, đôi trẻ về chung một nhà vào năm 2017 khi sự nghiệp cả hai bắt đầu ổn định.

“Đối với tôi, anh ấy là người rất tình cảm, chu đáo. Do đặc thù công việc, anh luôn tranh thủ mỗi khi có thể về thăm vợ con, có lúc 23h hôm trước về, 4h hôm sau đã lại phải đi. Bởi vậy, tôi và con luôn tự hào về anh, bé Min lúc nào cũng bi bô ‘bố con là bộ đội, bố con là bác sĩ’”.

Thời gian này, Min rất hiểu chuyện, thường tự chơi ngoan để mẹ làm việc, đợi mẹ dạy online xong là nhào vào ôm, hôn má. Thi thoảng bố gọi về, Min hồn nhiên hỏi: “Bố ơi, bố đi đâu sao lâu về thế?”.

“Dù chuyến đi của anh chưa biết ngày về, dù còn nhiều khó khăn trước mắt, anh cố gắng, tôi cũng cố gắng để trở thành hậu phương vững chắc. Anh cứ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, việc nhà đã có tôi lo”.

Lên đường khi vợ sắp sinh

“Ôi người to quá rồi, phấn đấu tới lúc anh về là người bé lại nhé”, Trần Thị Kim Ngân (sinh năm 1991, Hà Nội) nhớ lại câu nói đùa của chồng trước khi anh tạm biệt cả nhà, vào TP.HCM chống dịch.

Anh Trần Thanh Tuấn (sinh năm 1987), chồng chị Ngân, công tác tại khoa Gây mê, Viện Bỏng Quốc gia. Ngày 23/8, anh cùng các đồng đội xuất phát vào TP.HCM, đúng thời điểm vợ đang ở tuần cuối của thai kỳ, gần tới ngày sinh em bé thứ hai.

“Mình có chuẩn bị tâm lý từ trước là anh nhà có khả năng được huy động bất cứ lúc nào. Nhưng đến khi nhận được tin chính thức, mình vẫn khóc quá trời, do cơ thể khá mệt cộng với tâm lý mẹ bầu dễ nhạy cảm. Những thời điểm quan trọng như sinh đẻ, phụ nữ ai cũng cần có chồng ở bên”.

Điều chị Ngân nói đồng nghĩa với việc người cha sẽ không có cơ hội chứng kiến ngày thành viên mới ra đời. Dự định cho bố “tháp tùng” mẹ vào viện, áp da con lúc mới sinh cũng đành gác lại.

“Lần sinh đứa đầu tiên, anh cũng bận rộn công việc, bà nội và bà ngoại chủ yếu phụ giúp mẹ. Lần này, anh nói sẽ dành nhiều thời gian hơn nhưng cuối cùng đành xin lỗi vì ‘thất hứa’ với vợ”, chị Ngân cho hay.

Sinh nhật cậu con trai cả vào cuối tháng 8, anh Tuấn cũng không thể có mặt chúc mừng như mọi năm.

“Chưa biết bao giờ dịch kết thúc, khả năng khi em bé vài tháng tuổi, bố mới được gặp con lần đầu tiên”, người vợ nói.

Tuy nhiên, cảm giác tủi thân chỉ đến lúc đầu. Qua hôm sau, chị Ngân lấy lại được tinh thần, tâm thế vui vẻ. Có chồng là bác sĩ, chị vốn quen với những lần anh có việc đột xuất, phải hy sinh thời gian dành cho gia đình.

"Khi thấy mình khóc, chồng dỗ dành và động viên nhiều, nhắn nhủ vợ 'không phải lo cho anh đâu'. Bản thân anh vốn luôn sẵn sàng đi trợ giúp tuyến đầu", chị Ngân cho hay.

Tối trước hôm lên đường, anh Tuấn về nhà, chuẩn bị nốt hành lý, tư trang, thay quân phục.

"Lo nghĩ hay buồn tủi qua rất nhanh, sau đó là sự tự hào và vinh dự ở trong lòng, nhất là khi thấy anh trong màu áo lính. Từ đó, mình cũng tự nhủ nên thật lạc quan và vững vàng để chồng yên tâm công tác".

Trước khi lên đường, cả nhà chụp ảnh ghi lại kỷ niệm đáng nhớ. Bé Anh Khang (5 tuổi) lần đầu thấy bố diện quân phục, ánh mắt lộ rõ sự tò mò. Cậu nhóc bình thường rất quấn bố.

“Thằng bé còn trẻ con, chưa hiểu hết mọi chuyện. Nghe mẹ nói là bố đi công tác, em cũng chỉ biết là sẽ phải xa nhau một thời gian và gật đầu vâng lời khi bố dặn ở nhà nhớ ngoan ngoãn, phụ mẹ chăm sóc em”.

Ông bà nội cũng có mặt để tiễn con trai. Ngày hôm trước, cả hai cùng kết hợp cắt tỉa gọn gàng, nhuộm lại mái tóc cho anh Tuấn.

“Ông trước cũng làm trong quân y nên thấy con trai đi chi viện cũng xúc động lắm. Cả hai chào hỏi, động viên nhau như hai người đồng chí”.

Chị Ngân tự nhận bản thân vẫn may mắn hơn nhiều người khác. Cận kề ngày sinh, chị yên tâm khi đã có nhà chồng hỗ trợ.

“Trước giờ, có chồng làm ngành Y nên các điều kiện sức khỏe, y tế mình có vốn đã rất tốt. Mọi thứ trọn vẹn ai cũng muốn nhưng giờ phải chịu vất vả, thiếu thốn một chút cũng không sao cả.

Mẹ chồng mình là người thật sự rất tuyệt vời. Em chồng thì đề đạt nguyện vọng đưa chị đi sinh, cho bà nội ở nhà nghỉ ngơi".

Hiện tại, mong muốn lớn nhất của chị là hạ sinh thành công, mẹ tròn con vuông.

"Mình coi thời điểm này là ký ức đáng nhớ. Sau này, khi em bé lớn lên, mình sẽ có chuyện để kể lại cho con về những ngày mới lọt lòng", chị chia sẻ.

Người nghi mắc Covid-19 chắp tay cám ơn khi được gửi quà động viên

"Thấy anh ngồi một mình thương quá nên chả ai bảo ai, cư dân ở khu phố đã đem ít đồ gửi tặng, động viên anh", Hoàng Long, người quay clip, cho hay.

Trà My - Ánh Hoàng

Bạn có thể quan tâm