Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ cũ Thanh Bạch hụt hẫng vì nỗi đau gia đình

"Không chỉ mắng nhiếc nuôi ong tay áo, họ còn nghi tôi ăn cắp đồ. Ông dượng chỉ thẳng mặt tôi, bảo rằng: Tao biết má mày nghèo. Mày muốn mua gì thì xin, đừng có học cái thói ăn cắp vặt của những đứa nghèo", Xuân Hương nhớ lại.

Vợ cũ Thanh Bạch hụt hẫng vì nỗi đau gia đình

"Không chỉ mắng nhiếc nuôi ong tay áo, họ còn nghi tôi ăn cắp đồ. Ông dượng chỉ thẳng mặt tôi, bảo rằng: Tao biết má mày nghèo. Mày muốn mua gì thì xin, đừng có học cái thói ăn cắp vặt của những đứa nghèo", Xuân Hương nhớ lại.

Xuân Hương

Ký ức tuổi thơ, đấy là quãng thời gian mà tôi không thể nào quên. Nó rất dữ dội.

Năm 6 tuổi, tôi ở trọ nhờ nhà người dì vì gia đình đi tản cư nơi khác, bố một nơi, mẹ một nơi. Cơm ăn ngày hai bữa, chẳng bao giờ tôi được no bụngg, còn khóc thì khóc đầy, mỗi ngày ba lần. Họ xem mình còn tệ hơn cả người ở. Nhà dì rất rộng, ba gian trên, bốn gian dưới, vườn cây, ruộng rau, ao cá, và cả việc chăm sóc heo, gà, vịt... Mọi việc họ đều giao hết cho tôi.

Kế nhà, có thêm cái quán nước kiêm cây xăng bề ngang 8m. Sáng nào cũng vậy, tôi phải thức dậy lúc 5h sáng dọn quán. Tôi lăn cả thùng phi xăng từ nhà ra quán, sau đó phải dùng miệng hút xăng, châm vào thùng chứa nhỏ. Nhiều lần bị ngộp hơi xăng, khó chịu trong cuống phổi, tôi nước mắt giàn giụa nhưng vẫn phải làm. Tối đến ngả lưng xuống giường, người đau nhức, xương kêu rôm rốp.

Không chỉ mắng nhiếc là nuôi ong tay áo, họ còn nghi tôi ăn cắp đồ trong gia đình. Ông dượng chỉ thẳng mặt tôi, bảo rằng: "Tao biết má mày nghèo. Mày muốn mua gì thì xin, đừng có học cái thói ăn cắp vặt của những đứa nghèo, nghe chưa". Nghe xong, nước mắt tôi tuôn xối xả. Nhiều lúc mệt quá ngủ gục trong quán, sau đó hoảng hồn tỉnh dậy, thon thót tim nhìn xung quanh vì nếu lỡ bị phát hiện, thế nào tôi cũng sẽ bị một trận đay nghiến tận xương tủy. Ly nước chanh trị giá 5 đồng bạc, tôi thèm lắm. Cứ chăm chăm nhìn người khác uống mà nước miếng mình nuốt ừng ực.

Được bà nội cho ba trăm đồng bạc dằn túi, tôi xin má đem số tiền đó mua chục gà con về nuôi, với mục tiêu sau này đàn gà lớn sẽ đem bán, lấy tiền mua quần áo mặc. Thấy tôi mang gà về, ông dượng quát lên: "Đã nuôi người, nay lại còn nuôi thêm súc vật. Mày muốn phá của nhà tao sao?". Từ đấy trở đi, cứ hễ thấy con gà nào của tôi bước vào nhà, ông dượng đều lấy đồ chọi chúng, cho chết mới thôi. Chúng cứ chết lần lượt, chỉ còn đúng một con, nặng hơn 1 ký lô. Tôi về nhà má chơi tuần lễ. Lúc trở lên, không thấy con gà đâu. Hỏi ra mới biết, ông dượng làm thịt nó nhậu rồi. Chẳng còn biết làm gì hơn, tôi đứng khóc và nhịn đói mấy ngày sau đó.
Cuộc đời tôi quá nhiều lăn lóc, lúc nào cũng xù xì. Càng lớn tôi càng nhận ra một điều, con người chúng ta sinh tồn rất mãnh liệt. Nghĩa là, dù trong điều kiện sống có khắc nghiệt như thế nào đi nữa, con người cũng tìm cách khắc phục nó.

Dù cuộc đời của tôi có như thế nào, tôi vẫn tin và yêu nó. Tôi không nhuộm đen mình bằng những thù hằn. Nhờ biết cười mà tôi mới có thể sống sót đến tận bây giờ. Cả cuộc đời chỉ toàn nước mắt, tiếng cười quá hiếm hoi nên tôi muốn mang niềm vui đến khán giả, để tôi thấy cuộc đời vẫn còn những niềm vui, khuôn mặt rạng rỡ.

Từ chỗ bị coi thường, tôi tự nhủ phải học cho thật giỏi. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi là một người học hành rất tích cực. Lúc theo học lớp đạo diễn bên Liên Xô (cũ), tôi là người Việt Nam duy nhất được bằng đỏ của cả khóa học. Tôi nhớ môn Mỹ học, cô giáo yêu cầu, nếu ai làm tiểu luận sẽ được 5 điểm. Tôi xung phong làm ngay bài tiểu luận dày 25 trang, với chủ đề "Cái đẹp trong nghệ thuật".

Ấn tượng nhất là lần tôi phải đứng trước nguyên hội đồng giáo viên, bảo vệ quan điểm của mình. Kết quả, tôi giành 5 điểm tuyệt đối. Chính sự tích cực trong học hành đã giúp cho những kiến thức tích cóp được trở thành hành trang vững chắc cho tôi.

Mặc dù biết nghề y là một nghề cao quý, tôi vẫn không muốn thi. Tôi từ chối vì nhận thấy cuộc đời này đã quá đau khổ, không muốn vào bệnh viện chứng kiến thêm những mảnh đời bất hạnh nữa.

Trong ba chị em gái, tôi là người có năng khiếu nhất. Mặc dù ba rất mong muốn con mình theo nghề, nhưng chẳng bao giờ ông thể hiện điều này trước mặt tôi cả. Mỗi lần nghe tôi thổ lộ ước mơ chọn nghiệp diễn, câu đầu tiên mà ông thường thốt lên là: "Trời ơi, con làm ơn soi gương xem lại sắc đẹp của mình đi. Con định gây sốc cho mọi người sao?".

Tôi định qua xưởng phim Giải Phóng học về máy móc làm phim. Ở đó, khi rảnh rỗi tôi bắt đầu tập tành viết kịch bản. Vở kịch đầu tiên, tôi viết theo thể loại náo kịch, hưởng ứng xóa giặc dốt. Vở thứ hai chống đầu tư tư sản... Cả hai vở khi công diễn, đều được đánh giá cao. Thấy vậy mấy cô chú trong xưởng - vốn là bạn thân của ba tôi - đứng ra xin hộ cho tôi theo nghề. Tình cờ, trường Sân khấu (nay là Cao đẳng Sân khấu), tuyển sinh bổ sung một người vào lớp đạo diễn. Tôi tham dự và trúng tuyển.

Khi làm vở Những người thích đùa, tôi lo lắm. Nhưng lo cũng phải làm. Tôi làm vì lòng tôi liên tục thôi thúc, và tôi biết khán giả cũng đang mong chờ. Thực ra, khi bắt đầu làm chương trình, tôi chẳng có áp lực gì hết. Nhưng càng bước đi, áp lực càng nặng. Tôi sợ rằng, sẽ không đáp ứng được điều mà khán giả chờ đợi. Kế đó, sợ chương trình bị thất bại, liệu khi ấy mình có đủ sức theo nghiệp diễn nữa không hay "lão lai tài tận". Áp lực tâm lý cộng với sức ép công việc quá nặng, lúc nào cũng chực chờ quật ngã tôi.

Trước khi đưa vấn đề xã hội ra để khán giả cười, bản thân tôi phải khóc đầu tiên. Khóc vì những nỗi đau. Tại sao thế kỷ 21 mà vẫn tồn tại những điều trớ trêu, người dân của mình còn phải chịu cảnh như vậy đến bao giờ. Để biến những vấn đề nghiêm túc, khô khan và gai góc như vậy thành tiếng cười không phải dễ. Sở dĩ tôi làm được vì ngay từ nhỏ, tôi đã phải sống và lớn lên trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Chính từ những bất công đó đã tiếp sức cho tôi vượt lên nỗi khổ, nhìn thấy tiếng cười đằng sau.

Hào quang danh vọng chẳng là gì cả. Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để chọn gia đình. Với tôi, gia đình là tất cả. Đó là lý do vì sao suốt một thời gian dài tôi im hơn lặng tiếng để "củng cố" gia đình mình.

Tôi không hay hối tiếc. Tôi chỉ hối tiếc khi những điều mình làm trái đạo lý. Tình cảm cho đi không được nhận lại, hoặc nhận lại bằng sự phũ phàng đau đớn, âu đó cũng là nỗi đau của mình. Đau lắm chứ, nỗi đau đó làm tôi hụt hẫng và mất mát nhiều, quan trọng hơn là cảm thấy mình bị xúc phạm.

Tôi sống nội tâm và rất nhạy cảm. Chỉ cần vết xước nhỏ thôi cũng đủ khiến cho trái tim tôi rỉ máu. Tôi đau rất nhiều khi phát hiện ra chuyện gia đình mình như con trăng khuyết, mờ ảo. Suốt một thời gian dài chịu đựng, trái tim tôi lúc nào cũng run lên vì vết thương cứ liên tục bị xát muối. Một sự bơ vơ, trống trải. Tôi có cảm giác như mình rơi hoài xuống đáy vực thẳm mà không có điểm dừng...

Theo Sinh viên Việt Nam

Theo Sinh viên Việt Nam

Bạn có thể quan tâm