Bà Martine Moise - phu nhân của cố Tổng thống Haiti Jovenel Moise - xuất hiện trong chiếc áo khoác áo chống đạn tại sân bay thủ đô Port-au-Prince, Haiti hôm 17/7. Bà đeo đai treo đỡ cánh tay phải bị thương. Ảnh: AP. |
Thủ tướng lâm thời Claude Joseph và các quan chức Haiti khác đã đón bà Martine Moise. Ảnh: AP. |
Trước đó, ngay sau vụ tấn công, bà Moise đã công kích các kẻ thù của chồng mình. Bà tố cáo các thế lực này đã “giết chết ước mơ, tầm nhìn và tư tưởng” của cố tổng thống. Ảnh: AP. |
Bà Martine Moise được đoàn xe hộ tống sau khi trở về Port-au-Prince 10 ngày sau khi chồng của bà, Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát tại tư dinh ngày 7/7. Ảnh: AP. |
Đầu tuần này, bà Moise đã đăng lên Twitter từ bệnh viện Jackson Memorial, Mỹ, thừa nhận rằng nỗi đau mất đi người chồng gắn bó suốt 25 năm “sẽ không bao giờ qua đi”. “Đến giờ, tôi vẫn không tin chồng tôi đã ra đi ngay trước mắt tôi mà không nói lời cuối cùng”, bà Moise viết. |
Sự trở về không được báo trước của bà Martine Moise khiến nhiều người bất ngờ khi đất nước hơn 11 triệu dân vẫn đang quay cuồng sau vụ ám tổng thống. Biểu tình diễn ra rải rác ở thủ đô Haiti những ngày gần đây, trong bối cảnh nước này đang thiếu nhiên liệu và bất ổn sau vụ ám sát Tổng thống Moise. Theo Reuters, một số người biểu tình đốt cháy lốp xe ngay giữa những con phố đông đúc ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti hôm 12/7, những nơi vốn vẫn yên tĩnh sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise gây chấn động nước này kể từ ngày 7/7. Ảnh: AP. |
Khói mờ mịt trên đường phố Haiti do người biểu tình đốt lốp xe phản đối tình trạng bất ổn sau vụ ám sát Tổng tống Moise. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, gần như tất cả trạm xăng ở Port-au-Prince đã bị đóng cửa. Người dân xếp hàng dài bên ngoài một vài trạm xăng còn hoạt động để tranh nhau mua nhiên liệu. Ảnh: Reuters. |
Người dân Haiti trả tiền mua xăng ở một trạm hiếm hoi còn mở cửa. Họ cho rằng các băng đảng xã hội đen là bên chịu trách nhiệm vì kiểm soát nguồn cung nhiên liệu chính. Bên cạnh đó, những kẻ đầu cơ cũng tranh thủ cơ hội này đem xăng dầu ra bán ở chợ đen, càng làm tê liệt nguồn cung nhiên liệu ở thủ đô Haiti. Ảnh: Reuters. |
Cảnh sát được triển khai ở thủ đô Port-au-Prince để đối phó với tình trạng biểu tình hôm 12/7. Ảnh: AP. |
Bên ngoài tòa nhà chính phủ, một đám đông nhỏ tập trung tại đài tưởng niệm dựng tạm để đặt hoa, thắp nến trắng và treo cờ Haiti trước bức ảnh của Tổng thống Moise. Ảnh: Reuters. |
Damy Makenson, nhân viên văn phòng 30 tuổi, từ từ đến gần đài tưởng niệm, đặt một vài bông hoa và trịnh trọng làm dấu thánh giá. "Ông ấy qua đời khi nỗ lực xây dựng lại Haiti, và tôi muốn bạn biết rằng những ý tưởng của ông ấy vẫn còn mãi", Makenson nói. Ảnh: Reuters. |
Cảnh sát đứng gác trước cổng Đại sứ quán Mỹ tại Haiti ngày 9/7, trong khi người dân tập trung ở đây yêu cầu được tị nạn sau cái chết của tổng thống. Tại New York, Đại sứ Haiti tại Liên Hợp Quốc Antonio Rodrigue hôm 14/7 kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ. "Vào thời điểm bất ổn này, Haiti cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế hơn bao giờ hết", ông nói với 193 thành viên Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters. |
Cảnh sát đứng gần một bức tranh tường vẽ Tổng thống Haiti Jovenel Moise. Tổng thống Moise bị ám sát tại nhà riêng vào sáng sớm ngày 7/7. Chính quyền nước này cho rằng nhóm sát thủ bao gồm 26 người Colombia và 2 người Mỹ gốc Haiti. Ảnh: AP. |
Hiện 18 người Colombia đã bị bắt giữ, 3 người bị cảnh sát triệt hạ và 5 người vẫn đang bỏ trốn, theo cảnh sát Haiti. Người Mỹ gốc Haiti thứ ba, Christian Emmanuel Sanon, đã bị chính quyền Haiti bắt giữ ngày 11/7. Người này bị cáo buộc là chủ mưu vụ tấn công. Ảnh: AFP. |
Vụ ám sát Tổng thống Moise diễn ra trong bối tình trạng bạo lực giữa các băng đảng leo thang ở Haiti những tháng gần đây. Hàng nghìn người dân nước này phải di tản, ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế ở quốc gia nghèo nhất châu Mỹ. Ảnh: AP. |