Vợ chồng võ sư thức thâu đêm làm đầu lân đón Trung thu
Thứ hai, 17/9/2018 06:45 (GMT+7)
06:45 17/9/2018
Gần Tết Trung thu, cơ sở làm đầu lân của võ sư Bùi Viết Tưởng (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) làm việc cả ngày lẫn đêm để lo cung ứng kịp hàng cho khách.
Sát Tết Trung thu, cơ sở sản xuất đầu lân sư rồng truyền thống của gia đình võ sư Bùi Viết Tưởng (xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn tất bật làm cho kịp đơn hàng của khách trong và ngoài tỉnh. Căn nhà vốn là một võ đường chất đầy nguyên liệu và hơn 20 chiếc đầu lân đã hoàn thiện chuẩn bị giao cho khách.
Người chủ xưởng chế tác đầu lân sư rồng có 8 năm tuổi nghề cho biết để làm được đầu lân hoàn chỉnh người thợ phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, cần sự tỉ mẩn.
Một trong số việc khó thực hiện nhất nằm ở bộ khung, với các mối nối phức tạp từ tre, trúc. Khung hoàn chỉnh phải đảm bảo thẩm mỹ, lồi lõm rõ đường nét để dễ dàng cho việc kết dính mặt lân và trang trí.
Chị Nguyễn Thị Mẫn (28 tuổi, vợ anh Tưởng) đảm nhận việc cắt kim sa, vải làm thân, rồi may vảy, quần cho lân, rồng. Là vận động viên võ thuật và từng giành nhiều danh hiệu, thành tích xuất sắc, chị cùng chồng huấn luyện võ cho các môn sinh và cả làm đầu lân. "Vất vả lắm, làm đầu lân cần phải tỉ mỉ, bỏ công sức rất nhiều nhưng vì đam mê nên cả hai vợ chồng đều cố gắng", chị chia sẻ.
Công đoạn cần sự công phu, sáng tạo và óc thẩm mỹ của người chế tác là trang trí đầu lân, rồng. "Đầu lân sư rồng đẹp không chỉ ở màu sắc, hình thù mà phải toát lên được cái hồn, cái thần thái riêng. Miệng lân dữ mà tươi, trọng lượng gọn nhẹ, bền chắc, chịu được va đập khi biểu diễn với độ khó cao”, võ sư Tưởng nói.
Đôi mắt con lân được xem là chi tiết đặc biệt nhất, phải nổi bật và hút người xem nên cần người có kinh nghiệm và tay nghề lâu năm làm. Tai và mắt nối với nhau bằng sợi dây mềm nhưng bền chắc phải để hai bộ phận cùng 1 điệu nhịp nhàng, mau lẹ, tai lân phải nhạy. Điều đó sẽ thể hiện các động tác lân ngủ, lân say… nên mắt phải rất chuẩn.
Phần lông gắn vào đầu lân và thân được làm từ da cừu, da thỏ để trang trí phối màu sinh động. Vải kim sa màu xanh, vàng, đỏ lấp lánh khiến cho phần thân luôn uyển chuyển và bắt mắt. Khi chế tác rồng, người thợ dùng vảy rồng nổi phản quang, tạo ấn tượng khi biểu diễn dưới ánh nắng mặt trời cũng như dưới ánh điện, ánh trăng.
Đơn hàng đã nhận khá nhiều nên anh Tưởng lo không làm hàng kịp phục vụ khách.
Số lượng đầu lân sư rồng được khách hàng ở Hà Nội và nhiều tỉnh khác như Phú Thọ, Hải Dương đến tận Đắk Lắk, Bình Thuận đặt hàng mua từ sớm.
Hàng tuần cơ sở lại gom hàng vận chuyển cho khách kịp biểu diễn cho dịp Trung thu.
Theo chủ cơ sở, năm nay số đầu lân làm phục vụ Trung thu hơn 130 chiếc.
Ngoài giờ luyện võ cho các môn sinh hàng ngày, anh Tưởng còn làm trọng tài và tập múa lân cho những lịch hẹn và chương trình biểu diễn sắp tới của võ quán ngày Tết Trung thu.
Những ngày cận Trung thu, nhiều người tại cơ sở phải làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp có hàng đã đặt trước. "Từ cuối tháng 6 âm lịch, vợ chồng mình không nhận thêm đơn hàng mà chú trọng làm cả ngày lẫn đêm để hoàn thành đơn hàng đã nhận. Lúc nào cũng phải 3-4h sáng mới ngủ được, sáng 6h đã phải dậy tiếp tục làm", anh Tưởng chia sẻ.
45 năm với nghề, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa là những nghệ nhân cuối cùng giữ “bí kíp” làm mặt nạ giấy bồi - món đồ chơi từng được yêu thích dịp Tết Trung thu.
45 năm gắn bó với nghề, ông Nguyễn Văn Hòa (64 tuổi) cùng vợ Đặng Hương Lan (60 tuổi) ở phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội) là gia đình duy nhất còn lưu giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi.
Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa ở phố Hàng Than là hộ duy nhất vẫn cố gắng duy trì nghề sản xuất mặt nạ giấy bồi truyền thống mùa trung thu tại Hà Nội.