Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ chồng son Trung Quốc và cảnh 'ngưu lang chức nữ'

Mới cưới chưa bao lâu nhưng phải sống kiểu "chồng một nơi vợ một nơi" là cảnh ngộ của rất nhiều cặp vợ son Trung Quốc, những người chấp nhận xa nhau vì một tương lai tài chính đảm bảo. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, vấn đề này đang tạo ra những hệ lụy đáng ngại.

Vợ chồng son Trung Quốc và cảnh 'ngưu lang chức nữ'

Mới cưới chưa bao lâu nhưng phải sống kiểu "chồng một nơi vợ một nơi" là cảnh ngộ của rất nhiều cặp vợ son Trung Quốc, những người chấp nhận xa nhau vì một tương lai tài chính đảm bảo. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, vấn đề này đang tạo ra những hệ lụy đáng ngại.

Ngày càng nhiều cặp vợ chồng son Trung Quốc chấp nhận sống xa nhau vì một tương lai tài chính đảm bảo. (Ảnh minh họa)

Làn sóng đô thị hóa nổi lên mạnh mẽ trong những năm qua ở Trung Quốc đã hút một lực lượng lao động lớn, đặc biệt là lao động trẻ từ nông thôn lên các thành phố lớn để tìm kiếm “giấc mộng giàu sang” hay đơn giản để kiếm tiền nuôi sống gia đình khi vùng nông thôn khan hiếm việc làm. Điều này có nghĩa là họ phải chấp nhận xa con cái và gia đình trong suốt thời gian đi làm ăn xa.

Tuy nhiên, không chỉ lao động nông thôn, nhiều cư dân thành thị ở Trung Quốc cũng đang sống trong cảnh ngộ tương tự và về cơ bản đều vì cùng một lý do.

Là đại diện cho một Trung Quốc đầy tham vọng, họ là những người đầy nhiệt huyết, năng động, có khát vọng thăng tiến trong sự nghiệp. Do đó, họ cống hiến phần lớn thời gian cho công việc. Đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ, chưa có con cái, thường lao vào công việc như thiêu thân để dành tiền tậu nhà to hơn hay ô tô xịn hơn và chấp nhận chỉ gặp nhau vào mỗi cuối tuần.

Chao Jie, 30 tuổi, là một ví dụ điển hình cho cảnh ngộ của các "cặp vợ chồng cuối tuần". Người phụ nữ trẻ tâm sự, cô trải qua cảm giác ngất ngây hạnh phúc vào mỗi cuối tuần khi được gặp và ở bên  chồng ở ngoại ô thành phố nhưng các ngày trong tuần đối với cô thực sự là địa ngục khi cả hai phải chia xa, trở về với công việc.

Sự chia cách thực sự khó khăn đối với cặp đôi bởi họ mới cưới không lâu. Chao gặp chồng mình vào tháng 4/2010. Cặp đôi yêu nhau say đắm và quyết định tổ chức hôn lễ đầu năm nay. Tuy nhiên, do không đủ tiền để mua một căn hộ có “giá trên trời” ở Thượng Hải, họ buộc phải "mỗi người một nơi". Chồng cô làm việc ở ngoại ô và sống ở nhà bố mẹ đẻ tại đây còn Chao phải thuê nhà ở thành phố Thượng Hải xa hoa, gần nơi cô làm việc và cứ cuối tuần, Chao lại khăn gói rời thành thị để về ngoại ô sum họp với chồng.

“Cuối tuần, khi chúng tôi đang say trong hạnh phúc thì ngày thứ 2 ập đến. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải xa nhau. Vợ chồng thường cãi cọ, giận dỗi nhau vào thời điểm này. Cả tuần, chúng tôi ngồi đếm từng khoảnh khắc cho đến khi được ở bên nhau”, Chao tâm sự.

Đồng thời, người phụ nữ trẻ cũng cho biết, cuộc sống xa nhau bắt đầu làm quan hệ vợ chồng cô xuất hiện những rạn nứt đầu tiên. Dù luôn cảm thấy có lỗi sau mỗi lần gây gổ nhưng cảm xúc bực bội, khó chịu và ấm ức trong lòng khiến Chao không thể kiểm soát được hành vi của mình và do đó, cô thường gây gổ với chồng.

Quan hệ giữa hai người tồi tệ thêm sau khi Chao bị sẩy thai do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm trong việc này nhưng lại phải sống một mình nơi thành thị. Lúc ấy, đứa con trong bụng cô mới được 50 ngày tuổi khiến Chao rơi vào trầm cảm nặng. Đã thế, mẹ chồng Chao còn liên tục rót vào tai chồng cô tư tưởng ly hôn khiến quan hệ giữa hai người ngày càng xấu đi.

Một ngày, bầu trời như sụp đổ xuống đầu người vợ trẻ khi sau một trận gây gổ kịch liệt, chồng Chao đưa ra lời đề nghị chấm dứt cuộc hôn nhân của họ. “Sau đó, chồng đã nói lời xin lỗi với tôi, rằng lúc ấy, anh ấy như hóa điên và không thực sự biết mình đang nói gì.  Tuy nhiên, những lời anh ấy thốt ra đã làm tôi bị tổn thương sâu sắc”, Chao chia sẻ.

Tuy nhiên, cảnh ngộ của Chao không phải là duy nhất. Trên thực tế, các cặp vợ chồng chỉ có thể gặp mặt vào cuối tuần rất phổ biển ở các thành phố lớn của Trung Quốc.

“Tôi gặp rất nhiều cặp vợ chồng chỉ được gặp nhau vào mỗi cuối tuần, thậm chí, mỗi tháng một lần hoặc nhiều tháng một lần”, Fan Gai, một phụ nữ trẻ làm việc trong một đại sứ quán ở Bắc Kinh cho biết.

Cuối tuần là khoảnh khắc hiếm hoi nhiều cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc và con cái của họ được vui vẻ ở bên nhau. (Ảnh minh họa).

Fan tâm sự, trong số bạn bè cô, cũng có nhiều cặp vợ chồng sống ở các thành phố khác nhau. Nhiều cặp thường phải đi công tác liên miên ở khắp đất nước hoặc ở nước ngoài. Do đó, họ có rất ít thời gian dành cho gia đình, vợ con.

Bản thân Fan cũng từng ở trong cảnh ngộ tương tự như vậy khi trước đây, chồng cô làm việc ở tận Thiên Tân còn cô sống ở Bắc Kinh với những ngày buồn vui lẫn lộn. “Chúng tôi không được nhìn thấy mặt nhau thường xuyên. Vì thế chúng tôi có ý thức trân trọng và nâng niu từng khoảnh khắc được ở cạnh nhau”.

Tuy nhiên, vẫn có những đợt sóng ngầm đánh vào quan hệ tình cảm của các cặp vợ chồng son phải sống xa nhau. 

“Dù chúng tôi vẫn giữ liên lạc hàng ngày bằng điện thoại, tôi vẫn có cảm giác mình như thể người độc thân. Rồi nếu vào đúng lúc ấy gọi cho chồng không được, lòng tôi lại "nóng như lửa đốt". Tôi sợ anh gặp chuyện gì không may. Tệ nhất là có những lúc, một vài suy nghĩ xấu xa xuất hiện trong lòng tôi. Tôi sợ chồng mình không chung thủy”, Deng Lizhen, 31 tuổi sống ở Shenzhen, Guangdong tâm sự. Chồng cô, Liu Weiwei, 29 tuổi vừa phải chuyển công tác tới thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông.

Vợ chồng Deng mới có một đứa con 6 tháng tuổi và chưa gom đủ tiền mua nhà. Do đó, chồng cô phải chấp nhận xa "vợ trẻ con thơ" trong 3 năm tới và chuyển đến Guangzhou làm việc. Xa chồng, để quên đi nỗi nhớ nhung cháy bỏng, Deng cho biết, cô chỉ còn cách lao vào làm việc như điên nhưng trong lòng lúc nào cũng lo lắng cho sức khỏe của chồng vì anh không phải là người biết tự chăm sóc bản thân. Nhưng chính Deng, trong tuần đầu tiên chồng vắng mặt ở nhà, cô bị cảm nặng. Không có chồng ở bên chăm sóc, cô phải tự lo lấy thân. “Tôi thực sự cảm thấy tủi thân và chán chường. Nhưng chúng tôi buộc phải chấp nhận vì chúng tôi cần tiền”, Deng chia sẻ.

Trong khi đó, Wu Can, 35 tuổi, Giám đốc tiếp thị của công ty quốc tế Fortune 500 ở Thượng Hải cho biết, việc giữ lửa cho quan hệ vợ chồng khi giữa họ có một khoảng cách địa lý xa xôi, cách trở là một công việc thực sự khó khăn. Vợ anh, Liu Tao làm việc ở thành phố Changshu, tỉnh Jiangsu, cách Thượng Hải 115 km.

Wu cho biết, vợ chồng anh thường tâm sự bằng điện thoại một giờ vào buổi tối và cuối tuần nào cũng gặp nhau. Cặp vợ chồng cùng cô con gái 2 tuổi thường đi chơi hoặc đi mua sắm và tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ hiếm hoi được ở bên nhau. Tuy nhiên, họ dần cảm thấy, việc cố gắng duy trì sự cân bằng trong cuộc sống gia đình khi hai người sống xa nhau thực sự khó khăn.

“Chúng tôi đã cãi nhau rất nhiều sau khoảng một năm sau khi chúng tôi xa nhau. Có lẽ, đó là vì chúng tôi phải chịu áp lực từ công việc và phải kìm nén nỗi nhớ nhau da diết”, Wu tâm sự.

Các chuyên gia gia đình cho biết, cái giá mà các cặp vợ chồng son phải trả để đổi lấy tương lai tài chính ổn định có thể lớn hơn những gì mà họ tính toán. Họ cho rằng, các cặp vợ chồng son nên sống bên nhau và việc chia xa sẽ hủy hoại tình cảm giữa họ.

“Tôi cho rằng “các cặp vợ chồng cuối tuần” là không nhân bản. Con người có xu hướng theo đuổi một cuộc sống an toàn và yên lành nhất. Nhưng về mặt tâm lý, các cặp vợ chồng, nhất là vợ chồng son thường cảm thấy bất an hay lo sợ cuộc hôn nhân của họ đang bị đe dọa khi họ sống xa nhau. Trong xã hội mở đầy áp lực và cám dỗ, việc các cặp vợ chồng sống “mỗi người một nơi” sẽ gây tổn hại cho quan hệ và làm sứt mẻ tình cảm của họ. Xa nhau lâu ngày có nguy cơ giết chết sự thân mật của hôn nhân.”, ông Han Xueqing, Giám đốc của khoa Tâm lý lâm sàng, bệnh viện Bắc Kinh Tongren chia sẻ.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm