Gia cảnh nghèo khó, song vợ chồng cụ ông Nguyễn Ngọc Đương (còn gọi Mười Đương, 84 tuổi) - Nguyễn Thị Bé (78 tuổi, ngụ ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) lại có tinh thần lạc quan và đức hi sinh hơn nhiều người.
Thỉnh thoảng, cụ Mười Đương lại đưa tập hồ sơ hiến thi hài ra kiểm tra. Ảnh: Ngọc An. |
Sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên - Huế, nhưng cuộc sống khó khăn nên 2 vợ chồng cụ phải tha phương lập nghiệp. Năm 1978, gia đình 6 người khăn gói vào Đồng Nai.
"Lúc đó, người dân xã Thanh Bình sống bằng nghề trồng chuối. Vợ chồng tôi không có đất sản xuất nên rong ruổi khắp làng trên, xóm dưới gánh nước tưới thuê. Chúng tôi gắn bó với nghề nặng nhọc ấy suốt 30 năm. Số tiền kiếm được không nhiều, nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học", cụ kể.
Cùng với việc mưu sinh, vợ chồng cụ luôn nuôi ý nguyện làm việc có ích, giúp đỡ mọi người. Nhiều dự định làm từ thiện được 2 ông bà lên kế hoạch, nhưng bất thành vì gia cảnh không cho phép.
Năm 2010, cụ Mười Đương đưa vợ đi thăm bạn điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Tại đây, họ thấy nhiều người bị bệnh nặng, nằm chờ chết nên nảy sinh ý định hiến xác, góp phần vào sự phát triển y học.
Cụ Bé tâm sự: "Ngành y dược, sinh viên y khoa cần được nghiên cứu, thực hành trên cơ thể người. Do vậy, chúng tôi quyết định hiến xác để y học phát triển. Vợ chồng tôi ước nguyện cái chết của mình có ích cho mọi người".
Cụ Nguyễn Thị Bé cho biết, cái chết của họ phải mang lại lợi ích cho nhân loại. Ảnh: Ngọc An. |
Tuy nhiên, các con của 2 cụ không đồng thuận. Suốt nhiều tháng, ông bà phải tìm cách giải thích để họ thấu hiểu.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Toàn, con gái đầu của cụ Mười Đương cho hay, chị từng bác bỏ việc hiến xác của cha mẹ. "Sự phản đối của chúng tôi khiến cha mẹ buồn phiền, bệnh tật. Về sau, nghe cha chia sẻ về ý nguyện cuối đời, phân tích những lợi ích cao cả nên chúng tôi đã đồng ý", chị cho hay.
Là những người nông dân chân chất, chưa tường tận về quy trình hiến xác nên vợ chồng cụ Mười Đương gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều lần suy nghĩ, ông lão đến UBND xã Thanh Bình, nhờ cán bộ hướng dẫn, viết đơn xin hiến thi hài.
Cụ kể: “Năm 2011, chúng tôi được cán bộ xã đưa lên Đại học Y dược TP HCM làm thủ tục hiến xác. Khi được các bác sĩ trao giấy chứng nhận, chúng tôi đã bật khóc vì ước nguyện bấy lâu đã thành hiện thực".
Giấy chứng nhận tự nguyện hiến thi hài của vợ chồng cụ Mười Đương. Ảnh: Ngọc An |
Theo ông Lê Hữu Đảng, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, vợ chồng cụ Đương có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện nghèo. Hiện 2 ông bà sống trong căn nhà tình nghĩa 40 m2 do Nhà nước xây dựng.
"Ông bà nghèo khó nhưng có tấm lòng nhân hậu, tinh thần luôn lạc quan. Quan niệm sống, chết vì người khác của vợ chồng cụ Mười Đương khiến lãnh đạo địa phương, người dân khâm phục. Đó là nghĩa cử cao đẹp”, vị chủ tịch xã nói.