Chị Lê Thị Như Khương (33 tuổi, ngụ phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM) là giám đốc công ty chuyên cung cấp suất cơm cho công nhân, học sinh. Chồng chị là anh Lê Trần Tuấn (35 tuổi), hiện điều hành doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lao động và trung tâm Nhật ngữ. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, việc kinh doanh của vợ chồng chị cũng bị ảnh hưởng.
Ngay khi có lệnh giãn cách toàn thành phố từ ngày 31/5, chị định sẽ ngừng bán trong 2 tuần vì các công ty, trường học đều đóng cửa khiến lượng đặt hàng của xưởng cơm giảm mạnh.
“Hôm đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở phường, tôi chứng kiến cảnh nhân viên y tế và công an phải làm việc rất cực. Tôi nghĩ thời điểm này, nhiều quán ăn đều đóng cửa nên chắc hẳn việc ăn uống của họ cũng khó hơn. Về nhà, tôi bàn với ông xã muốn làm cơm miễn phí ủng hộ lực lượng chống dịch tại phường 11, là nơi công ty tôi hoạt động. Chồng tôi đồng ý và nhiệt tình sang phụ giúp”, chị kể với Zing.
Bắt đầu nấu cơm miễn phí từ ngày 1/6, đến nay công ty chị Khương đã gửi hàng nghìn suất cơm đến lực lượng chống dịch tại quận Gò Vấp. |
Hàng nghìn suất cơm gửi tuyến đầu chống dịch
Suốt một tuần qua, vợ chồng chị Khương đều rời nhà từ 4h, đến xưởng của công ty trên đường Thống Nhất (phường 11, quận Gò Vấp) để bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu, cùng các nhân viên nấu cơm tặng tuyến đầu chống dịch.
Mỗi ngày, bếp của chị nấu 200-250 suất cơm miễn phí gửi đến lực lượng đang làm nhiệm vụ tại 20 chốt kiểm dịch trên địa bàn quận.
Do thời gian này đơn hàng ít, đa phần nhân viên của xưởng cơm phải tạm nghỉ, còn lại khoảng 6 người làm. Thiếu nhân công, nữ giám đốc cũng xắn tay vào làm mọi việc, từ lau chùi bàn bếp, nấu nướng đến chia khẩu phần ăn.
Sau khi làm xong đơn cho khách, khoảng 8h30, chị Khương cùng các nhân viên tập trung chuẩn bị phần cơm cho lực lượng chống dịch. Mỗi suất ăn có đủ cơm, món mặn, rau xào và canh nóng hổi.
Nữ giám đốc tự tay chuẩn bị những phần cơm để gửi tặng chiến sĩ, cán bộ đang làm nhiệm vụ chống dịch. |
“Tôi tự cân đối để có một phần cơm đủ dinh dưỡng, chỉ mong các nhân viên tuyến đầu có một bữa ăn ngon để đủ sức khỏe, tiếp tục chiến đấu. Tôi thay đổi thực đơn hàng ngày để đỡ ngán. Hôm nào thấy khỏe, tôi làm thêm bánh mì kẹp để gửi các bạn tình nguyện viên ăn sáng. Không phải buôn bán nên mình đâu tính toán lời lãi, chỉ làm từ cái tâm”.
Ban đầu, vợ chồng chị Khương tự bỏ chi phí để nấu cơm nên chỉ hỗ trợ cho 10 chốt kiểm dịch của phường 11. Sau đó, một người thầy của chị biết được hoạt động ý nghĩa nên đã đứng lên kêu gọi bạn bè ủng hộ thêm.
“Tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình cả về thực phẩm và tiền. Sau 2 ngày, cảm thấy đã đủ nên ngừng nhận. Phần nữa do thời điểm dịch bệnh này ai cũng khó khăn nên tôi muốn mình có bao nhiêu giúp bấy nhiêu thôi. Tôi cũng sợ nhận quyên góp từ các mạnh thường quân mà làm không tốt cũng sẽ thành áp lực cho bản thân”.
Nhờ có số tiền quyên góp, cùng rau củ được một công ty thực phẩm ủng hộ, chị Khương mở rộng hỗ trợ cho lực lượng chống dịch của phường 16 và một số chốt kiểm dịch, khu phong tỏa trên địa bàn.
Chồng, nhân viên thành shipper
Từ ngày nấu cơm miễn phí, chồng chị Khương trở thành shipper. 10h, anh Tuấn và các nhân viên chia nhau giao cơm đến các điểm chốt chống dịch khắp các phường.
Khi giao cơm ở khu vực nhà thờ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (đường Nguyễn Văn Công), ổ dịch nghiêm trọng của thành phố, anh Tuấn phải gọi điện báo trước để có người ra nhận ở đường Nguyễn Kiệm nhằm đảm bảo an toàn.
Anh Tuấn trở thành shipper giao cơm đến các chốt chống dịch. |
Khi quận Gò Vấp thực hiện lệnh phong tỏa theo chỉ thị 16, đơn vị cung cấp gạo cho xưởng cơm không thể chuyển hàng tận nơi như trước. Anh Tuấn kiêm luôn nhiệm vụ lái xe sang quận 8 để chở gạo về.
Chị Khương kể vì không quen làm chân tay nhiều nên chồng chị cũng có lúc đuối sức, nhưng anh không than phiền mà càng nhiệt tình giúp để vợ đỡ cực.
Bên cạnh cung cấp suất cơm miễn phí cho lực lượng chống dịch, chị Khương cũng hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn như người dân nghèo ở các khu trọ hay người bán vé số, nhặt ve chai.
“Tôi có trao đổi trước với bên phường sẽ cấp suất ăn trong 2 tuần phong tỏa. Nếu sau đó dịch chưa được kiểm soát và lệnh giãn cách còn kéo dài tôi sẽ tính toán chi phí, nếu đủ nguồn lực tôi vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ hết mình”, chị Khương bày tỏ.