Vừa qua, những quy định xử phạt sát sườn với người dân được nêu trong Nghị định 167/2013 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình - có hiệu lực từ ngày 28/12) đã gây ra rất nhiều tranh cãi.
Chế tài “rất văn minh”
Theo Nghị định 167, hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên trong gia đình sẽ bị xử phạt 500.000 - 1 triệu đồng. Nhiều người đã đưa ra hàng loạt bình luận trên mạng về chuyện vợ chồng nặng lời với nhau thì làm sao lực lượng chức năng ở phường, xã (được giao trách nhiệm theo quy định) có thể lập biên bản xử phạt?
Quy định xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng vẫn chưa khả thi. |
Ngoài ra, việc đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ… sẽ bị lực lượng chức năng phạt tiền 1,5 - 2 triệu đồng cũng khó thực hiện.
Nhiều vi phạm của cá nhân gây bức xúc trong xã hội lâu nay cũng được nghị định đưa ra mức phạt cụ thể: Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng bị phạt 100.000 - 300.000 đồng; say rượu, bia gây mất trật tự công cộng, ném gạch hoặc đất đá vào nhà, vào người, đồ vật, tài sản hoặc phương tiện giao thông bị xử phạt 500.000 - 1 triệu đồng.
Quy định mới cũng sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong những hành vi mà xem ra cũng khó khả thi như: không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan, doanh nghiệp gây mất vệ sinh chung; đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở nơi khác làm mất vệ sinh chung; để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế nơi công cộng…
Trao đổi với phóng viên, đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Công an, cho biết sắp tới, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII - Bộ Công an) sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn việc xử phạt theo Nghị định 167. Ông Quân khẳng định hầu hết các quy định xử phạt trong nghị định này không hề mới mà đã được Chính phủ quy định khá lâu.
“Đến nay, tôi chưa thấy trường hợp nào vợ chồng to tiếng với nhau mà bị xử phạt cả. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm trong mỗi gia đình”, ông Quân nhận xét.
Tuy nhiên, theo ông Quân, các chế tài được nêu trong Nghị định 167 đều rất văn minh. Nếu lực lượng chức năng địa phương xử lý nghiêm sẽ dần giúp hình thành những thói quen tốt trong người dân. Nguyên tắc khi xây dựng luật là phải bảo đảm đầy đủ các hành vi vi phạm đều có xử lý. Nếu không, khi sự việc xảy ra như vợ chồng, hàng xóm cãi, chửi nhau và có đơn thư kèm theo bằng chứng gửi đến cơ quan công an mà không có chế tài, xử lý thì lại bị cho là pháp luật có kẽ hở.
“Cuộc chiến” lâu dài
Nhiều quy định về xử phạt trong lĩnh vực y tế và an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực từ ngày mai, 31/12, cũng gây ra không ít hoài nghi về tính khả thi. Trong đó, đáng chú ý là Nghị định 178/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm với mức phạt lên tới hàng trăm triệu đồng.
Theo nghị định này, mức phạt tiền tối đa về hành vi vi phạm hành chính trong an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức thay vì 15 triệu đồng như trước đây. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cũng thừa nhận việc xử phạt các cá nhân bán hàng rong có thể sẽ gặp khó vì địa bàn hoạt động của nhóm người này không tập trung.
Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cho rằng có thể trong một số lĩnh vực, việc xử phạt sẽ chưa thực hiện được ngay nhưng đó là cơ sở để nâng cao trách nhiệm quản lý. Nghị định 176/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Tuy nhiên, đến nay, ngay cả những người tham gia quá trình xây dựng luật, nghị định cũng phải thừa nhận việc xử phạt người vi phạm hút thuốc lá vẫn là “trận địa trắng”, cơ quan chức năng chưa làm được.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng việc xử phạt người hút thuốc lá vẫn là một “cuộc chiến” lâu dài.
Giả làm người bệnh để phát hiện vi phạm
Theo Nghị định 176, hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám chữa bệnh nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền 20 - 30 triệu đồng. Tuy nhiên, rất khó xác định đâu là hành vi hối lộ bác sĩ bởi nhiều ý kiến cho rằng việc cảm ơn bác sĩ sau khi điều trị bằng hoa, quà, tiền cũng là bình thường. Tại các cơ sở y tế, giám đốc bệnh viện cũng chỉ buộc trưởng khoa, điều dưỡng trưởng cam kết không nhận quà biếu trước và trong quá trình điều trị.
Theo ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, tới đây, bộ sẽ tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất, thậm chí đóng giả người bệnh thâm nhập cơ sở y tế để phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm.