Đầu năm 2022, vừa mới tốt nghiệp, Valerie gia nhập một công ty đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính với vai trò nhà phân tích.
Một lần, nam quản lý yêu cầu cô lấy cho anh ta một bình nước. Valerie cảm thấy phản cảm nhưng cô vẫn làm theo vì là người mới và không muốn bị nói là làm quá.
"Khi tôi với lấy bình nước để đi rót, anh ta liền bảo chỉ đùa thôi, và nói thêm rằng đúng là phụ nữ luôn mong muốn làm hài lòng đàn ông", cô gái 27 tuổi kể với TODAY.
Valerie, cũng giống phần lớn những cô gái trò chuyện với TODAY về chủ đề định kiến giới nơi làm việc, từ chối nêu danh tính thật vì đang làm việc cho công ty được đề cập.
Trong các cuộc phỏng vấn với nhiều phụ nữ, phóng viên nhận thấy rằng sự phân biệt đối xử về giới tính vẫn tồn tại ở Singapore. Nó phổ biến trong các ngành nghề khác nhau, dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, bất kể nhân viên mới hay quản lý cấp cao đều đối mặt nó.
Nhiều phụ nữ Singapore đối mặt nạn phân biệt đối xử vì giới tính nơi làm việc. Ảnh: Ooi Boon Keong, Samuel Woo/TODAY. |
Vỏ bọc mới của phân biệt giới tính
Trong vài thập kỷ qua, phụ nữ Singapore đã đạt được những bước tiến lớn tại nơi làm việc. Nhiều công ty thực hiện các sáng kiến và chương trình linh hoạt để thúc đẩy bình đẳng giới. Thế nhưng, luật pháp và các chính sách chỉ đạt hiệu quả một khi những thành kiến nặng nề được xóa bỏ.
Những phụ nữ có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc cho biết bản thân nhận thấy được sự tiến bộ so với lúc mới đi làm và có nhiều cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, họ nói thêm rằng phụ nữ ngày nay đang đối mặt nhiều thách thức mới.
Nhiều phụ nữ vừa thăng tiến trong sự nghiệp, đồng thời vẫn mang gánh nặng không cân xứng về nhiệm vụ chăm sóc gia đình. Như vậy, về tổng thể, áp lực của phụ nữ đi làm nặng nề hơn.
Rachel (36 tuổi) cho biết hồi mới tốt nghiệp, cả 2 cơ quan cô tham gia phỏng vấn đều đặt câu hỏi về kế hoạch kết hôn và định cư của cô trong tương lai.
Hiện tại, Rachel đang là giám đốc tiếp thị của một công ty tư vấn và muốn kể lại câu chuyện này để những người trẻ tuổi biết cách phản ứng đúng đắn.
"Tôi thấy đó là câu hỏi đầy xúc phạm và biết rằng nếu vặn ngược lại mình sẽ bị loại. Nhưng tôi chọn nói ra vấn đề và nói với họ: 'Tôi không nghĩ anh chị sẽ hỏi câu này nếu tôi là nam giới'", cô nhớ lại.
Phụ nữ ngày nay vẫn bị đối xử bất bình đẳng tại nơi làm việc, nhưng dưới vỏ bọc tinh vi hơn. |
Bà Sher-li Torrey, nhà sáng lập Mums@Work - một doanh nghiệp xã hội chuyên hỗ trợ phụ nữ tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và gia đình - nói rằng ngày nay các nhà tuyển dụng vẫn hỏi câu mang tính phân biệt như vậy, nhưng ngụy trang nó khéo léo hơn.
Bà Torrey cho biết câu hỏi này thường chỉ nhắm đến ứng viên là nữ, nó như một dấu hiệu phân biệt giới tính.
"Việc hỏi câu đó đồng nghĩa với người phỏng vấn mặc định phụ nữ có con không thể đóng góp nhiều cho công việc, hoặc lựa chọn sinh con của họ sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Họ có hỏi ứng viên nam câu đó không, và nếu không hỏi thì tại sao? Chỉ riêng câu trả lời đã là bằng chứng về bất bình đẳng giới nơi làm việc", bà nói.
Nhận thức ngày càng cao về bình đẳng giới đã khiến những hành vi phân biệt đối xử giới tính đội một lớp vỏ bọc khác. Một số phụ nữ cho biết nhiều lần cảm thấy đang bị đối xử thiếu công bằng, nhưng không có bằng chứng xác thực vì đồng nghiệp của họ không thể hiện một cách công khai.
Tháng 9/2021, Bộ trưởng Nhân lực Tan See Leng cho biết Liên minh Ba bên về Thực tiễn Việc làm Công bằng và Tiến bộ (Tafep) nhận được trung bình 49 đơn khiếu nại về phân biệt đối xử liên quan đến giới tính hàng năm, từ năm 2014 đến nửa đầu năm 2021.
Trong khi đó, một khảo sát vào năm 2020 của Singapore Chinese Chamber of Commerce and Industry cho thấy cứ 10 phụ nữ thì có 4 người bị phân biệt giới tính nơi công sở. Song chỉ có 12% trong đó báo cáo.
Trong một cuộc khảo sát khác được công bố vào năm 2021 bởi công ty tư vấn nghiên cứu thị trường Blackbox, thăm dò ý kiến 2.000 người Singapore về nhận thức, thái độ và kinh nghiệm của họ đối với bất bình đẳng giới, 20% phụ nữ cho biết họ đã lỡ cơ hội thăng tiến vì giới tính nữ.
Những nhân viên nữ bị bỏ lại
Một phụ nữ đi làm chọn lập gia đình và sinh con có thể đối mặt nhiều thành kiến nơi làm việc, đặc biệt là những nơi có văn hóa làm việc bất kể ngày đêm.
Sự phân biệt đối xử liên tục có thể khiến ai đó bắt đầu nghi ngờ bản thân và đặt câu hỏi về năng lực của mình. Điều này đã xảy ra với Amelia khi cô thường xuyên bị các đồng nghiệp nam nhận xét "như một đứa trẻ con".
"Điều đó khiến tôi tự hỏi mình có thực sự hiểu vấn đề hay không. Đôi khi họ nói như vậy khiến tôi nghi ngờ chất lượng sản phẩm của mình. Tôi sợ bị coi thường nên không muốn nhờ ai giúp đỡ. Tôi rơi vào vòng xoáy khiến công việc trì trệ thêm", Amelia nói.
Amelia đã trở nên tự ti, bất an khi liên tục bị đồng nghiệp nam nhận xét tiêu cực. Ảnh: Nuria Ling/TODAY. |
Khi đang làm ở công ty cũ Rasyida Samsudin Paddy (33 tuổi) mang thai con đầu lòng. Cô sớm nhận ra mình bị bỏ rơi khỏi các cuộc thảo luận nhóm. Cô lo lắng rằng nếu sinh con sẽ không thể theo kịp văn hóa làm việc tới nửa đêm của công ty.
"Không ai nói thẳng vào mặt rằng tôi sẽ mất đi cơ hội phát triển vì mang thai. Thay vào đó, các đồng nghiệp tụ họp với nhau mà không có tôi, họ chia sẻ về các dự án và không cho tôi tham gia", Paddy, hiện là giám đốc marketing cấp cao của một công ty đa quốc gia, kể.
Một lần khác, Paddy bị đồng nghiệp yêu cầu mặc quần áo rộng hơn để che giấu việc cô đang mang bầu lúc gặp khách hàng.
"Tôi không biết mình phải báo cáo việc bị phân biệt đối xử như vậy với ai. Đó là một doanh nghiệp nhỏ nên cơ cấu nhân sự và chính sách không quá rõ ràng", cô nói.
Người phát ngôn của SheSays Singapore, một tổ chức điều hành các sự kiện và cố vấn miễn phí cho phụ nữ trong các ngành công nghiệp khác nhau, cho biết trường hợp của Paddy không phải là duy nhất. Tổ chức này liên tục nhận được thông tin về việc phụ nữ bị loại khỏi dự án lớn khi trở lại sau thời gian nghỉ sinh.
Năm 2020, Bộ Nhân lực Singapore (MOM) đã tiến hành nghiên cứu trên toàn quốc về chênh lệch tiền lương theo giới. Qua đó cho thấy năm 2018, phụ nữ vẫn kiếm được trung bình thấp hơn 6% so với nam giới cùng công việc trong cùng ngành, cùng độ tuổi và trình độ học vấn.
Trong số những lý do được trích dẫn cho sự cách biệt thu nhập này là phụ nữ có xu hướng đóng vai trò chăm sóc chính tại nhà, nên có nhiều khả năng nghỉ việc và bị phân biệt giới tính.
Thực tế, phân biệt giới tính không phải lúc nào cũng dễ để nhận biết. Một số phụ nữ kể lại họ đã cảm thấy bị tổn thương nặng nề bởi hành vi phân biệt giới nhưng không thể đưa ra bằng chứng, và những kẻ làm sai không bao giờ muốn thừa nhận nó.
Sharifah (40 tuổi, giáo viên) đã sinh con thứ hai vào năm ngoái, và điểm đánh giá công việc của cô đột ngột giảm từ điểm thông thường là B- hoặc C xuống C-.
Cô đã rất sốc và hỏi người giám sát của mình rằng liệu lý do có phải là cô đã nghỉ sinh trong kỳ vừa rồi hay không. Song anh ta đã gạt phắt đi và nói rằng đó không thể nào là nguyên nhân giảm hạng đánh giá được.
"Anh ấy tiếp tục giải thích rằng do tôi chưa làm đủ, nhưng không thể kể những việc tôi cần làm thêm", nữ giáo viên kể.
Thực tế, những khoảnh khắc thiếu tự tin như vậy có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự nghiệp của phụ nữ. Theo một bài báo của Harvard Business Review vào năm 2018, 20% phụ nữ không bao giờ đàm phán về mức lương của họ.
Người phát ngôn của SheSays Singapore cho biết: "Rào cản phổ biến mà phụ nữ trong cộng đồng của chúng tôi gặp phải là họ không cảm thấy tự tin bằng các đồng nghiệp nam khi đàm phán về những thăng tiến trong sự nghiệp”.