Vấn đề của Vợ ba thực ra không nằm ở câu chuyện nghệ thuật hay chất lượng phim. Bởi lẽ, điểm gây tranh cãi của bộ phim này là đạo diễn Nguyễn Phương Anh đã sử dụng một bé gái chưa đến 13 tuổi đóng nhiều cảnh tình dục. Như khẳng định của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đó là hành động sai cả về luật lẫn đạo lý.
Dẫu vậy, một số thành viên của đoàn làm phim và một bộ phận trên mạng vẫn đang dùng hashtag “yeuvoba” (Yêu Vợ ba), đồng thời khẳng định việc Vợ ba bị dừng chiếu, bị lên án là “giết chết nghệ thuật”, “kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt”, “sự đau lòng đáng thương”,… Thậm chí, có một á hậu còn dẫn tin Vợ ba ngừng chiếu và nhận định "khi dân trí thấp chưa đủ tầm thưởng thức nghệ thuật".
Tấm vải kiểm tra trinh tiết được vắt ở cành liễu và "trưng bày" giữa sân. |
Tất nhiên, hành động “cố đấm ăn xôi” này không được dư luận đồng tình. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng việc sử dụng danh nghĩa nghệ thuật để lái dư luận sang một hướng khác là “đánh bùn sang ao”. Trên mạng xã hội, nhiều người cũng mô tả hành vi đó bằng từ "ngụy biện".
Vậy nhưng, nếu thử đặt vấn đề cô bé 13 tuổi đóng cảnh nóng sang một bên, và chỉ nhìn ở góc độ nghệ thuật, Vợ ba liệu có thực là “đỉnh cao nghệ thuật” như lý lẽ mà một số người đang sử dụng.
'Nói đỉnh cao nghệ thuật người ta cười cho'
Zing.vn đề nghị một nghệ sĩ bình luận về chất lượng nghệ thuật của Vợ ba, bỏ qua câu chuyện về bé gái 13 tuổi. Nghệ sĩ này cho biết người trong nghề thường kỵ nói về chất lượng sản phẩm của nhau, huống hồ nghệ thuật là góc nhìn riêng, mỗi người một quan điểm.
“Nhìn chung, quan điểm của tôi là phim xem được, không tệ. Nhưng đừng nói là đỉnh cao nghệ thuật hay tác phẩm điện ảnh hiếm có này kia. Nói vậy, người ta cười cho”, nghệ sĩ này bình luận.
Trên mạng xã hội, nhiều khán giả và dân trong nghề đồng tình Vợ ba là phim có nhiều ẩn dụ trừu tượng về mặt hình ảnh. Nhiều cảnh quay có ý nghĩa về mặt thị giác nghệ thuật, tạo chiều sâu cho bộ phim, có thể kể đến như cảnh những con tằm trong nong kén, cảnh cắt tóc cuối phim, cảnh một con bướm đậu trên mặt cô gái tự vẫn khi còn trinh nguyên...
Phim này cũng rất chú trọng cảnh quay, góc máy, chỉn chu đến từng đường nét, gần như không có cảnh thừa thiếu. Bản sắc của phim là những cảnh quay chậm, thậm chí cực chậm. Mạch phim cũng rất chậm, lời thoại cũng khá gọn gàng, dù đài từ diễn viên không xuất sắc.
Vợ ba cũng đề cao cảm giác của đạo diễn, cảm giác của quay phim và cảm giác của nhân vật. Nhiều cảnh cận gây ám ảnh về cảm giác dù phi logic về không gian. Như Zing.vn từng phân tích, rõ ràng cũng phải là một người có góc nhìn điện ảnh tinh tế, kỹ lưỡng, đạo diễn và quay phim mới có thể sáng tạo đa dạng, nhiều ẩn ý, ẩn ức như vậy.
Nhiều người bị cho là "đánh tráo khái niệm" khi nhìn vào góc độ nghệ thuật để bênh vực phim. |
Tuy nhiên, hạn chế không phải không có.
“Không ai chê cốt truyện (cho dù chẳng phải là phát hiện mới mẻ gì). Không ai chê nghệ thuật quay phim, cho dù phong cách này cũng không có gì mới”, tiến sĩ Khuất Thu Hồng bình luận. Đây cũng là một trong hạn chế đầu tiên của phim. Đó là không mới mẻ.
Cách quay và cảnh dựng cốt truyện kiểu phi logic thực ra tồn tại trong rất nhiều phim của dòng phim độc lập. Đặc biệt, kiểu làm phim thượng tôn cảm giác, mạch phim chậm rất phổ biến trong các phim của Trần Anh Hùng.
Đó là lý do nhiều người đặt câu hỏi “Trần Anh Hùng liệu có vai trò gì trong phim này?” khi bóng dáng của anh là không thể phủ nhận. Hoặc chăng, Nguyễn Phương Anh đã có nhiều ảnh hưởng từ Trần Anh Hùng? Nếu là vậy thì cái tôi nghệ thuật tưởng là duy nhất còn lại sau bộ phim nay cũng trở thành thứ bị hoài nghi.
Phim Việt Nam hay sự ngộ nhận Á Đông?
Trên New York Times có một bài bình luận về Vợ ba. Không dài, không quá kỹ nhưng trong bài, tác giả đặc biệt nhấn mạnh về yếu tố nhục dục, sự đau khổ của người phụ nữ trong một gia đình bị cho là gia trưởng, khuôn mẫu cứng nhắc. Một số người chia sẻ bài báo như… niềm tự hào của Vợ ba.
Vợ ba cũng đã đoạt một số giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế. Và, đó cũng là lý do một số người cho rằng khán giả Việt chỉ thích phim giải trí, văn hóa Á Đông hạn chế trong nhìn nhận, tâm lý đám đông... do vậy phim mới bị dừng chiếu. Còn một tác giả trẻ khác thì than vãn trên mạng: “Thôi thì tạm biệt Mây ở quê nhà, để Mây tự do bay đi các phương trời khác”.
Tuy nhiên, bản thân nhiều người trong giới điện ảnh không đồng tình với quan điểm rằng rằng Vợ ba đã “bay cao ở bầu trời thế giới”, đoạt nhiều giải thưởng, do vậy chắc hẳn phải có rất nhiều khán giả quốc tế.
Họa sĩ Vũ Huy, người từng góp công làm bối cảnh cho phim Kong: Skull Island, thẳng thắn nhận xét: “Tôi đã xem phim từ lâu, nghề yếu và thiếu vốn sống”.
Nhiều cảnh phim trong Vợ ba xa lạ với văn hóa Việt dù phim được khẳng định kể câu chuyện về Việt Nam. |
Nhận định đạo diễn thiếu vốn sống, tuy có phần thẳng thắn nhưng không phải không có lý. Xem Vợ ba, thấy phim tuy nhiều ẩn ức, ngụ ý nhưng lại không thật hiểu văn hóa Việt, thậm chí có phần xa lạ với người Việt.
Nhiều chi tiết và cảnh trong phim bị cho là xâm phạm văn hóa Á Đông, chỉ cốt phục vụ cho một mục đích duy nhất là xây dựng phụ nữ Việt để thỏa mãn góc nhìn phương Tây.
Cảnh đám tang xa lạ với người Việt, cảnh lễ hội cũng xa lạ với người Việt, thậm chí những cuộc giao tiếp cũng xa lạ với người Việt. Chưa kể đến những tình tiết như tình cảm đồng giới nữ là một góc nhìn rất phương Tây, không mang tính điển hình ở Việt Nam thời phong kiến.
Những chi tiết như con trai ngủ với vợ lẽ của bố, hay "trưng" vải trắng kiểm tra trinh tiết giữa sân nhà cũng là những hạn hữu không hề điển hình, không hề phổ biến… Tất cả, dường như chỉ nhằm cho một mục đích duy nhất là khiến bộ phim trở nên gai góc trong mắt quốc tế.
Tất nhiên, công chúng có quyền đặt thắc mắc rằng đạo diễn có thực sự hiểu văn hóa Việt Nam, có đang thực sự làm phim ở góc độ của một người Việt. Hay một tác phẩm điện ảnh chỉ để dự thi giải thưởng quốc tế, để thỏa mãn cái tôi bằng thái độ phủ nhận Á Đông, dựng lên một văn hóa Việt khác hẳn với lịch sử.
Để đứng ở đỉnh cao nghệ thuật, phải bất chấp và ngộ nhận như thế ư?