Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vntrip.vn muốn gì khi tố Agoda trốn thuế?

CEO Vntrip.vn Lê Đắc Lâm thừa nhận ông tố Agoda vì thấy việc trốn thuế giúp đối thủ để ra được số tiền lớn để tăng lương, tăng quảng cáo khiến doanh nghiệp Việt chịu thiệt.

Bộ Tài chính mới có văn bản yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp chính sách thuế, quản lý thuế với hoạt động kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến của các công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, về nghĩa vụ thuế, Bộ Tài chính yêu cầu các công ty có trụ sở ở nước ngoài, kinh doanh đặt phòng tại Việt Nam theo hình thức trực tuyến như Agoda, Traveloka, Booking, Expedia thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đều là 5% tổng doanh thu.

Động thái này được cho là xuất hiện sau khi Vntrip - một đơn vị chuyên về du lịch, hỗ trợ khách hàng đặt phòng khách sạn tại Việt Nam, lên tiếng tố cáo các hoạt động của Agoda, trong đó có chấp hành chính sách thuế. 

Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Đắc Lâm, Giám đốc điều hành Vntrip.vn, startup về du lịch, chuyên hỗ trợ khách hàng đặt phòng khách sạn tại Việt Nam, khẳng định ông tố Agoda không phải vì “ghen ăn tức ở”.

- Trong văn bản gửi các bộ, ngành liên quan hoạt động của Agoda tại Việt Nam, ông đề cập tới những vấn đề gì?

Vntrip.vn muon gi khi to Agoda tron thue? anh 1
CEO Vntrip.vn Lê Đắc Lâm. Ảnh: NVCC. 

- Chúng tôi thắc mắc toàn bộ doanh thu từ bán phòng khách sạn của Agoda phát sinh ở Việt Nam, khách hàng cũng ở Việt Nam, tương tự như mô hình Uber, Uber giờ đã phải nộp thuế 5% trên tổng doanh thu, vậy tại sao Agoda không phải nộp thuế? Là đối thủ, nhưng chúng tôi đang phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT trên 30%.

Agoda có tên miền Agoda.vn hoàn toàn bằng tiếng Việt, phục vụ người Việt và có tổng đài do nhân viên người Việt phục vụ.

Theo luật, tất cả những tên miền như vậy khi kinh doanh phải đăng ký với Bộ Công Thương. Như vậy ngoài việc Tổng cục Thuế xem xét thu thuế Agoda, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét website đó được cấp phép hoạt động tại Việt Nam hay chưa.

- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho rằng trụ sở Agoda ở nước ngoài, họ hoạt động theo luật pháp nước ngoài và chỉ phải kê khai, nộp thuế tại nơi đó. Ông nghĩ sao về lý giải này?

- Nếu Agoda không có trụ sở tại Việt Nam mà vẫn đứng ra ký hợp đồng với các khách sạn ở Việt Nam, vẫn thu tiền của khách hàng ở Việt Nam có thể nói họ đã kinh doanh trái phép. Nói cách khác, nếu họ không có phép thì họ sai, còn nếu họ có phép họ phải nộp thuế.

- Nhiều người thắc mắc sao Vntrip.vn và một số doanh nghiệp Việt khác không lo làm ăn, vươn ra thế giới lại sa đà vào kiện tụng đối thủ. Quan điểm của ông về việc này ra sao? Sự việc trên gây ảnh hưởng thế nào tới hoạt động của công ty ông?

- Nói không ảnh hưởng thì không đúng. Chúng tôi hoạt động ở cùng lĩnh vực. Vntrip.vn lúc nào cũng cố gắng để cải thiện dịch vụ của mình, xây dựng thương hiệu Việt Nam đủ tầm để cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài.

Nhưng khi cạnh tranh thì tương tự như một trận bóng. Cầu thủ trên sân thấy bất bình thì kêu với trọng tài. Hy vọng là trọng tài sẽ đứng ra can thiệp để tạo môi trường lành mạnh. Nếu trọng tài có không bênh chúng tôi thì chúng tôi cũng phải cố gắng xây dựng nội lực để cạnh tranh với đổi thủ. Nhưng điều đó không có nghĩa mình không kêu lên để mọi người biết.

Khi đơn vị nước ngoài không phải nộp thuế dù là 5% hay 10%, họ để ra được số tiền cực lớn. Chẳng hạn tổng doanh thu là 100 đồng, 15-20 đồng là lợi nhuận. 5% trốn thuế nó chiếm 30-40% lợi nhuận đó rồi. Số tiền đó khi không phải nộp thuế họ dành để tăng lương, quảng cáo để cạnh tranh với mình.

Cụ thể, vì không mất tiền thuế, họ chi nhiều tiền hơn chúng tôi để đấu giá vị trí trên Google hay các kênh quảng cáo khác. Như thế khách sẽ về với họ nhiều hơn đồng nghĩa với việc doanh thu của họ lớn hơn và rồi họ lại chi được nhiều hơn cho quảng cáo. Doanh nghiệp Việt khi đó sẽ phải chịu thiệt bởi trong cạnh tranh, nhất là ở lĩnh vực này, quảng cáo rất quan trọng.

Quan điểm của tôi là nếu mình kém hơn, mình chấp nhận thua, nhưng nếu mình đã thua mà ông nước ngoài nhảy vào kiếm lợi lại không nộp đồng thuế nào cho Việt Nam thì buồn cười. Do vậy chúng tôi phải đấu tranh.

- Có nhiều cách để “đấu tranh”, vậy tại sao ông lại chọn cách tổ chức họp báo?

- Từ trước đến nay có nhiều trường hợp cạnh tranh không công bằng trong kinh doanh, doanh nghiệp nêu ra nhưng chưa được Chính phủ hỗ trợ. Vấn đề ở đây không phải là Chính phủ không muốn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mà là do đất nước mình phát triển quá nhanh so với hành lang pháp lý.

Việc Chính phủ phải ưu tiên một số Luật là đương nhiên. Để được Chính phủ ưu tiên xử lý một việc mà mình cảm thấy bức bối, không gì bằng truyền thông, báo chí lên tiếng.

Có lẽ từ trước đến giờ hiếm có trường hợp doanh nghiệp đưa ra vấn đề, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần, Văn phòng Chính phủ có công văn, Tổng cục Thuế có báo cáo. Nếu không nhờ báo chí, chúng tôi không bao giờ mong đợi hiệu quả nhanh thế được.

- Chính phủ đã có nhiều cam kết hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thực tế ở lĩnh vực của ông thì sao?

- Năm nay là năm Quốc gia khởi nghiệp. Du lịch là ngành mũi nhọn của đất nước. Nếu đúng tinh thần đó lẽ ra chúng tôi - một công ty khởi nghiệp về du lịch - ít ra phải được một số hỗ trợ nào đó. Tuy nhiên đến nay có lẽ Chính phủ chưa kịp xây dựng hành lang nên chưa có bất kỳ lợi thế nào cho doanh nghiệp Start-up như chúng tôi cả. Tôi hy vọng Chính phủ đang xây dựng hành lang đó.

Vấn đề lớn nhất với các công ty startup là kêu gọi vốn. Muốn khởi nghiệp phải có tiền, nhưng khi kêu gọi vốn, thủ tục đăng ký cho các công ty ở trong nước quá phức tạp. Xin phép Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa vốn ngoại vào Việt Nam là việc cực kỳ khó khăn.

Agoda, Traveloka, Booking... sẽ bị đánh thuế tại Việt Nam

Bộ Tài chính vừa yêu cầu tính VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp với các trang mạng nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn tại VN như Agoda, Traveloka, Booking...


Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm