Sau 7 năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) trong ngày hôm nay (30/6) tại Hà Nội.
Khi có hiệu lực, hiệp định sẽ loại bỏ ngay lập tức 65% thuế quan đối với hàng EU vào Việt Nam, và 71% thuế quan đối với hàng Việt sang EU. Tổng thể, EVFTA sẽ dỡ bỏ 99% hàng rào thuế quan giữa hai bên.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Hiệp định sẽ loại bỏ ngay lập tức 65% thuế quan đối với hàng EU vào Việt Nam, và 71% thuế quan đối với hàng Việt sang EU
Ngoài các cam kết về giảm thuế quan và rào cản thương mại, thỏa thuận còn bao gồm các cam kết về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy quyền lao động, phát triển bền vững...
Hội đồng châu Âu ca ngợi đây là hiệp định “tham vọng nhất đạt được với một nước đang phát triển”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (bên phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk chào mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu tại Brussels, Bỉ, tháng 10/2018. Ảnh: Reuters. |
FTA vượt lên trên thương mại và kinh doanh
Ông Daniel Guéguen, giáo sư tại College of Europe ở Bruges (Bỉ), nói rằng FTA giữa Việt Nam và EU là thắng lợi cho cả đôi bên, vì đó là "hai nền kinh tế tương trợ cho nhau" (thay vì cạnh tranh).
"Sự tương hỗ của hai nền kinh tế là một điểm tích cực, và khá hiếm gặp. Đó là điểm quan trọng thứ nhất của FTA này", ông Guéguen, người đồng thời là cựu tổng giám đốc của hiệp hội vận động hành lang cho ngành đường châu Âu và hiệp hội nông dân châu Âu, nói với Zing.vn.
"Việt Nam còn là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh, một nền kinh tế lớn, có nhiều ngành công nghiệp mạnh, dân số trẻ, một hình mẫu ổn định, nằm ở khu vực phát triển nhanh. Vì thế, hiệp định này quan trọng với EU và đặc biệt với Pháp, nơi Việt Nam là một người bạn rất quan trọng", ông Guéguen nói.
Điểm quan trọng thứ hai của hiệp định là tính đa chiều của các cam kết đạt được, nằm ngoài cả yếu tố kinh doanh và thương mại.
Ông Guéguen nhận định EVFTA là hiệp định không chỉ về thương mại, mà còn liên hệ với các cam kết của Việt Nam về quyền con người, quyền lao động và môi trường, chống biến đổi khí hậu. Đơn cử, Quốc hội Việt Nam gần đây đã phê chuẩn công ước quốc tế về lao động - Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
"Chúng ta đang ở trong thời đại của các thỏa thuận thương mại kiểu mới, kết nối việc kinh doanh, thương mại với quyền lợi công nhân và môi trường. Điều này sẽ có lợi cho cả Việt Nam lẫn EU, cả khu vực và thế giới", Guéguen nhận định.
EVFTA không chỉ bao gồm các thỏa thuận thương mại mà còn các cam kết về môi trường, phát triển bền vững. Ảnh: Reuters. |
"FTA (thỏa thuận thương mại tự do) này có thể coi là mức cam kết cao nhất so với các FTA mà Việt Nam đã ký hoặc đang đàm phán. Tốc độ giảm thuế rất nhanh so với WTO hay các FTA khác", Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva từ năm 2002-2008, nói với Zing.vn.
"Thỏa thuận này là cơ sở để xây dựng Việt Nam thành đầu mối kết nối với ASEAN"
Trưởng đoàn đàm phán của EU Helena Konig
"Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa dân túy, bảo hộ, thì đây là một điểm sáng, rất sáng. Không chỉ Việt Nam có lợi mà cả 28 nước thành viên EU cũng được hưởng lợi".
"Việt Nam cần liên hệ với các nghị sĩ EP"
Sau khi ký kết, EVFTA sẽ cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, trong khi IPA cần sự phê chuẩn của nghị viện từng nước thành viên. EVFTA sẽ được đọc bởi Nghị viện châu Âu khóa mới, nơi các nghị sĩ vừa được bầu (hoặc bầu lại) bắt đầu làm việc vào tháng 10.
Để được phê chuẩn, EVFTA cần được đa số trong 751 nghị viên của Nghị viện châu Âu đồng ý.
"Nghị viện châu Âu là một thể chế quan trọng", ông Guéguen nói. "Việt Nam phải cẩn thận, lường trước được tình hình vì Nghị viện châu Âu là một thể chế rất đa dạng, luôn có một số thành viên phản đối tự do thương mại, một số người rất coi trọng vấn đề khác như môi trường hoặc quyền công nhân... Việt Nam có thể sẽ gặp một số phản đối từ trong đó".
Trưởng đoàn đàm phán EU Helena Konig cho rằng EU thấy việc phê chuẩn công ước 98 của ILO là một bước đi tích cực và Nghị viện châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi sát những tiến triển về quyền lao động trong tương lai.
Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại sứ Bruno Angelet nói rằng: "Có lẽ sẽ có một số thảo luận, có thể có thêm một số yêu cầu và một số đảng có thể đòi hỏi điều này điều kia trước khi họ quyết định thông qua".
Theo đại sứ EU, cuộc bầu cử năm nay chứng kiến sự lên ngôi của một số đảng theo đường lối tự do, các đảng ủng hộ EU, đảng xanh... nhưng trong vấn đề thương mại thì các đảng tự do, đảng xanh hay đảng xã hội lại đòi hỏi cao hơn một chút.
"Vì Việt Nam và EU là hai nền kinh tế bù trừ cho nhau, các mối đe dọa ảnh hưởng từ xuất khẩu cũng không nhiều. Tôi nghĩ là cuối cùng thì Nghị viện châu Âu cũng đồng ý nhưng rõ ràng Việt Nam phải liên hệ với các nghị viên, phải thuyết phục được họ, giới thiệu cho họ, giải thích cho họ", ông Guéguen nói.
"Tôi sẽ không nói đó là vận động hành lang, tôi gọi đó là cá nhân hóa sự liên hệ. Việt Nam sẽ phải rất coi trọng việc đó, tìm đến từng thành viên trong Nghị viện châu Âu, thuyết phục họ".
Việt Nam hiện vẫn còn một "thẻ vàng" do Ủy ban châu Âu đưa ra vì các vi phạm trong việc đánh bắt thủy hải sản. Theo ông Guéguen, việc này sẽ không tác động trực tiếp đến việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp định, nhưng cũng có thể gây tác động gián tiếp.
Việt Nam đã triển khai chương trình hành động nghề cá để khắc phục các vấn đề trên, trong khi việc xem xét lại thẻ vàng đối với Việt Nam hiện bị hoãn đến cuối năm.
Việt Nam vẫn còn bị một "thẻ vàng" cảnh cáo đối với hoạt động nghề cá do Ủy ban châu Âu đưa ra. Ảnh: Reuters. |
Ông Tony Long, nhà nghiên cứu tại Viện Quản trị Toàn cầu, Đại học Tự do Brussels, nói với Zing.vn rằng "'phần thưởng FTA' cho Việt Nam thêm nhiều động lực hơn để nhanh chóng và toàn diện thay đổi các chính sách, phương pháp để đảm bảo sự phát triển bền vững cho nghề cá".
"Nhưng EU và các đối tác khác cũng có trách nhiệm. Là bên đưa ra 'thẻ vàng', Ủy ban châu Âu phải kiên định với tiếng nói của họ", ông nói.
"Trong lúc Cao ủy châu Âu về Thương mại Cecilia Malmström phát tín hiệu về các thỏa thuận với Việt Nam sau khi họ giữ được cam kết tôn trọng quyền con người, quyền công nhân và bảo vệ môi trường, đáp lại thì Ủy ban châu Âu phải sẵn lòng chi tiền vào những lĩnh vực họ quan tâm, giúp giải quyết những khó khăn không thể tránh được trong lúc đưa nghề cá Việt Nam lên chuẩn cao hơn".