Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức phiên thảo luận nói trên dưới sự chủ trì của Thụy Điển, chủ tịch HĐBA tháng 1/2017. Đây là phiên thảo luận mở đầu tiên trong năm nay. Tham dự và phát biểu tại phiên họp có đại diện của 94 quốc gia thành viên, trong đó có 10 bộ trưởng và 2 thứ trưởng.
Phát biểu khai mạc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định Liên Hợp Quốc được thành lập nhằm ngăn ngừa chiến tranh trên cơ sở trật tự luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trật tự đó đang đứng trước nhiều thách thức bởi các cuộc xung đột với mức độ ngày càng phức tạp.
Tổng thư ký đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến xung đột là cạnh tranh quyền lực và tài nguyên, bất bình đẳng, đói nghèo, thể chế yếu, quản trị kém, chia rẽ bè phái, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan.
Một phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Ảnh: Flickr. |
Để giải quyết tận gốc các nguyên nhân này, Liên Hợp Quốc cần giành ưu tiên cao nhất cho mục tiêu ngăn ngừa xung đột, phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo nhằm củng cố hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo đảm quyền con người.
Trong nhiệm kỳ của mình, tổng thư ký Liên Hợp Quốc cam kết sẽ thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên Hợp Quốc nhằm tiếp cận cân bằng hơn đối với lĩnh vực hòa bình và an ninh, tập trung chủ yếu vào ngăn ngừa xung đột và giữ vững hòa bình.
Bên cạnh đó, ông Guterres khẳng định sẽ huy động sự tham gia của tất cả các trụ cột trong hệ thống Liên Hợp Quốc nhằm xây dựng chiến lược ngăn ngừa xung đột dài hạn trong đó, ưu tiên thúc đẩy quan hệ với HĐBA một cách nhất quán, công tâm và minh bạch.
Tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp trung gian hòa giải trên cơ sở chương 6, hiến chương Liên Hợp Quốc và thúc đẩy các giá trị đa văn hóa, đa sắc tộc, đa tôn giáo tiến tới hòa hợp dân tộc, tăng cường hiểu biết lẫn nhau cũng nằm trong cam kết của tân tổng thư ký này.
Trong phát biểu của mình, các nước bày tỏ sự ủng hộ cao đối với các ưu tiên của tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ này cũng như mục tiêu do ông ký phát động (Năm 2017 là năm phấn đấu cho hòa bình).
Các quốc gia thành viên cho rằng một nền hòa bình bền vững là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các quốc gia thành viên cần nỗ lực với quyết tâm chính trị cao, cùng thỏa hiệp và tìm kiếm giải pháp chính trị cho khủng hoảng với sự tham gia tích cực của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Phạm Thị Kim Anh, đại biện phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cho rằng các tranh chấp kéo dài không chỉ gây cản trở các nỗ lực phát triển mà còn là nguyên nhân tiềm tàng cho xung đột.
Do đó, "đã đến lúc Liên Hợp Quốc cần tăng cường củng cố cấu trúc an ninh tập thể, trên cơ sở đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực", bà nói.
Đại sứ Phạm Thị Kim Anh khẳng định Liên Hợp Quốc cần ưu tiên xây dựng một chiến lược ngăn ngừa xung đột dài hạn và giải quyết tranh chấp trên cơ sở Điều 33 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời cần tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.
Đại sứ cho rằng tổ chức này cần đề cao vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cấu trúc an ninh khu vực. Bà khẳng định ASEAN luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chính trị để ngăn ngừa xung đột và giải quyết tranh chấp ở khu vực, trong đó có Biển Đông.
Qua bài phát biểu của mình, nữ đại sứ nhấn mạnh ASEAN cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc 1982 và các tiến trình ngoại giao và pháp lý, nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC).