Sau phiên tăng gần 9 điểm hôm qua, VN-Index mở cửa phiên 2/3 kém khả quan khi phần lớn thời gian buổi sáng chìm trong sắc đỏ. Chỉ số chính càng lúc rơi sau hơn về cuối phiên sáng khi tâm lý nhà đầu tư tiếp tục bị ảnh hưởng bởi căng thẳng leo thang tại Ukraine.
VN-Index có thời điểm lao dốc về mốc 1.481 điểm, tức giảm gần 18 điểm. Tuy nhiên như thường lệ, lực bắt đáy nhanh chóng nhập cuộc giúp chỉ số quay về 1.485,16 điểm, tương ứng giảm 13,62 điểm (-0,91%) trước giờ nghỉ trưa.
Tương tự, HNX cũng bất ngờ đảo chiều sang sắc đỏ về cuối phiên sáng. Chỉ số giảm 1,95 điểm (-0,44%) xuống 441,61 điểm. UPCoM-Index tạm giảm 0,82% về 111,46 điểm.
Toàn thị trường có 310 mã tăng giá, trong khi đó có đến 649 mã giảm giá và 152 mã giao dịch tại mức tham chiếu.
VN-Index lao dốc vào cuối phiên sáng 2/3. Đồ thị: TradingView. |
Áp lực bán tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số lùi sâu. Riêng rổ VN30 giảm hơn 18 điểm (-1,18%) với 20/30 mã giảm giá.
Trong đó chủ yếu là đà rơi của cổ phiếu nhóm Vingroup và ngân hàng. Mã VIC của VIngroup giảm 1,5% về 78.000 đồng có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số và VHM của Vinhomes cũng giảm 1% về 77.200 đồng.
Với nhóm ngân hàng, các mã MBB giảm 3,2% về 32.900 đồng, VPB giảm 2,8% còn 36.700 đồng và CTG mất 3,5% xuống 32.1500 đồng là nhóm ngân hàng tác động tiêu cực nhất. Ngoài ra, còn nhiều mã như BID, TCB, VIB, STB, ACB đều diễn biến tiêu cực.
Ở chiều đối lập, cổ phiếu dầu khí lại nổi lên để gồng gánh chỉ số. Trong đó GAS của PV Gas tác động tích cực nhất khi tăng giá 0,9% lên 118.800 đồng và PLX của Petrolimex tăng 2,8% đạt 63.000 đồng. Các mã dầu khí khác tăng phổ biến 2-6%, thậm chí tăng trần.
Đáng chú ý, cổ phiếu phân bón cũng bứt phá 2-6% và nhóm thủy sản cũng tăng 1-4% khi được cho là các mặt hàng có thể hưởng lợi từ căng thẳng tại Ukraine.
Top cổ phiếu tác động lớn nhất sáng ngày 2/3. Nguồn: VNDirect. |
Khối ngoại trong phiên sáng bán ra lượng cổ phiếu trị giá 1.065 tỷ và mua vào chỉ 513 tỷ, tương ứng với bán ròng 552 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị xả mạnh là VND, HDB và KBC.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với sáng hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh tăng 20% lên mức 22.048 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 23,4% đạt 18.799 tỷ đồng.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ tối hôm qua giảm trên diện rộng khi chiến sự Nga - Ukraine có nguy cơ sắp bùng nổ. Cổ phiếu dầu khí là nhóm duy nhất tăng điểm trong khi cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 598 điểm (-1,76%) để đóng cửa ở gần 33.300 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất lần lượt 1,55% và 1,59% trong phiên đầu tháng 3.