Thị trường chứng khoán sát ngày cuối năm diễn biến khá ảm đạm cả về thanh khoản lẫn chỉ số. VN-Index mở cửa phiên 27/1 có nhịp rơi khá mạnh gần 10 điểm trước khi phục hồi và thậm chí tăng điểm nhờ sự ổn định của các cổ phiếu trụ.
Tuy nhiên, thị trường về phiên chiều lại tiếp tục bất ổn khi không có nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nâng đỡ. VN-Index có thời điểm lao sâu xuống 1.464 điểm và hồi phục nhẹ khi kết phiên về mức 1.470,76 điểm, tức giảm 10,8 điểm (0,73%) so với phiên hôm qua.
Sàn niêm yết HNX có mức giảm nhẹ hơn 0,55 điểm (0,13%) về mức 411,27 điểm. UPCoM-Index giảm 0,29% về 108,73 điểm.
Diễn biến VN-Index phiên 27/1. Đồ thị: TradingView. |
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng không còn giữ được nhịp thị trường. Trong đó, nhóm VN30 giảm gần 9 điểm (0,57%) khi có 17/30 mã giảm giá.
Những mã tác động xấu nhất đến thị trường cũng là nhóm vốn hóa lớn như VCB, MSN, HPG và CTG. Ngược lại cổ phiếu hàng tiêu dùng như VNM và SAB trở thành động lực tăng điểm lớn nhất.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng sau liên tiếp những phiên gồng gánh thị trường đã chững lại và dần chìm vào sắc đỏ. Trong đó, VCB giảm sâu 3,7% và nhiều mã ngân hàng khác cũng giảm 1-2%.
Thanh khoản nhóm ngân hàng vẫn rất sôi động khi dòng tiền (vốn đã thấp trong những ngày cận tết) vẫn chảy vào, các mã STB, LPB, MBB, VPB, CTG đều nằm trong top giao dịch nhiều nhất sàn HoSE.
Top cổ phiếu tác động lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: VNDirect. |
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục diễn biến xấu sau sự kiện Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc. Nhiều mã kết phiên trong trạng thái bán sàn trắng bên mua như VPH, NBB, HAR, DIG, LDG, CII... và nhiều mã khác cũng đã rơi sát giá sàn.
Cổ phiếu nhóm FLC đã giao dịch ổn định trở lại nhưng hôm nay cũng bị bán mạnh theo thị trường; trong đó riêng ROS giảm hết biên độ, FLC giảm 3,3%, HAI giảm 2,5%, ngược lại KLF và AMD đứng ở tham chiếu và ART thậm chí tăng 2,2%.
Cổ phiếu ngành chứng khoán là điểm sáng hôm nay khi nhiều mã có mức tăng khá, đáng kể như SSI tăng 2,2%, HCM tăng 2,9%, VND có thêm 3,3% hay thậm chí FTS còn tăng trần 7%. Cổ phiếu ngành phân bón cũng tích cực khi DPM tăng 2,9%, DCM tăng 3,3% hay BFC có thêm 3,2%.
Nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn bị bán tháo. Bảng giá SSI. |
Giao dịch ngày cận Tết khá chậm với lực mua và bán đều không quá mạnh khiến thanh khoản xuống thấp. Tổng giá trị khớp lệnh giảm hơn 28% so với hôm qua về 17.451 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh trên HoSE giảm 29% xuống 15.576 tỷ đồng.
Khối ngoại hôm nay mua vào lượng cổ phiếu trị giá 1.578 tỷ và bán ra 1.713 tỷ, tương ứng bán ròng 135 tỷ đồng ở sàn HoSE. Các mã bị bán nhiều là VIC, KBC và VCB.
Trước phiên giao dịch, khối phân tích các công ty chứng khoán đa phần đưa quan điểm trung lập khi thị trường sắp bước vào giai đoạn nghỉ lễ dài.
Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời vẫn nên quan sát động thái thăm dò của thị trường. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể xem xét và chuẩn bị trước cơ hội đầu tư cho trường hợp thị trường đã ổn định và có tín hiệu hỗ trợ tốt từ dòng tiền.
Yuanta Việt Nam nhận thấy điểm tích cực là dòng tiền có dấu hiệu gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục hồi phục từ vùng bi quan quá mức cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn đã bớt bi quan hơn so với giai đoạn trước.