Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần diễn ra giằng co ngay khi mở cửa, nhưng sau đó nhanh chóng chìm trong sắc đỏ khi áp lực bán gia tăng.
VN-Index liên tục biến động lên xuống quanh mốc 1.490 điểm trong phần lớn thời gian giao dịch. Kết phiên chỉ số giảm 8,76 điểm (-0,58%) xuống 1.490,13 điểm. Sàn này có 252 mã giảm và chỉ 202 mã tăng giá.
Diễn biến ngược chiều xuất hiện tại Hà Nội khi HNX-Index kết phiên trong sắc xanh tăng nhẹ 0,26 điểm (0,06%) lên 440,42 điểm. Sàn có 116 mã tăng và 105 mã giảm giá.
VN-Index chìm trong sắc đỏ trong phần lớn phiên 28/2. Đồ thị: TradingView. |
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là tội đồ kéo lùi chỉ số. Riêng rổ VN30 đã giảm hơn 9,3 điểm (-0,61%) với 21/30 mã giảm giá.
Đứng đầu về tác động tiêu cực lên chỉ số là bộ đôi cổ phiếu nhóm Vingroup, khi VIC mất 2,7% về 77.000 đồng và VHM giảm 1% xuống 77.500 đồng.
Ngoài ra nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng gây ảnh hưởng rất xấu. Đơn cử như BID giảm 1,9% xuống 43.700 đồng, CTG mất 2,1% về 33.150 đồng, EIB lao dốc 3% còn 33.850 đồng hay SSB giảm 2,5% xuống 35.400 đồng.
Ở chiều ngược lại HPG của Hòa Phát có tác động tích cực nhất khi tăng giá 2,8% lên 47.200 đồng. Kế đến là GAS của PV Gas hay bộ đôi cổ phiếu phân bón DPM, DCM.
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất lên VN-Index. Nguồn: VNDirect. |
Cổ phiếu ngành thép là điểm sáng lớn nhất trong ngày khi đều bứt phá. Ngoại trừ HPG với vốn hóa lớn tác động tích cực nhất thì các mã NKG, HSG, TLH, SMC đều đã được kéo lên mức giá trần.
Cổ phiếu phân bón cũng không kém cạnh khi nối dài chuỗi tăng giá ấn tượng. Bộ đôi DCM, DPM đều đã tăng hết biên độ. Cổ phiếu LAS tăng 9,5% hay BFC tăng 3,4%...
Theo báo cáo phân tích của BSC thì ngành thép và phân bón được dự báo hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine. Cụ thể triển vọng cổ phiếu phân bón cao nhờ kỳ vọng sản lượng xuất tăng và giá bán neo ở mức cao.
Trong khi đó doanh nghiệp thép lớn sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu vào thị trường châu Âu, đặc biệt với nhóm tôn mạ đang xuất nhiều sang thị trường này (như Nam Kim, Hoa Sen)
Một nhóm cổ phiếu khác cũng gây nhiều chú ý là ngành than. Hàng loạt mã đã tăng hết biên độ và dư mua trần từ sớm như TC6, TDN, TVD, NBC, MDC, THT...
Cổ phiếu thép và phân bón đua nhau bứt phá. Bảng giá SSI. |
Khối ngoại hôm nay cũng bán lượng cổ phiếu trị giá 1.987 tỷ và mua vào chỉ 1.190 tỷ, tương ứng với bán ròng gần 800 tỷ đồng trên HoSE.
Các mã bị khối ngoại xả lớn nhất là HPG với giá trị bán 353 tỷ, CTG của VietinBank bị bán ròng 122 tỷ và VIC của Vingroup có giá trị bán ròng 106 tỷ đồng.
Trước phiên giao dịch, các công ty chứng khoán đa phần nghiêng về xu hướng thị trường ở mức trung tính với kịch bản VN-Index dao động tích lũy ở khu vực 1.500 điểm.
Chứng khoán BIDV nhận định xung đột ở Ukraine đang là thông tin thu hút sự chú ý và thị trường rất khó kỳ vọng có nhịp tăng mạnh trong ngắn hạn. VN-Index sẽ tiếp tục vận động trong khoảng 1.485-1.515 điểm trong tuần này và không loại trừ còn những nhịp rung lắc mạnh.
Chứng khoán Đông Á nhận thấy chỉ số có kháng cự ở 1.510 điểm và khả năng trong tuần này số cổ phiếu bắt đáy về tài khoản nên việc chốt lời ngắn hạn còn tiếp diễn, VN-Index cần thêm thời gian để tích lũy ở khu vực 1.500 điểm.
Chứng khoán Rồng Việt có phần tiêu cực hơn khi cho rằng thị trường chưa sẵn sàng cho việc vượt cản và áp lực bán có khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép cho thị trường.
Với diễn biến chưa thực sự mạnh và còn tiềm ẩn rủi ro suy yếu, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và cân nhắc các yếu tố rủi ro. Đồng thời nên xem xét hạ tỷ trọng danh mục để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt tại những cổ phiếu đang chịu áp lực bán lớn hoặc xu hướng kém.