Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VN-Index lao dốc hơn 23 điểm

Tâm lý nhà đầu tư suy yếu về cuối phiên đã đẩy áp lực bán tháo lên cao, sắc đỏ bao trùm các bảng điện tử với hơn 600 mã giảm giá.

Thị trường chứng khoán đang đi vào vùng trống thông tin sau mùa báo cáo kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp. Việc thiếu vắng những động lực mới khiến tâm lý nhà đầu tư dễ dao động và chỉ số biến động mạnh.

VN-Index trong ngày 7/2 vẫn giao dịch khá cân bằng khi mở cửa phiên sáng nhưng bất ngờ bị bán tháo về cuối ngày, nhất là ở các cổ phiếu trụ cột khiến chỉ số lao dốc về mức thấp mới.

Kết phiên, chỉ số đại diện sàn HoSE rơi 23,45 điểm (-2,15%) về mức 1.065,84 điểm, đây là mức thấp nhất của chỉ số kể từ ngày 13/1 đến nay.

Trong khi đó, chỉ số đại diện sàn niêm yết HNX lao dốc 4,47 điểm (--2,08%) về đúng 210 điểm. Chỉ số UPCoM giảm nhẹ hơn khi mất 0,55% giá trị về 75,54 điểm.

chung khoan,  VN-Index,  lao doc anh 1

VN-Index bị bán tháo về cuối phiên 7/2. Đồ thị: TradingView.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn gây tác động tiêu cực lên xu hướng, nhất là nhóm VN30 với mức giảm 24,85 điểm (-2,27%) với 24/30 mã giảm giá. Trong khi chỉ số đại diện vốn hóa vừa VNMID mất 2,13% giá trị và nhóm vốn hóa nhỏ VNSML giảm 1,54%.

Xét từng cổ phiếu, VCB của Vietcombank từ trụ đỡ các phiên trước đã quay sang thành "gánh nặng" nhất khi thị giá rơi 4,2% về 92.000 đồng. Việc điều chỉnh là dễ hiểu khi cổ phiếu này mới lập đỉnh lịch sử phiên hôm qua.

Đứng ngay phía sau là cổ phiếu Hòa Phát (HPG) khi có thời điểm bị bán tháo về giá sàn trước khi kịp hồi phục nhẹ, còn giảm 6,6% xuống 19.750 đồng.

Bộ ba cổ phiếu Vinhomes (VHM) rớt 2,4%, Vingroup (VIC) mất 1,8% và Vincom Retrail (VRE) lao dốc 3,2% sau thông tin VinFast muốn cắt giảm nhân sự tại Mỹ.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn khác gây tác động tiêu cực lên thị trường là nhóm ngân hàng BID của BIDV mất 2,7%, VPB của VPBank rơi 3%, CTG của VietinBank giảm 2,3% hay GVR của Tập đoàn Cao Su lao dốc 5,1%...

Cổ phiếu bất động sản, xây dựng và đầu tư công bị bán tháo khốc liệt hơn với nhiều mã mất trên 5% giá trị, thậm chí nhiều mã đã lộ giá sàn như PDR của Phát Đạt, DXG của Đất Xanh, FCN của Fecon, HTN của Hưng Thịnh Incons, KSB của Khoáng sản Bình Dương.

chung khoan,  VN-Index,  lao doc anh 2

Top cổ phiếu có tác động lớn nhất. Nguồn: FireAnt.

Chiều tích cực không có quá nhiều cái tên tạo tác động tốt. Kéo mạnh nhất cho thị trường là HVN của Vietnam Airlines khi bất ngờ đi ngược tăng giá 4,1% đạt 12.650 đồng dù đang có nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu.

Toàn thị trường vẫn bị nhuộm đỏ bởi áp lực bán tháo trên diện rộng. Các sàn giao dịch ghi nhận tổng cộng 611 mã chứng khoán giảm điểm và ngược lại chỉ có 212 mã tăng giá.

Việc nhà đầu tư tranh thủ bán cổ phiếu cũng đẩy thanh khoản thị trường tăng trở lại với khoảng 13.618 tỷ đồng. Riêng giá trị giao dịch sàn HoSE chiếm 12.168 tỷ đồng, tăng 27% so với hôm qua.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn là lực đỡ chính cho thị trường khi giảm quy mô mua ròng. Khối ngoại sàn HoSE phiên hôm nay mua vào 1.040 tỷ nhưng cũng bán quyết liệt 1.003 tỷ, tương đương chỉ mua ròng 37 tỷ đồng. Đây vẫn là phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp.

Chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 6/2 đồng loạt giảm điểm khi nhà đầu tư ngày càng thận trọng với sự đi lên của lợi suất trái phiếu.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm