Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'VN duy trì quan hệ đa phương sau Đại hội Đảng XII'

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Carl Thayer, nhận định Việt Nam vẫn duy trì chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng và tích cực hội nhập kinh tế sau Đại hội Đảng XII.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng trong chuyến thăm Mỹ tháng 7/2015. Ảnh: AP

- Nhận định của ông về chính sách đối ngoại và hội nhập kinh tế, quốc tế của Việt Nam sau Đại hội Đảng XII?

- Đường lối về chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không thay đổi, đó là quan hệ ngoại giao đa phương và đa dạng, là người bạn tin cậy với tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, tôi cho rằng Việt Nam sẽ đẩy mạnh và làm sâu sắc các mối quan hệ đối tác chiến lược ở từng lĩnh vực.

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động ngoại giao tích cực chủ động nhằm thúc đẩy việc hội nhập kinh tế của Việt Nam. Việt Nam sẽ còn phải nỗ lực nhiều để xúc tiến những hiệp định thương mại tự do đã ký năm qua với Hàn Quốc, châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu...

Điều đáng chú ý là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, cũng như hoan nghênh việc chính phủ đàm kết thúc đàm phán hiệp định tốt đẹp. Gia nhập TPP sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam, và phát biểu của Tổng Bí thư sẽ trấn an các thành viên khác tham gia đàm phán TPP. Một điểm bước ngoặt quan trọng khác cần phải theo dõi là khả năng Quốc hội Mỹ thông qua TPP vào tháng 5 trước khi Tổng thống Obama công du Đông Nam Á. 

Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Hải An

- Các lãnh đạo Việt Nam đã nêu rõ tình hình Biển Đông phức tạp trong những báo cáo ở đại hội vừa qua. Ông dự đoán thế nào về cách xử lý vấn đề này của Việt Nam cũng như quan hệ với Trung Quốc trong giai đoạn mới?

- Việt Nam sẽ tận dụng mọi kênh, như kênh ngoại giao và chính trị, để duy trì tình hình yên ả ở Biển Đông. Với phán quyết của Tòa án Trọng tài về vụ kiện của Philippines và các hành động của Trung Quốc, Việt Nam sẽ theo dõi và cân nhắc về hành động của riêng mình.

Về quan hệ với Trung Quốc, tôi cho rằng ban lãnh đạo mới sẽ nỗ lực để duy trì các hình thức quan hệ giữa hai đảng cầm quyền với nhau, quan hệ giữa các chính phủ, quân đội của hai nước, và những mối quan hệ nhân dân. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ cố gắng giảm thâm hụt thương mại đối với Trung Quốc.

- Việt Nam sẽ theo đuổi quan hệ với những cường quốc như Mỹ và Nhật Bản như thế nào trong thời gian tới?

- Tôi cho rằng các lãnh đạo Việt Nam sẽ cố gắng làm sâu sắc hơn những mối quan hệ hiện tại, bao gồm đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược mở rộng với Mỹ và Nhật Bản; trong các lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và an ninh hàng hải, chủ yếu là hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xây dựng nền tảng qua chuyến thăm đến cả Mỹ và Nhật Bản. Do vậy, Việt Nam sẽ không gặp vấn đề nào trong tương lai đối với những chuyến thăm của nhà lãnh đạo đảng. Hiện tại, tôi cho rằng Việt Nam cần phải chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 để nắm bắt chính sách mới của Mỹ đối với châu Á. Nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP, Mỹ nhiều khả năng đề xuất hỗ trợ nhằm giúp Việt Nam hoàn thành các cam kết của hiệp định.

Đại hội Đảng XII trên báo chí quốc tế

Ngay sau khi Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc tốt đẹp, hàng loạt báo lớn quốc tế đưa tin về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử.

Trả lời hãng tin AP, bà Tran Thi Tram, một người dân ở Hà Nội, kỳ vọng "những vị lãnh đạo mới sẽ thúc đẩy cải cách để giúp đất nước tiến lên phía trước". Đối với bà Tram, một nhiệm vụ quan trọng trước mắt của các nhà lãnh đạo là xử lý triệt để vấn nạn tham nhũng.

Báo New York Times nhận định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản. "Chuyến thăm của Tổng Bí thư tới Nhà Trắng hồi tháng 7 năm ngoái phản ánh cách tiếp cận cho thấy việc phát triển mối quan hệ tốt hơn với Mỹ là một trong những lợi ích quốc gia", tờ báo uy tín hàng đầu của Mỹ viết. Tờ này cũng nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ủng hộ Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhận định về Đại hội Đảng lần thứ XII, chuyên gia Frederick Burke, đối tác quản lý cho Việt Nam tại công ty luật Baker & McKenzie của Mỹ, nói thành công của đại hội lần này là tín hiệu tích cực vì nó cho thấy rõ ổn định chính trị của Việt Nam và sự thượng tôn luật pháp. “Đối với người dân Việt Nam, đó là điều họ mong muốn”, ông Burke nói trên New York Times.

Infographic 12 kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ Đại hội thành lập Đảng năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 12 kỳ đại hội với các dấu mốc quan trọng.

Minh Anh - Hải Anh

Bạn có thể quan tâm