Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'VN cần nhà chọc trời nhưng không nên chạy theo thế giới'

Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội ​Bất động sản TP HCM ch​o biết, đại gia đổ tiền xây tháp chọc trời đáng hoan nghênh song cần xuất phát từ nhu cầu thực.

- Ông bình luận như thế nào về câu chuyện các đại gia bất động sản ồ ạt xây nhà chọc trời trong những năm vừa qua?

- Ở những nước khác, nhà chọc trời vừa thể hiện thành công của doanh nghiệp, vừa là biểu tượng quốc gia. Nơi nào có nhiều cao ốc hoặc những khu tập trung công trình như vậy sẽ được cho là có nền kinh tế phát triển hùng mạnh.

Tuy nhiên, khác với Việt Nam, những tòa nhà chọc trời ở các nước không đơn thuần là một công trình mà còn là quần thể kiến trúc, khu phức hợp với công năng đầy đủ và mang tính chất biểu tượng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM.  Ảnh: Hải An.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM. Ảnh: Hải An.

Câu hỏi đặt ra ở đây là Việt Nam có cần những tòa nhà như thế không? Tôi nghĩ là có. Tôi rất hoan nghênh việc các đại gia có tiềm lực thực sự đổ tiền xây những công trình mang tính chất biểu tượng như vậy.

Trong tương lai, trước sau gì Việt Nam cũng sẽ giàu có và phát triển đến mức cần những biểu tượng đó. Tuy nhiên hiện tại, chúng ta chưa thực sự giàu mạnh nên chuyện xây những tòa nhà cao chọc trời mới chỉ dừng lại ở việc chứng minh thương hiệu của chủ đầu tư. Còn yếu tố biểu tượng quốc gia, tôi e là chưa có.

"Việt Nam cần nhà chọc trời nhưng không nên chạy theo thế giới", ông Lê Hoàng Châu.

- Trước đây, vào năm 2010, thời điểm bất động sản hưng thịnh và việc kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi cũng có những ý tưởng xây nhà chọc trời lên đến cả tỷ đô. Tuy nhiên đến nay, sau 5 năm, các dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy. Quan điểm của ông về câu chuyện này?

- Như tôi đã nói ở trên, chúng ta cần nhà chọc trời nhưng không nên chạy theo thế giới. Xây dựng những công trình như vậy cần phải dựa trên căn cứ, nhu cầu của nền kinh tế hay thị trường.

Nhà chọc trời không đơn thuần là nhà cao nhất mà phải là tổ hợp đa năng, tích hợp được nhiều tiện ích. Và đúng ra cũng không phải ai muốn xây nhà chọc trời là xây được mà phải hùng mạnh kinh tế. Đó có thể là doanh nghiệp bất động sản, đa ngành nhưng yếu tố tiên quyết là phải có uy tín và tiềm lực tài chính tốt.

Lotus Hotel, một trong những dự án tháp chọc trời bị ngưng lại vì chủ đầu tư gặp khó khăn.

Nền kinh tế của chúng ta hiện nay chưa phát triển một cách vững chắc và có độ bền vững. Chưa kể, hiệu quả chung còn khá thấp, nhìn vào chỉ số ICOR (hệ số đầu tư tăng trưởng) là rõ nhất. Việt Nam tốn hơn 5 đồng mới làm được 1 đồng, trong khi đó, thế giới chỉ tốn trên dưới 3 đồng đã làm ra được 1 đồng rồi. Nội chỉ số đó thôi đã thấy được năng suất, hiệu quả của nền kinh tế chúng ta đang như thế nào rồi.

Tương tự như vậy, Việt Nam hiện tại có những tỷ phú đôla trên sàn chứng khoán nhưng khó có thể so sánh với những cái tên thế giới như Bill Gates, Carlos Slim, Jack Ma hay Lý Gia Thành.

Do vậy mà khi đổ tiền xây nhà chọc trời, có những đơn vị, nói đúng ra là chưa lượng sức mình một cách đúng mức khi quyết định những dự án quá tầm, quá năng lực. Trong khi đó, việc kinh doanh của doanh nghiệp lại phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có sự bền vững của nền kinh tế. Điều này cũng giống như thuyền bé mà ra biển rõ ràng sẽ gặp sóng. Các đơn vị đổ tiền xây nhà chọc trời nếu quyết định chưa đúng cũng sẽ gặp khó khăn.

Sau khi có dự án nhà chọc trời, hoạt động kinh doanh của KBC và PVC đều tụt dốc. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Sau khi có dự án Lotus Hotel (đầu tư 1 tỷ USD, chiều cao 400 m), hoạt động kinh doanh của Tổng công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) tuột dốc. Điều tương tự cũng xảy ra với Tổng công ty xây lắp Dầu khí (PVC) với dự án PVN Tower (1 tỷ USD, chiều cao 528 m).  Đồ họa: Phượng Nguyễn.

- Còn với những trường hợp đã xây xong thì sao, thưa ông?

- Những dự án đã thành hình rồi như tháp Bitexco ở TP HCM, Keangnam hay Lotte ở Hà Nội được coi là biểu tượng nhưng đó chưa phải là biểu tượng hoàn hảo mà mới chỉ dừng lại ở danh xưng “cao nhất”.

Thực tế, nếu là biểu tượng như những công trình tại các nước khác, các tòa nhà này ở Việt Nam phải được ngưỡng mộ, thán phục về nhiều điểm, thay vì chỉ là chiều cao. Trước mắt, những dự án đã thành hình mới mang tính biểu tượng về chiều cao thì sự ngưỡng mộ tôi e là chưa bền vững.

Chưa kể, về vận hành, các công trình cao nhất hiện nay cũng không phải là không gặp vấn đề. Chẳng hạn, tòa nhà Bitexco được coi là tháp hoa sen biểu tượng của TP HCM ở thời điểm hiện nay nhưng sự thật thì không gian xây dựng chưa đủ để thể hiện điều đó. Tòa nhà cao 68 tầng mà chỉ được xây dựng trên khuôn viên hơn nửa hecta thì không tương xứng. Nếu quy mô lớn hơn, tôi cho rằng công trình sẽ đẹp hơn nhiều.

Saigon One Tower, tòa nhà cao thứ 3 ở TP HCM gần hoàn thiện nhưng phải ngừng lại cũng bởi chủ đầu tư gặp khó. Phía xa là Bitexco Financial Tower - tòa tháp cao nhất Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân.

Tương tự, Keangnam, tòa tháp cao nhất Việt Nam hiện nay cũng nhiều tai tiếng quá. Thông thường, ở những nước khác, nhà chọc trời không được bố trí các căn hộ bán sở hữu lâu dài, nếu có cũng chỉ là căn hộ dịch vụ cho thuê. Tuy nhiên, dự án này lại bán đứt căn hộ nên có phần chưa tương hợp với mục tiêu các tòa nhà chọc trời thế giới đang nhắm tới.

- Theo ông, ở Việt Nam thời điểm này bao nhiêu chủ đầu tư có đủ tiềm năng để xây dựng những tòa nhà như vậy và chúng ta có nên tính đến việc mời gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia kiến thiết nên các công trình này?

- Đúng là có chuyện một số đơn vị đang rục rịch khởi động những dự án tháp chọc trời. Tại TP HCM hiện tại có Vingroup với Landmark81, Công ty Trần Thái liên danh tập đoàn nước ngoài với tháp quan sát trong khu đô thị Thủ Thiêm.

Tôi cho rằng đây đều là những dự án tháp chọc trời có khả năng thành hình. Với chủ đầu tư dự án Landmark81, trong quá khứ, họ chưa có điều tiếng gì liên quan đến tiến độ. Còn với dự án tháp quan sát, số vốn hơn 1 tỷ USD cùng với nhà đầu tư nước ngoài tham gia, tôi nghĩ cũng có khả năng làm được.

Còn chuyện mời gọi, tôi cho rằng nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài khi quyết định xuống tiền cho dự án nào đều phải xuất phát từ bài toán kinh tế. Dĩ nhiên, họ sẽ không bao giờ đổ tiền vào dự án bất khả thi mà cần tính đến các yếu tố khác như khả năng khai thác được thị trường, thu hồi vốn ra sao. Bản chất, số vốn đổ vào những dự án như vậy thường khá lớn. Do đó, ta không thể nói, theo quy hoạch ta có dự án quy mô cao tầng, đi mời gọi thì ai cũng sẽ hào hứng với lời mời đó.

Việc phát triển các công trình chọc trời phải xuất phát từ nhu cầu kinh tế, người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Dĩ nhiên tôi vẫn hoanh nghênh các chủ đầu tư xây nhà chọc trời vì ít nhiều sẽ đem về giá trị nào đó. Tuy nhiên, đại gia muốn nâng thương hiệu và kêu gọi được nguồn đầu tư nước ngoài là hai chuyện khác nhau. Mời gọi được hay không phần lớn do tính khả thi của dự án.

Tại sao dự án tháp quan sát mời được đối tác ngoại, tôi cho rằng đó là vì nó nằm trong bán đảo Thủ Thiêm đã được quy hoạch chỉn chu, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng đã hoàn chỉnh về quy hoạch kiến trúc.

- Xin cảm ơn ông!

Hai tòa tháp cao nhất Việt Nam chỉ nằm trên giấy

Những tòa tháp chọc trời được xây dựng thể hiện tiềm lực tài chính cũng như khát vọng vươn tầm thương hiệu của chủ đầu tư. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn với lựa chọn đó.

Lan Anh (Thực hiện)

Bạn có thể quan tâm