Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vitamin D không có tác dụng chống lại Covid-19

Các nhà nghiên cứu tin rằng vitamin D tăng cường khả năng miễn dịch và có thể chống lại bệnh đường hô hấp. Do đó, họ cũng hy vọng chất này có thể bảo vệ con người khỏi Covid-19.

Tỷ lệ mắc COVID-19 giữa người bổ sung vitamin D và người không bổ sung không có khác biệt đáng kể. Ảnh: www.eu-cord.org.

Vitamin D được biết đến nhiều nhất với vai trò thúc đẩy xương chắc khỏe bằng cách đảm bảo cơ thể hấp thụ canxi đúng cách. Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng vitamin D giúp tăng cường khả năng miễn dịch và có thể bảo vệ chống lại các bệnh như tiểu đường và hen suyễn.

Ngoài ra, theo Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), nghiên cứu trước đây chỉ ra vitamin D có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng đường hô hấp. Mối liên hệ giữa sự thiếu hụt vitamin D và nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn cũng đã được nghiên cứu.

2 nghiên cứu lâm sàng mới được công bố gần đây trên tạp chí The BMJ báo cáo việc bổ sung vitamin D không giúp giảm nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính hoặc nhiễm trùng do SARS-CoV-2, loại virus gây ra Covid-19.

vitamin D anh 1

Vitamin D không hỗ trợ chống lại Covid-19 như kỳ vọng. Ảnh: 1989STUDIO/Shutterstock.

Hai nghiên cứu về vitamin D

Nghiên cứu lâm sàng đầu tiên diễn ra tại Anh và được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu từ Đại học Queen Mary của London. Họ nghiên cứu 6.200 người từ 16 tuổi trở lên và là những người hiện không bổ sung vitamin D.

Sau khi phân tích nồng độ vitamin D trong máu, các nhà nghiên cứu tiêm liều lượng vitamin D khác nhau cho người tham gia. Sau 6 tháng theo dõi, các nhà khoa học phát hiện tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở nhóm bổ sung ít vitamin D là 5,7% và nhóm bổ sung vitamin D nhiều là 5%.

Ngoài ra, 3,6% nhóm tiêm vitamin D liều thấp và 3% nhóm tiêm liều cao đã mắc Covid-19, so với 2,6% nhóm không được bổ sung vitamin D.

Nghiên cứu thứ 2 được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Đại học Oslo ở Na Uy.

Điều tra viên chính, tiến sĩ Arne Søraas tại Khoa Vi sinh Bệnh viện Đại học Oslo giải thích với Medical News Today: “Chúng tôi đang cố gắng chứng minh vitamin D thực sự có thể ngăn ngừa Covid-19 và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác”.

Ông chia sẻ đã có rất nhiều nghiên cứu về vitamin D như chất tăng cường hệ thống miễn dịch và thậm chí các phân tích tổng hợp chỉ ra nó có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng. Do đó, họ hy vọng nó cũng có thể ngăn ngừa Covid-19, một loại bệnh nhiễm trùng hô hấp.

Nghiên cứu này tập trung vào việc sử dụng dầu gan cá tuyết để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và Covid-19. Dầu gan cá tuyết chứa nhiều vitamin D, vitamin A và axit béo omega-3.

Tiến sĩ Søraas cho biết ông cũng dẫn đầu cuộc nghiên cứu Corona của Na Uy. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học theo dõi 200.000 người Na Uy trải qua đại dịch.

Ông nói: “Chúng tôi quan sát thấy những người sử dụng dầu gan cá tuyết ít bị mắc Covid-19 hơn. Dầu gan cá tuyết là một chất được sử dụng rộng rãi ở Na Uy”.

Tiến sĩ Søraas và nhóm của ông sử dụng dầu gan cá tuyết và giả dược cho khoảng 34.600 người lớn hiện không bổ sung vitamin D. Sau khi dùng dầu gan cá tuyết hoặc giả dược trong thời gian trung bình là 164 ngày, 1,31% người dùng dầu gan cá mắc Covid-19, tỷ lệ mắc của người dùng giả dược là 1,32%. Tỷ lệ mắc Covid-19 nghiêm trọng hơn rơi vào nhóm bổ sung dầu gan cá với 0,7%, trong khi tỷ lệ này ở người dùng giả dược là 0,58%.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu không quan sát thấy sự giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở những người dùng dầu gan cá so với những người dùng giả dược.

vitamin D anh 2

Bổ sung vitamin D có thể có lợi cho sức khỏe nhưng điều này không có nghĩa là nó giúp chúng ta không mắc bệnh. Ảnh: Getty Images.

Vitamin D không có tác dụng chống lại Covid-19

Những phát hiện này khiến tiến sĩ Søraas và nhóm nghiên cứu rất ngạc nhiên. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ không thành lập dự án lớn như vậy nếu chúng tôi không thực sự tin rằng sẽ phát hiện ra tác dụng ngăn ngừa Covid-19 của vitamin D”.

Tiến sĩ Søraas cho biết vẫn sẽ theo dõi tất cả người tham gia nghiên cứu trong ít nhất 2 năm để xác định liệu việc bổ sung vitamin D có tác dụng lâu dài không.

Medical News Today cũng tham khảo ý kiến tiến sĩ Jimmy Johannes, nhà nghiên cứu về phổi và chuyên gia y học chăm sóc quan trọng tại Trung tâm Y tế MemorialCare Long Beach ở Long Beach, California, về 2 nghiên cứu này. Ông cho biết ông không ngạc nhiên trước kết quả đó.

Tiến sĩ Jimmy Johannes nói: “Các nghiên cứu trước đây đánh giá việc bổ sung vitamin D trong việc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng cấp tính có kết quả khác nhau. Tôi nghĩ nếu có bất kỳ ảnh hưởng nào, nó cũng sẽ rất nhỏ".

Khi được hỏi về các bước tiếp theo cho nghiên cứu, tiến sĩ Johannes nói có thể, họ cần nghiên cứu lớn hơn và được kiểm soát tốt hơn để tìm ra bất kỳ tác dụng nào.

Ông cũng băn khoăn liệu tác động của vitamin D này có quan trọng về mặt lâm sàng không và liệu những thử nghiệm lâm sàng này có đáng bỏ ra nhiều chi phí đến vậy không.

Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19

Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.

Phương Hà

Bạn có thể quan tâm