Trả lời CNBC, chuyên gia Curtis Chin thuộc Viện Milken đánh giá: "Hơn cả chiến tranh thương mại, dịch virus corona đã đẩy nhanh quá trình phân ly kinh tế giữa hai quốc gia, khi nhiều doanh nghiệp bắt đầu tư duy lại về chuỗi cung ứng".
“Kinh tế Mỹ không thể chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc. Chúng ta đã chứng kiến một số hậu quả của tình trạng quá phụ thuộc vào một thị trường trọng điểm”, nhà kinh tế Chin nhấn mạnh.
Khả năng nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ “đường ai nấy đi” được đề cập khi chiến tranh thương mại bùng nổ từ năm 2018, dẫn đến việc hai bên đánh thuế trừng phạt lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau.
Những khúc mắc khó gỡ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bao gồm việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ và ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và đại diện Trung Quốc trong buổi ký kết thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" hồi tháng 1. Ảnh: NYT. |
Năm ngoái, Nhà Trắng đã cân nhắc việc hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, bao gồm biện pháp loại bỏ các công ty Trung Quốc ra khỏi sàn chứng khoán Mỹ. Trong lĩnh vực công nghệ, quan hệ giữa 2 nước ngày càng xấu đi. Trung Quốc cũng công khai quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.
"Trên thực tế, quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc - từ các chuỗi cung ứng đến dòng chảy đầu tư và thương mại - vẫn sẽ tiếp tục đan xen trong những năm tới. Tuy nhiên, dịch virus corona đã cho Mỹ và các đối tác thương mại của Trung Quốc thấy rằng cần đa phương hóa hợp tác".
Theo thống kê của Nomura, Trung Quốc đóng góp tới 12% trong tổng thương mại toàn cầu năm 2019. Chuỗi cung ứng của rất nhiều công ty, bao gồm các doanh nghiệp Mỹ, dựa chủ yếu vào mạng lưới sản xuất ở Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng tới một số nền kinh tế châu Á khi các công ty khu vực và toàn cầu phải lần mò tìm cách né thuế trừng phạt và chuyển hướng dòng chảy thương mại.
Dịch virus corona bùng lên từ Vũ Hán gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng, đặc biệt khi chính quyền Bắc Kinh phong tỏa các thành phố lớn ở tỉnh Hồ Bắc, hạn chế đi lại và buộc các nhà máy tạm thời đóng cửa.
Nhiều hãng sản xuất ôtô buộc phải tạm đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc. Trong khi đó, Foxconn - nhà cung cấp lớn nhất của Apple - cũng tạm dừng sản xuất. Nhiều khả năng Apple sẽ phải cắt giảm số lượng lô hàng iPhone.
Nhà phân tích Curtis Chin cho rằng nếu thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" đổ vỡ, Mỹ và Trung Quốc có thể "đổ lỗi" cho dịch virus corona. "Nếu hai bên không thực hiện được các cam kết, họ có thể nói rằng do dịch virus corona", ông nhận định.