Một nghiên cứu mới cho thấy băng tan ở Bắc Cực, cũng như biến đổi khí hậu, có thể đã khiến virus lan sang những loài vật mới và khu vực mới, New York Times đưa tin.
Tác giả nghiên cứu là Tracey Goldstein, nhà sinh vật học tại Đại học California, Davis. Bà phát hiện hai đợt nhiễm bệnh có liên quan đến nhau vào năm 2004 và 2002.
Cụ thể, năm 2004, rái cá biển ở Thái Bình Dương bị phát hiện dương tính với virus “phocine distemper” (bệnh sài sốt hải cẩu - một họ hàng của virus gây bệnh carê hay sài sốt ở chó). Hai năm trước đó có một đợt bùng phát virus đó ở loài hải cẩu cảng biển ở châu Âu.
Mặc dù rái cá biển không di cư xa khỏi nơi cư trú, có khả năng virus đã truyền từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, tiến sĩ Goldstein cho biết.
Cho đến trước năm 2002, Bắc Băng Dương phần lớn đóng băng suốt mùa hè. Nhưng đến năm 2002, vùng Bắc Băng Dương giữa Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương thông được với nhau vào cuối mùa hè, theo phát hiện của tiến sĩ Goldstein cùng các cộng sự.
Băng tan ở Bắc Cực có thể tạo điều kiện cho virus lây lan trong quần thể rái cá biển ở Thái Bình Dương. Ảnh: AFP. |
Nhưng họ cho rằng băng biển tan có thể chỉ là một nguyên nhân cho việc lây lan virus, theo Charles Innis, chuyên gia thú y, giám đốc chăm sóc sức khỏe cho thú tại Thủy cung New England ở Boston, Mỹ.
“Những người hoài nghi có thể lập luận rằng virus nói trên có thể đã lây truyền qua vật chủ trung gian, như chim di cư xa”, tiến sĩ Innis, người không tham gia nghiên cứu, cho biết. “Hoặc có thể virus được truyền qua nước dằn tàu”.
Nước dằn (ballast water) là nước được bơm lên tàu để tạo sự cân bằng trên biển, có thể mang theo các loài sinh vật biển.
Thậm chí việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp hay thịt bị nhiễm bệnh được vận chuyển xuyên đại dương cũng có thể mang theo virus, tiến sĩ Innis nói.
Đến năm 2002, một nghiên cứu mới tìm thấy “khác biệt đáng kể” về mức độ kháng thể trong loài sư tử biển Steller, sống ở phía bắc Thái Bình Dương. Điều đó cho thấy loài này đang nhiễm bệnh hoặc vừa mới hồi phục.
Bệnh nói trên dường như bùng phát theo chu kỳ, theo tiến sĩ Goldstein, vì các loài vật hình thành khả năng miễn dịch đối với bệnh. Sau khoảng 5-10 năm, các lứa hải cẩu và rái cá biển mới được sinh ra và khả năng miễn dịch nói chung giảm xuống, sẽ dẫn tới đợt lây bệnh mới.
Hải cẩu lông mao bắc Thái Bình Dương ở đảo Alaska. Kháng thể chống lại bệnh sốt sài hải cẩu được tìm thấy ở loài này và loài này sư tử biển Steller. Ảnh: AP. |