Theo Bloomberg, khoảng 30% dây chuyền sản xuất thịt lợn tại Mỹ đã tê liệt và một số nhà máy gia cầm lớn bắt đầu đóng cửa ngày 24/4. Trong khi đó, Brazil - quốc gia xuất khẩu thịt gà và bò lớn nhất thế giới - vừa đóng cửa một nhà máy thịt gia cầm của JBS SA, công ty thịt lớn số một thế giới.
Tại Canada, hoạt động của các cơ sở sản xuất thịt chủ chốt cũng bị gián đoạn. Hàng trăm nhà máy ở Mỹ vẫn hoạt động, nhưng chuỗi cung ứng tê liệt gây nhiều lo ngại. Cùng nhau, Mỹ, Brazil và Canada kiểm soát 65% nguồn cung thịt trên thế giới.
“Đây là tình huống chưa từng thấy. Người bán có thể mất hết mọi thứ, còn người mua sẽ phải trả giá cao gấp nhiều lần. Các nhà hàng sẽ hết nguồn thịt tươi trong tuần sau”, Bloomberg dẫn lời doanh nhân Brett Stuart, Chủ tịch Công ty tư vấn Global AgriTrends (Denver), bình luận.
Nguồn cung thịt lợn, bò và gà tại nước Mỹ đang bị hạn chế trầm trọng. Ảnh: NewYork Times. |
Tình hình tại Mỹ ngày càng căng thẳng. Smithfield Food - nhà sản xuất thịt lợn số một thế giới - đóng cửa thêm một nhà máy ở Illinois. Hormel Food Corp cho biết hai nhà máy gia cầm ở Minnesota ngừng hoạt động. Một cơ sở giết mổ lợn quy mô lớn tại Indiana tê liệt.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đẩy giá thịt tại Mỹ tăng cao. Giá thịt bò bán sỉ tăng lên mức kỷ lục trong tuần, trong khi thịt lợn bán sỉ vọt lên 29%. Đây là mức tăng tuần lớn nhất kể từ năm 2012.
Các nhà máy thịt ở châu Âu vẫn hoạt động và Liên minh châu Âu (EU) kiểm soát 20% xuất khẩu thịt toàn cầu. Tuy nhiên, đại diện các công ty như Tyson Foods Inc., JBS và Smithfield Foods cảnh báo người tiêu dùng Mỹ sẽ sớm đối mặt với tình trạng thiếu hụt thịt ở các siêu thị.
Trước khi dịch Covid-19 lan rộng tại Mỹ, nguồn cung thịt toàn cầu cũng đã bị thu hẹp. Trung Quốc - quốc gia sản xuất thịt lợn hàng đầu thế giới - lao đao với dịch tả lợn châu Phi. Hàng triệu con lợn chết, giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng vọt.
Nguồn cung thịt lợn đông lạnh tại Mỹ tương đương 2 tuần sản xuất. Với việc phần lớn nhà máy đóng cửa 14 ngày để chống dịch virus có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), nguy cơ nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng thịt là rất lớn.
Trong khi đó, với việc các lò mổ đóng cửa, nông dân Mỹ không thể bán được heo, bò và gà. Họ buộc phải tiêu hủy chúng, gây lãng phí thực phẩm và giáng cú đòn mạnh vào nguồn cung.