Doanh nghiệp Việt “nhiễm” bệnh
Trong mấy năm trở lại đây, thuật ngữ chuyển giá, trốn thuế được báo chí nhắc tới nhiều khi hàng loạt doanh nghiệp FDI lớn như Coca-Cola, Pepsico, Nestley hay Kaengnam,… bị ngành thuế “sờ gáy”. Dính nghi án chuyển giá nên các doanh nghiệp này ít nhiều rơi rụng thiện cảm của người tiêu dùng.
Theo thông báo mới đây của Tổng cục Thuế, trong 8 tháng đầu năm 2014, khi thanh tra, kiểm tra tại hơn 39.000 doanh nghiệp, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 2.000 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu hơn 1.000 tỷ đồng, giảm lỗ lên tới trên 4.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia đã vạch trần phương thức chuyển giá thông dụng mà các “ông lớn” FDI sử dụng. Đó là công ty con sử dụng các dịch vụ, nguyên liệu, sản phẩm của công ty mẹ với giá cao nhằm chuyển lợi nhuận phải đóng thuế về cho công ty mẹ. Bên cạnh đó, công ty con còn phải gánh nhiều các phí do công ty mẹ áp đặt.
Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động trong thời gian như Coca-Cola, Metro hay Pepsi đạt doanh thu khủng nhưng thua lỗ triền miên. Điều đáng nói, dù thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, các doanh nghiệp này vẫn rót thêm hàng ngàn tỷ đồng mở rộng sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết khi nhắc tới chuyển giá, người ta thường nghĩ tới các công ty đa quốc gia mà không nghĩ tới công ty trong nước. Nhưng gần đây, một số công ty trong nước đã học theo phương thức này của “ông lớn” ngoại.
Nhận định của ông Phụng cũng đồng nhất với đánh giá mà Tổng cục Thuế đưa ra. Theo đó, hiện tượng chuyển giá hiện không chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp FDI như trước mà đã có dấu hiệu lan sang cả một số doanh nghiệp trong nước. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, làm thất thu ngân sách Nhà nước và gây tác động xấu tới môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp Việt cũng dính nghi án chuyển giá như Coca-Cola. |
Ông Phụng phân tích các doanh nghiệp Việt hoạt động tại nhiều địa phương khác nhau. Bên cạnh các thành phố lớn, doanh nghiệp đặt trụ sở tại vùng sâu, vùng xa, những nơi được Nhà nước khuyến khích đầu tư. Chính vì vậy, họ được nhận nhiều ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế.
Cũng cần phải nói thêm, một số doanh nghiệp hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau, trong đó có các địa phương nhận được hàng loạt ưu đãi. Vì vậy, để tối đa hóa lợi nhuận, họ tìm cách chuyển giá, dồn nhiều lợi nhuận phải tính thuế về các vùng ưu đãi.
Chống cũng phải… khéo
Vì vậy, hiện nay, mục tiêu chống chuyển giá của ngành thuế không chỉ là doanh nghiệp FDI mà còn là một số doanh nghiệp Việt. Ông Phụng cho biết trong 5 năm trở lại đây, ngành thuế đã lên phương án đối phó với “người nhà”.
Cuộc chiến chống chuyển giá với doanh nghiệp Việt dường như im ắng hơn so với doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, cuộc chiến này vô cùng khó khăn. Khó khăn vì việc truy tìm dấu vết không dễ và mất nhiều thời gian, công sức. Bên cạnh đó, quá trình thanh, kiểm tra vừa yêu cầu quyết liệt…. vừa khéo léo.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bình luận việc doanh nghiệp mở rộng sản xuất là việc bình thường. Họ thua lỗ mà vẫn mở rộng cũng bình thường vì khi thua lỗ, họ có phương án huy động vốn, thay đổi phương thức sản xuất, mở rộng kinh doanh bù lại những gì đã sai. “Đây là hiện tượng rất bình thường. Chúng ta cần suy nghĩ lành mạnh về hiện tượng này”, Ông Hoàng cho biết.
Doanh nghiệp FDI có đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Theo ông Hoàng, trong lúc đất nước khó khăn, vai trò đầu tư nước ngoài thể hiện được đóng góp lớn. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp cá biệt lợi dụng các kẽ hở để chuyển giá. Nhưng một vài thì không thể nói toàn nhà đầu tư nước ngoài được.
Ông Hoàng góp ý khi thanh tra chuyển giá, ngành thuế cần nhìn tổng thể từ khâu đầu đến khâu cuối, cần kiểm tra xem doanh nghiệp có nâng giá thiết bị, chi phí hay không. Cần có bằng chứng với kết luận. Ông Hoàng cũng cho biết, các nước khác cũng vậy. Họ không đưa vấn đề chính thống vì ảnh hưởng đến các nhà đầu tư chân chính. Như vậy, muốn thanh tra chuyển giá cũng phải khéo léo.