Wall Street Journal dẫn thông tin từ chính phủ Peru cho biết gần 500 người có các mối liên hệ chính trị tại Peru đã được bí mật tiêm vaccine của Trung Quốc từ tháng 9, trước khi chính quyền nước này cấp phép phê duyệt. Nhóm người này bao gồm các cố vấn chính phủ, nhà vận động hành lang, bộ trưởng trong nội các và cựu Tổng thống Martin Vizcarra cùng gia đình.
Sau vụ việc, bộ trưởng Y tế Peru và các quan chức hàng đầu khác đã từ chức. Công tố viên đã mở cuộc điều tra hình sự để tìm hiểu điều gì đã xảy ra với 2.000 liều vaccine không được công bố. Câu hỏi đặt ra là liệu việc tiêm lén vaccine có liên quan đến hình thức thương lượng bất hợp pháp giữa chính phủ và nhà sản xuất vaccine từ Trung Quốc hay không
"Những người đã tham gia vào hành vi không đúng đắn này sẽ không có chỗ đứng trong chính quyền của tôi", Tổng thống Francisco Sagasti tuyên bố.
Cựu Tổng thống Peru Martin Vizcarra, người đã nhận vaccine Trung Quốc trước các nhân viên y tế, phát biểu trước các phóng viên ở Lima vào tháng 12/2020. Ảnh: Ernesto Benavides/Agence France-Presse. |
Vụ bê bối của Peru đã gây chấn động ngay cả khi cử tri ở đây đã quen với việc các chính trị gia nhận hối lộ để đổi lấy các hợp đồng “béo bở”. Một số cựu tổng thống và hơn một nửa số nhà lập pháp trong Quốc hội đang phải đối mặt với các cuộc điều tra hình sự.
Ông Samuel Rotta, giám đốc tổ chức chống tham nhũng ProEtica của Peru, cho biết: “Điều này sẽ làm xói mòn niềm tin vào chính quyền nhà nước cũng như giới thượng lưu”.
Bác sĩ đang tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc ở Lima vào hôm 15/2. Ảnh: Raul Sifuentes/Getty Images. |
Việc lén tiêm chủng của quan chức Peru cũng làm nổi bật nguy cơ sai phạm trong thị trường vắc xin trị giá hàng tỷ USD. Các chính trị gia quyền lực và người giàu có ở nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm cách đảm bảo vaccine cho chính mình trước những đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhận được vaccine.
Ở một số quốc gia Mỹ Latin, châu Phi và châu Á, các quan chức đang lợi dụng sự thiếu giám sát để trục lợi cho bản thân và những người thân cận. Tại Philippines, đội bảo vệ an ninh cho Tổng thống Rodrigo Duterte đã được tiêm vaccine Covid-19 vào năm 2020 trước khi việc sử dụng được cho phép. Ở Uganda, các quan chức thân cận của Tổng thống Yoweri Museveni cũng đã được cung cấp vaccine.
Điều trùng hợp ở hai quốc gia này là vaccine đều đến từ công ty sản xuất thuốc nhà nước Trung Quốc Sinopharm.
Phát biểu về hành động trên, đại sứ quán Trung Quốc bác bỏ quan điểm cho rằng các mũi tiêm là một đặc quyền để đổi lấy hợp đồng. Tại một cuộc họp của Liên Hợp Quốc hôm 17/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố quốc gia này sẽ không bao giờ sử dụng vaccine để tìm kiếm lợi ích kinh tế hay sự ủng hộ chính trị.
Peru là một trong những quốc gia đã phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt bùng phát dịch Covid-19 với hơn 43.000 ca tử vong được ghi nhận. Nước này đã ký hợp đồng với Sinopharm vào tháng 1 để mua 38 triệu liều vaccine.
Các kỹ thuật viên ở Bắc Kinh chuẩn bị các liều vaccine Sinopharm để vận chuyển đến Peru vào tuần trước. Ảnh: Ernesto Benavides/Agence France-Presse. |
Ban đầu, các loại vaccine này được đưa đến Đại học Lima’s Cayetano Heredia để phục vụ nghiên cứu. Tuy nhiên, theo danh sách của chính phủ, có tới 487 người không tham gia nghiên cứu đã được tiêm vaccine.
Việc tiêm chủng bí mật lần đầu được tiết lộ khi truyền thông Peru đưa tin ông Vizcarra đã tiêm hai liều vào tháng 10/2020, trước khi việc sử dụng vaccine được chấp thuận. Vợ và anh trai của ông cũng xuất hiện trong danh sách những người đã được tiêm.
Sau sự việc, cựu Tổng thống Vizcarra cho biết ông là một tình nguyện viên trong cuộc thử nghiệm của trường đại học. Tuy nhiên, Đại học Cayetano Heredia, nơi chịu trách nhiệm cho chương trình thử nghiệm, đã bác bỏ thông tin này.
Bộ trưởng Ngoại giao Elizabeth Astete, người phụ trách đàm phán mua vaccine và Bộ trưởng Y tế Pilar Mazzetti cũng xuất hiện trong danh sách đã được tiêm vaccine của chính phủ.