Với nhiều VĐV, huy chương vàng Olympics mở ra cơ hội đến đỉnh vinh quang cao nhất trong sự nghiệp và cải thiện tài chính.
Những ngôi sao chạy nước rút
Khi Fanny Blankers-Koen, VĐV điền kinh nổi tiếng người Hà Lan đoạt 4 HCV tại Olympics London 1948, cô nhận được phần thưởng 1 chiếc xe đạp từ chính quyền thành phố Amsterdam. 70 năm sau, người hậu bối Dafne Schippers có thể nhận tới 10 triệu USD nếu chiến thắng hai nội dung 100m và 200m ở Olympics Rio 2016.
Không còn là những khoản thưởng bèo bọt từ chính quyền như trước đây, với các VĐV (cụ thể ở đây là Hà Lan), các nhà tài trợ là những kẻ hào phóng nhất. “Cô ấy có thể trở thành bộ mặt của thể thao Hà Lan tại Rio,” Frank van den Wall Bake, chuyên gia marketing về thể thao tại Hà Lan, nói.
Dafne Schippers sẽ đổi đời nếu giành HCV tại Olympics Rio 2016. |
Kể từ Olympics Moscow 1980, chỉ có 2 vận động viên người châu Âu giành thắng lợi các nội dung chạy nước rút dành cho nữ. “Nếu Schippers chinh phục Olympics Rio 2016, cô ấy sẽ trở thành biểu tượng thể thao toàn cầu, thu hút các nhà tài trợ, những nhãn hiệu hàng đầu,” Nigel Currie, nhà sáng lập công ty chuyên về marketing thể thao NC Partnership nói.
10 triệu euro cho hai tấm HCV rõ ràng là số tiền lớn. Usain Bolt, người đàn ông chạy nhanh nhất hành tinh kiêm kỷ lục gia Olympics, từng kiếm tới 32,5 triệu đô la một năm. Thế nhưng, không phải bất kỳ nhà vô địch nào cũng đổi đời nhờ Olympics. Điều đó có lẽ chỉ đúng cho những VĐV nước rút nổi tiếng như Usain Bolt, Schippers hay Mo Farah,..
Không phải cứ huy chương vàng là đổi đời
“Nhiều chuyên gia từng dự đoán rằng bất kỳ tấm huy chương vàng nào ở Olympics London 2012 cũng sẽ giúp các vận động viên Anh Quốc trở thành triệu phú,” Tim Crow, CEO của Synergy - công ty quảng bá thương hiệu cho Coca-Cola và Mastercard - nói.
Nhưng nếu Mo Farah, VĐV đã giành hai huy chương vàng ở các nội dung 5000m và 10.000m giành được vô số hợp đồng tài trợ sau giải đấu, thì Greg Rutherford, một người đồng nghiệp ở nội dung nhảy xa từng giành HCV Olympics London 2012 môn nhảy xa, lại không may mắn thế.
Không phải ai cũng may mắn đổi đời sau khi giành HCV Olympics. |
Rutherford phải vật lộn tìm nhà tài trợ sau giải đấu. Nike cắt hợp đồng với anh vào năm 2013, chỉ một năm sau khi giành HCV Olympics London. Liên đoàn Olympics Vương quốc Anh thậm chí còn không trả bất kỳ khoản thưởng nào cho việc giành huy chương Olympics. Nhưng có lẽ chỉ mỗi người Anh làm thế.
Liên đoàn Olympics Hà Lan thưởng 25,500 euro (28,265 USD) cho mỗi tấm huy chương vàng VĐV giành được. Người Đức cũng treo thưởng 25,000 euro cho mỗi VĐV giành HCV. Tại Mỹ, con số đó là 25,000 USD, trong khi Canada trả 15,198 USD.
Pháp, Bỉ, Italia và Nga có vẻ hào phóng nhất. Mỗi VĐV Italy nhận tới 150,000 euro (178,370 đô la) cho một tấm HCV, con số đó với vận động viên Nga là 60,000 đô la. Với Bỉ và Pháp là là 50,000 euro.
Giá trị thật của những tấm huy chương
Những tấm HCV, được nhiều VĐV coi như món quà lưu niệm vô giá, đã không được làm bằng vàng tinh khiết kể từ Olympics 1908 tại London. Trong bối cảnh giá vàng lên tới 1,330 USD/ounce, dùng vàng thật tạo ra huy chương quá đắt đỏ với nhà tổ chức. Mỗi tấm HCV tại Rio chỉ có giá trị hơn 600 đô, với tỷ lệ 1,2% vàng thật, 7.4% đồng và 91.4% là bạc.
HCV tại Olympics Rio không được làm từ vàng thật. |
Nhưng nhiều VĐV cũng có thể thu về những món tiền kếch xù từ các tấm huy chương, vốn có giá trị tinh thần hơn là giá trị vật chất thật sự. Năm 1996, tay đấm Wladimir Klitschko người Ukraine bán tấm HCV Olympics 1996 với giá 1 triệu USD và góp vào quỹ từ thiện của anh trai, Vitali Klitschko.
Tấm huy chương vàng của VĐV điền kinh Jesse Owens người Mỹ (Olympics 1936) có giá tới 1,47 triệu USD vào năm 2013. Mark Wells, một nhà vô địch Hockey tại Olympics 1980 cũng bán huy chương của mình, và thu về 310,700 USD.
Tuy vậy, với nhiều VĐV, được thi đấu và chiến thắng mới quan trọng nhất. “Tiền là thứ cuối cùng tôi nghĩ đến”, Schippers, cô gái vàng của thể thao Hà Lan nói.