Trong thông báo mới nhất từ Vingroup, tập đoàn này cho biết đã chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không từ 14/1. Tập đoàn cũng đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải xin chấm dứt dự án Vinpearl Air.
Đây là dự án mà Vingroup mới công bố đầu tư nửa năm trước, hồi tháng 7/2019 và chưa đi vào vận hành. Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nuôi tham vọng lớn trong lĩnh vực hàng không khi dự tính chi ra 4.700 tỷ đồng vốn đầu tư cho hãng hàng không Vinpearl Air, riêng vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau chưa đầy 5 tháng công bố, tập đoàn này đã phải thoái lui với lý do "tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp".
Dự án hàng không Vinpearl Air của Vingroup đã dừng hoạt động khi chưa kịp cất cánh. Ảnh: T.L. |
Tham vọng tập đoàn tài chính Vincom
Hàng không không phải lĩnh vực đầu tiên Vingroup đặt tham vọng nhưng chưa kịp vận hành đã phải rút lui. Trước đó, tập đoàn này đã thoái lui ở nhiều lĩnh vực lớn như tài chính, chứng khoán, bán lẻ, thời trang…
Giai đoạn 2007-2008, khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở thời điểm rực rỡ nhất, VN-Index tăng liên tục vượt ngưỡng 1.000 điểm, Vingroup đã đặt tham vọng gia nhập thị trường với Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG).
Trong đó, tập đoàn tài chính này sẽ kinh doanh trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ.
Vingroup thậm chí đã chuẩn bị đầy đủ về nhân sự cho tập đoàn tài chính này, là những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực.
Đây cũng là thời điểm Vingroup (khi đó vẫn mang tên Vincom) đang rất dồi dào về nguồn vốn khi vừa niêm yết hai cổ phiếu VIC (Vincom tháng 9/2007) và VPL (Vinpearl Land tháng 1/2008).
Cũng chính bộ đôi cổ phiếu này sau khi niêm yết đã đưa ông Phạm Nhật Vượng vào danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán khi đó.
Tuy nhiên, 2007-2008 cũng là giai đoạn khủng hoảng tài chính của Mỹ lan rộng và ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chứng khoán Việt vào cuối năm 2008, đầu năm 2009.
Chỉ trong vài tháng, VN-Index rơi từ vừng 1.200 điểm xuống còn hơn 300 điểm vào tháng 3/2009, giảm gần 4 lần giá trị.
Thị trường ngân hàng cũng chứng kiến những biến động lãi suất rất lớn, năm 2008, chính sách thắt chặt tiền tệ của cơ quan quản lý gắn liền với sự căng thẳng về thanh khoản của các ngân hàng thương mại.
Lãi suất huy động VND có kỳ biến động mạnh nhất, vào giữa năm 2008, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên tới 43%/năm, lãi huy động từ người dân xấp xỉ 19-20%/năm, lãi suất cho vay tối đa 21%/năm.
Vingroup từng vận hành công ty chứng khoán VincomSC trong khoảng 4 năm trước khi thoái vốn. Ảnh: D.C. |
Trước diễn biến này, Vingroup đã phải tuyên bố hủy kế hoạch tham gia vào mảng tài chính.
Lĩnh vực liên quan duy nhất Vingroup tham gia khi đó là chứng khoán với Công ty Chứng khoán VincomSC (VIX) thành lập từ 2007.
Ra đời vào giai đoạn thị trường thăng hoa, nhưng sau 2 năm vận hành thì thị trường chứng khoán Việt thoái trào, Vingroup đã phải thoái vốn khỏi VincomSC vào năm 2011. Hiện công ty chứng khoán này được đổi tên thành Công ty CP Chứng khoán IB (IBSC) với cổ đông lớn nhất là Công ty Cổ phần FTG Việt Nam (nắm 17% vốn).
Lãnh đạo Vingroup cho biết lý do rút lui khỏi lĩnh vực chứng khoán do công ty hoạt động không tốt, liên tục không đạt chỉ tiêu và kế hoạch đặt ra. Việc thoái vốn khỏi VincomSC cũng chính thức kết thúc tham vọng của tập đoàn này trong lĩnh vực tài chính.
Thoái lui khỏi lĩnh vực bán lẻ
Vingroup cũng từng mở ra nhiều dự án kinh doanh khác như VinDS, Vinlinks, VinExpress, VinFashion... nhưng đều sớm phải rút lui không lâu sau đó.
Đơn cử, VinFashion được thành lập từ năm 2014 thì sau một năm đã thoái lui. Tương tự là Vinlinks, VinExpress…
Mới đây, tập đoàn này đã tuyên bố thoái lui khỏi mảng bán lẻ và thu hẹp hoạt động thương mại điện tử.
Khác với tài chính, bán lẻ đã được Vingroup khởi động từ năm 2013 với việc thành lập VinMart và VinMart+. Đến tháng 10/2014, tập đoàn này mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail (chủ sở hữu chuỗi siêu thị Ocean Mart) và đổi tên thành Công ty CP Siêu thị VinMart.
Cùng với việc sáp nhập các siêu thị của Ocean Mart và mở mới hàng loạt siêu thị, điểm bán, bán lẻ trở thành mảng đầu tư lớn thứ 2 tại Vingroup sau bất động sản.
Mảng kinh doanh này nhanh chóng trở thành nguồn thu lớn thứ 2 từ năm 2015 khi đóng góp gần 13% tổng doanh thu hợp nhất.
Trong năm gần nhất (2019), với 3.022 điểm bán lẻ, chuỗi VinMart và VinMart+ đã mang về cho tập đoàn khoản 26.000 tỷ doanh thu. Tuy nhiên, mảng này lại lỗ EBITDA hơn 2.100 tỷ đồng.
Những năm trước đó, doanh thu đều xấp xỉ 1 tỷ USD/năm nhưng bán lẻ của Vingroup thường xuyên báo lỗ hàng nghìn tỷ trước thuế.
Với mục tiêu dồn lực cho sản xuất và công nghệ, Vingroup đã chấp nhận chuyển giao 2 chuỗi bán lẻ này cho Masan và thoái lui khỏi bán lẻ sau hơn 6 năm đầu tư.
Thay vì quản lý trực tiếp, Vingroup sẽ đóng vai trò cổ đông góp vốn trong công ty mẹ vận hành chuỗi VinMart, VinMart+ và quyền chi phối thuộc về Masan.
Không chỉ thoái lui khỏi bán lẻ, thương vụ sáp nhập với Masan cũng đồng thời chuyển giao mảng nông nghiệp công nghệ cao tại VinEco.
Cùng với đó, Vingroup đã tuyên bố giải thể VinPro và sáp nhập Adayroi về VinID.
Tương tự như VinMart và VinMart+, chuỗi điện máy VinPro nằm trong chiến lược bán lẻ của Vingroup.
Thời điểm tập đoàn mở rộng đầu tư bán lẻ, VinPro cũng được đổ hàng nghìn tỷ để mở rộng và cạnh tranh thị phần với hai đối thủ lớn nhất Thế giới Di động và Nguyễn Kim.