Tháng 9/2017, Vingroup thực hiện bước đầu tiên trong kế hoạch lấn sân lĩnh vực công nghiệp, công nghệ bằng việc khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất ôtô - xe máy điện VinFast tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng).
Đây là sự kiện khởi đầu cho hàng loạt thay đổi trong hoạt động đầu tư và kinh doanh của tập đoàn này cũng như những thay đổi liên quan cơ cấu vốn tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết của Vingroup suốt 4 năm qua.
Một trong những thay đổi lớn nhất của Vingroup giai đoạn 2017-2020 chính là hoạt động đầu tư góp vốn vào các công ty con.
Trong 4 năm qua, dù số tiền đầu tư vào công ty con của Vingroup liên tục tăng nhanh từ gần 55.300 tỷ đồng (2017) lên hơn 95.600 tỷ vào cuối năm 2020, nhưng cơ cấu các khoản góp vốn lại cô đặc hơn rất nhiều.
VinFast là bước ngoặt trong hoạt động kinh doanh của Vingroup giai đoạn 2017-2020. Ảnh: Việt Linh. |
Cô đặc các khoản góp vốn công ty con
Cụ thể, với gần 55.300 tỷ đầu tư vào các công ty con năm 2017, Vingroup nắm quyền chi phối tại 25 công ty con trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ du lịch giải trí với Vinpearl; bất động sản với Tân Liên Phát, Nam Hà Nội; bán lẻ với Vincommerce; y tế với Vinmec…
Đến cuối năm 2020, hơn 95.600 tỷ góp vốn của tập đoàn này chỉ còn cô đặc chủ yếu ở 13 công ty con. Trong đó, nhiều công ty mà Vingroup từng nắm đa số vốn năm 2017 đã không còn tồn tại đến cuối năm 2020.
Trong cơ cấu đầu tư vào các công ty con năm 2017, ngoài Vinpearl có giá trị ghi sổ hơn 13.700 tỷ và Công ty Tân Liên Phát được góp hơn 8.500 tỷ đồng, hầu hết công ty con còn lại đều được Vingroup góp vốn đầu tư với giá trị tương đương nhau trong khoảng 2.000-6.000 tỷ đồng.
Số này bao gồm hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như VinFast (thành lập năm 2017) với số vốn góp 5.250 tỷ; Vincommerce được góp 3.560 tỷ; Vincom Retail có giá trị góp 3.500 tỷ; hay Vinmec được góp 3.230 tỷ đồng…
Đến cuối năm 2020, giá trị đầu tư vào công ty con của Vingroup được cơ cấu tập trung chính vào 3 công ty lớn nhất gồm Vinhomes với giá trị ghi sổ gần 23.000 tỷ; VinFast đạt hơn 20.000 tỷ và Vinpearl với gần 17.000 tỷ đồng.
Ba khoản đầu tư vào nhóm công ty con kể trên cũng chiếm tới hơn 60% tổng giá trị đầu tư vào các công ty con của Vingroup, cao gấp nhiều lần tỷ trọng đầu tư vào 3 công ty này năm 2017.
Trong suốt giai đoạn 2017-2020, cùng với việc hình thành các công ty con để tham gia lĩnh vực mới như VinFast, VinSmart làm công nghiệp; VinTech, VinID làm công nghệ; VinUni trong lĩnh vực giáo dục đại học… Vingroup cũng phải bán vốn và chia tay nhiều lĩnh vực từng mang nhiều kỳ vọng.
Đặc biệt, năm 2019, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã phải tái cấu trúc một loạt hoạt động kinh doanh với trọng tâm là rút lui khỏi lĩnh vực bán lẻ và nông nghiệp thông qua việc hoán đổi toàn bộ cổ phần tại Công ty VCM (sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ và VinEco) thành quyền chọn nhận cổ phần tại công ty hợp nhất giữa VCM và Công ty TNHH Masan Consumer Holdings (sau này thành lập Công ty The CrownX).
Qua đó, Vingroup đã trở thành cổ đông không kiểm soát tại The CrownX do Tập đoàn Masan điều hành. Ngoài ra, Vingroup cũng giải thể toàn bộ hệ thống VinPro, sáp nhập Adayroi vào VinID và tuyên bố rút lui khỏi lĩnh vực hàng không.
Thậm chí, báo cáo tài chính kiểm toán riêng của Vingroup năm 2020 mới công bố còn cho biết tập đoàn này đang có kế hoạch rút lui hoàn toàn khỏi lĩnh vực bán lẻ bằng việc bán toàn bộ cổ phần sở hữu còn lại trong Công ty The CrownX.
Hiện giá gốc của số cổ phần còn lại Vingroup nắm giữ tại The CrownX được xác định là 5.538 tỷ đồng, tuy nhiên tập đoàn đang trong quá trình xác định lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư.
Những mảng kinh doanh chủ đạo
Ngoài ra, Vingroup còn đẩy mạnh hoạt động bán vốn tại các công ty khác như bán một phần vốn tại Công ty CP Đầu tư Kinh doanh VMC Holding (công ty mẹ của Vinmec) cho nhóm nhà đầu tư nước ngoài do GIC/Goverment of Singapore đại diện với giá 4.700 tỷ; bán 40% tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng với giá 1.285 tỷ…
Mới nhất, Vingroup rao bán 25 triệu cổ phiếu Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT), tương đương 50% số lượng cổ phần nắm giữ sau 7 năm đầu tư vào doanh nghiệp này. Thương vụ thoái vốn kể trên có thể mang về cho Vingroup gần 450 tỷ đồng (tính theo giá thị trường của cổ phiếu VGT).
Thay đổi giá trị đầu tư góp vốn của Vingroup vào 3 công ty con nói trên cũng phản ánh hoạt động kinh doanh hiện tại của tập đoàn này. Cụ thể, năm 2017, 3 mảng kinh doanh đóng góp doanh thu lớn nhất cho Vingroup là chuyển nhượng, cho thuê bất động sản; bán lẻ; và khách sạn du lịch, vui chơi giải trí với gần 85.400 tỷ đồng doanh thu.
Đến năm 2020, mảng sản xuất (chủ yếu là VinFast) và các dịch vụ liên quan đã thế chỗ bán lẻ trở thành mảng kinh doanh lớn thứ 2 tại Vingroup chỉ sau bất động sản.
Trong đó, 3 mảng kinh doanh gồm chuyển nhượng, cho thuê bất động sản; sản xuất; và khách sạn du lịch, vui chơi giải trí đã mang về 101.100 tỷ doanh thu, chiếm trên 90% số hợp nhất. Ba mảng kinh doanh này cũng tương đương với cơ cấu 3 khoản đầu tư góp vốn lớn nhất của Vingroup vào các công ty con gồm Vinhomes; VinFast và Vinpearl.
KẾT QUẢ KINH DOANH BỘ PHẬN NĂM 2020 CỦA VINGROUP | ||||||||
Nhãn | Chuyển nhượng bất động sản | Cho thuê bất động sản | Sản xuất | Du lịch khách sạn | Y tế | Giáo dục | Khác | |
Doanh thu thuần bên thứ 3 | tỷ đồng | 72167 | 6662 | 17415 | 4869 | 2675 | 2244 | 4457 |
Lợi nhuận trước thuế bộ phận | 21460 | 2744 | -12386 | -12065 | -1414 | -251 | -1311 |
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020 của Vingroup, chuyển nhượng và cho thuê bất động sản vẫn là mảng mang lại doanh thu lớn nhất với gần 79.000 tỷ, chiếm hơn 70% doanh thu hợp nhất. Đây cũng là bộ phận kinh doanh duy nhất vẫn mang lại lợi nhuận trước thuế cho tập đoàn này những năm qua.
Trong khi đó, khi không còn đóng góp từ bán lẻ, doanh thu mảng sản xuất của Vingroup liên tục ghi nhận xu hướng tăng nhanh qua từng năm và đạt hơn 17.400 tỷ đồng năm qua, chiếm 16% số hợp nhất. Tuy vậy, bộ phận này vẫn đang lỗ trước thuế hàng năm với số lỗ năm gần nhất lên tới gần 12.400 tỷ.
Với bộ phận dịch vụ khách sạn du lịch, vui chơi giải trí do Vinpearl phụ trách, do năm 2020 vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của bộ phận này đi xuống rõ rệt với gần 4.900 tỷ doanh thu bên thứ ba, nhưng lỗ trước thuế hơn 12.000 tỷ đồng.
Trong năm liền trước đó, doanh thu của bộ phận này vẫn là hơn 8.500 tỷ đồng và chỉ khiến công ty phải bù lỗ hơn 3.300 tỷ đồng.