Chiều qua, Vingroup vừa thông tin về việc tập đoàn này cũng đã mua lại 87 cửa hàng bán lẻ Shop & Go của Công ty Cổ phần Cửa hiệu và Sức sống chỉ với giá 1 USD.
Đây là thương vụ mua bán mới nhất của tập đoàn này. Năm ngoái, Vingroup cũng có một loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập, phục vụ cho chiến lược mới của đơn vị này.
Loạt thương vụ nghìn tỷ ở lĩnh vực bất động sản
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 của Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup - VIC cho thấy tại khoản mục các giao dịch mua và chuyển nhượng cổ phần quan trọng là một giao dịch bất động sản.
Điểm chung của các doanh nghiệp bán lẻ được Vingroup mua lại: Thua lỗ, nợ lớn
Ttháng 8/2018, Vingroup hoàn tất mua lại 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Viễn Thông A, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ điện tử cùng tên. Mức giá mà tập đoàn này phải chi ra cho thương vụ chỉ vỏn vẹn 39 tỷ đồng. Công ty này sau đó cũng được hợp nhất vào hệ thống VinPro.
Hai tháng sau đó, tháng 10/2018, Vingroup đã chi ra hơn 1.412 tỷ đồng mua lại toàn bộ vốn của Công ty Cổ phần Đầu tư Nhất Nam, doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart.
Báo cáo tài chính kiểm toán tiết lộ điểm chung của các doanh nghiệp mà Vingroup mua lại năm vừa qua: đều đang trong tình trạng thua lỗ hoặc hoạt động không hiệu quả.
Như chuỗi cửa hàng Viễn Thông A, theo số liệu, tính đến thời điểm bị Vingroup thâu tóm, tổng tài sản của công ty này lên tới 607 tỷ đồng. Tuy nhiên, 99,5% trong đó là các khoản nợ phải trả, chủ yếu là nợ vay tài chính ngắn hạn có phát sinh lãi suất. Điều này khiến giá trị tài sản thuần của chuỗi cửa hàng chỉ đạt 2,3 tỷ.
Thậm chí, chỉ tính từ 1/1/2018 đến thời điển Vingroup mua lại Viễn Thông A (21/8/2018), công ty này đã lỗ trước thuế 226 tỷ đồng.
Cộng với khoản lợi ích cổ đông không kiểm soát và lợi thế thương mại từ việc hợp nhất, tổng giá phí của thương vụ này chỉ đạt 39 tỷ đồng.
Với Fivimart, tại thời điểm xác định giá mua, Vingroup cho hay tài sản của doanh nghiệp này vào khoảng 765 tỷ đồng nhưng gần 98% số này cũng là nợ phải trả. Theo đó, tổng tài sản thuần của doanh nghiệp chỉ còn lại 18 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do ghi nhận lợi ích cổ đông không kiểm soát và lợi thế thương mại sẽ có được từ việc sáp nhập nên tổng giá phí hợp nhất kinh doanh mà Vingroup định giá là 1.412 tỷ cho thương vụ.
Cũng tính từ đầu năm 2018 đến thời điểm bị Vingroup mua lại, công ty sở hữu siêu thị Fivimart và công ty con cũng đã lỗ trước thuế 558 tỷ đồng. Vingroup sau đó đã sáp nhập hệ thống này vào Công ty Vincommerce.
Lỗ thuần 262 tỷ đồng từ lĩnh vực sản xuất
Đầu năm 2018, tập đoàn đã chi hơn 443 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty VINFA lên mức 96,39%, biến VINFA thành công ty con của mình. VINFA hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh dược phẩm.
Vingroup cũng mua lại 100% vốn tại Công ty General Motors Việt Nam (GM Việt Nam) với tổng giá trị 919 tỷ đồng.
Ngoài ra, 22 đại lý Chevrolet tại Việt Nam cũng sẽ trở thành đại lý phân phối của VinFast khi hãng này hoàn tất bản xe thương mại đầu tiên.
Trong đầu năm 2019, Vingroup tiếp tục chi ra hàng trăm tỷ cho các thương vụ thâu tóm mới như việc Công ty VinTech mua lại 51% phần vốn góp của Mundo Reader - công ty chủ quản của BQ, thương hiệu smartphone của Tây Ban Nha để chen chân vào lĩnh vực sản xuất điện thoại với thương hiệu Vinsmart. Tổng giá trị của thương vụ lên tới gần 40 triệu USD.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Vingroup năm vừa qua cũng lần đầu tiên ghi nhận thêm doanh thu từ các hoạt động sản xuất của tập đoàn.
Theo đó, năm 2018, ngoài hàng chục nghìn tỷ đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản và bán lẻ thì tập đoàn này đã ghi nhận thêm 567 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, khoản này mới chỉ chiếm vỏn vẹn 0,5% tổng doanh thu năm qua.
Thực tế, mảng kinh doanh này của Vingroup cũng đang lỗ thuần do giá vốn hoạt động sản xuất lên tới 829 tỷ đồng. Như vậy, Vingroup đang chịu khoản lỗ thuần 262 tỷ đồng trong lĩnh vực này năm vừa qua.